Quê hương nâng bước chân Người!

GD&TĐ - Về nơi Bác sinh ra, ai ai cũng nghe lòng mình thổn thức, lâng lâng trước sự bình yên riêng có của nơi này, trước sự thiêng liêng trùm lên cảnh vật.

Về nơi Bác đã sinh ra, bất cứ ai cũng nghe lòng mình thổn thức. Ảnh: Bình Thanh
Về nơi Bác đã sinh ra, bất cứ ai cũng nghe lòng mình thổn thức. Ảnh: Bình Thanh

Dẫu rằng, hơn nửa thế kỷ trôi qua, Bác Hồ đã đi xa, nhưng mảnh đất làng Sen chưa một ngày vắng bước chân những người con dân đất Việt về đây để tỏ lòng thành kính, nhất là mỗi độ tháng Năm sinh nhật của Người.

Về nơi Bác đã sinh ra

Hoài Khánh

Sáng tháng Năm con lại về quê Bác

Lúa vụ chiêm đang mẩy hạt sai bông

Nắng miền Trung sôi tiếng ve bỏng rát

Vẫn ngan ngát hương sen như thể thêm hồng

Con đứng lặng trước ngôi nhà tranh ba gian xưa cũ

Chính nơi đây Bác cất tiếng khóc chào đời

Cánh cổng tre đơn sơ đón gió vào lối nhỏ

Cho mỗi sớm mai thức gọi ánh Mặt trời

Chiếc võng này còn vẳng khúc à ơi

Cậu Nguyễn Sinh Cung lớn khôn trong lời ru của mẹ

Lẫm chẫm bước chân trần tập đi hồi thơ bé

Bám vịn chõng tre quê để mai sau bôn ba khắp bốn phương trời

Khung dệt vải ngỡ còn tiếng đưa thoi

Bao canh khuya sáng ngọn đèn dầu lạc

Dáng hình mẹ in sâu trong tim Bác

Cả những câu dân ca theo Bác đến trọn đời

Tấm phản gỗ còn ấm chỗ cha ngồi

Giọng xứ Nghệ trầm hùng trang sách cổ

Nửa thế kỉ xa quê dẫu thành lãnh tụ

Bác không quên cây mít mật sau nhà

Cứ mỗi bận về thăm quê Bác Hồ

Mắt con cay xè trước điều giản dị

Dù lãnh tụ hay danh nhân cao quý

Đều biết nâng niu trân trọng tuổi ấu thơ.

Về nơi Bác đã sinh ra, bất cứ ai cũng nghe lòng mình thổn thức, lâng lâng trước sự bình yên riêng có của nơi này, trước sự thiêng liêng bao trùm lên cảnh vật. Từ cỏ cây, hoa lá, chim muông đến ngôi nhà kỉ niệm, tất cả như mang một vẻ trầm tư, tĩnh tại lạ thường, như nâng niu, gìn giữ làm sao cho vẹn nguyên kí ức về thời ấu thơ của Bác, vị lãnh tụ thiên tài muôn vàn kính yêu.

Trong mạch nguồn cảm xúc thiêng liêng ấy, nhà thơ Hoài Khánh đã vẽ nên bức tranh tuyệt mỹ bằng ngôn ngữ trữ tình mà ở đó hiện lên đầy đủ cảnh sắc thiên nhiên và kỉ vật về Người, hiện lên tâm trạng của một người con với niềm biết ơn và nhớ thương vô hạn vị cha già dành trọn cuộc đời cho dân, cho nước.

Ông quan sát tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ, lồng ghép đan xen giữa cảnh và tình, giữa kí ức và hiện tại, giữa kỉ vật nhỏ bé thân thương với những điều lớn lao vĩ đại để mang đến cho người đọc một tác phẩm văn chương xúc động vô ngần.

Con tim thôi thúc

“Sáng tháng Năm con lại về quê Bác

Lúa vụ chiêm đang mẩy hạt sai bông

Nắng miền Trung sôi tiếng ve bỏng rát

Vẫn ngan ngát hương sen như thể thêm hồng”.

Câu thơ mở đầu là lời giới thiệu về thời gian và mở ra tâm trạng, tình cảm của nhân vật trữ tình dành cho Bác. Một năm có mười hai tháng với ba trăm sáu mươi lăm ngày, nhưng tác giả chọn một ngày tháng Năm đầy nắng, gió khắc nghiệt của mảnh đất miền Trung để về thăm quê Bác.

Ấy là vì ông nhớ ngày Bác được sinh ra, nhớ công ơn phụ mẫu của Người đã sinh thành và dưỡng nuôi một vị thiên tài lừng danh cho Tổ quốc. “Con lại về” chứng tỏ đây không phải là lần đầu, không phải là ngẫu nhiên mà là sự sắp xếp kế hoạch thường niên, có chủ ý, có sự thôi thúc của con tim.

Một sự mặc định trong cảm xúc hiển nhiên mà không có bất cứ tính toan hơn thiệt điều gì. “Con lại về” chỉ vì niềm yêu kính Bác, vì nhớ thương vô hạn với Người.

Những câu thơ tiếp theo vừa là bức tranh làng Sen vào độ tháng Năm với cánh đồng lúa sai bông mẩy hạt, với cái nắng miền Trung sôi tiếng ve bỏng rát, với ngan ngát hương sen như thể thêm hồng nhưng cũng vừa nói lên sự tập trung cao độ của nhân vật trữ tình khi huy động mọi giác quan để cảm nhận đầy đủ thanh âm, hương sắc của nơi này.

Mắt ông quan sát, tai lắng nghe, mũi đón hương và trái tim thì cảm nhận từng cảnh vật của làng quê. Và rồi ông chắt lọc trong số ấy những nét nổi bật nhất để phác họa bức tranh cho người đọc thấy mà liên tưởng. Đó là vẻ đẹp huyền bí của làng Sen, đó là tình cảm đậm sâu của người con từ phương xa hành hương về đất mẹ.

Tiến vào địa chỉ đỏ là chính ngôi nhà nơi Bác được sinh ra. Tâm trạng của nhân vật trữ tình lặng đi vì xúc động.

“Con đứng lặng trước ngôi nhà tranh ba gian xưa cũ

Chính nơi đây Bác cất tiếng khóc chào đời

Cánh cổng tre đơn sơ đón gió vào lối nhỏ

Cho mỗi sớm mai thức gọi ánh Mặt trời”

Điểm nhấn của khổ thơ nằm ở tính từ “lặng” và hai câu sau. “Lặng” là một trạng thái tĩnh không một chút cử động bởi sự xúc động quá mạnh của tâm lí trước cấu trúc đặc biệt của ngôi nhà nơi Bác được sinh ra. Ấy là: “Cánh cổng tre đơn sơ đón gió vào lối nhỏ/Cho mỗi sớm mai thức gọi ánh Mặt trời”.

Thời gian là lúc khởi đầu ngày mới giống như sự bắt đầu cuộc đời của một con người và hiện tượng tự nhiên là ánh Mặt trời, thứ ánh sáng diệu kì tỏa rạng chiếu soi cho nhân gian thấy rõ con đường mình tiến bước.

Thêm vào đó là động từ kép “thức gọi” để nói lên hành động lay gọi, thức tỉnh một điều gì đó đang mơ hồ vô định. Tác giả đã ngầm mở ra cho người đọc về sự thiên định: Đây chính là mầm mống xuất hiện của một bậc vĩ nhân, một người sẽ là vầng dương soi sáng đường đi cho dân tộc đang chìm trong mờ mịt tối tăm này.

Đi từ nguồn cội

“Chiếc võng này còn vẳng khúc à ơi

Cậu Nguyễn Sinh Cung lớn khôn trong lời ru của mẹ

Lẫm chẫm bước chân trần tập đi hồi thơ bé

Bám vịn chõng tre quê để mai sau bôn ba khắp bốn phương trời”

Tác giả tiếp tục dẫn dắt người đọc đến với từng chi tiết, từng kỉ vật trong ngôi nhà đơn sơ, bình dị ấy. Đó là chiếc võng gắn với lời ru ầu ơ ngọt ngào của mẹ, là chiếc chõng tre quê cho Bác vịn tập đi hồi thơ bé, là chiếc khung dệt vải, là ngọn đèn dầu mẹ Bác ngồi thao thức đêm đêm, là chiếc phản gỗ nơi cha Bác ngồi đọc sách.

Tất cả hiện lên một cách thật chân thực và sống động. Người đọc như nhìn thấy trọn vẹn bức tranh sinh hoạt của một gia đình nho học thời bấy giờ. Từng kỉ vật thiêng liêng, từng ánh mắt, cử chỉ và hành động của mẹ cha in sâu vào tâm khảm Bác, đó chính là cái nôi dung dưỡng tâm hồn, nhân cách cậu bé Nguyễn Sinh Cung từng giờ, từng phút lớn lên.

Với cách khai thác triệt để, logic là đi từ xa đến gần, từ ngoài vào trong, từ lớn đến nhỏ, ngòi bút đã tạo nên một bản vẽ thành công cả về hình thức lẫn nội dung cảnh vật, làm bật lên tâm trạng của nhân vật trữ tình là nhớ Bác khôn nguôi, là niềm xúc động, là sự biết ơn vô hạn với nơi này.

Cách chọn lọc động từ cũng vô cùng tinh tế và chuẩn xác. Ví như câu thơ: “Lẫm chẫm bước chân trần tập đi hồi thơ bé/ Bám vịn chõng tre quê để mai sau bôn ba khắp bốn phương trời”.

Động từ kép “bám vịn” vừa là nghĩa thực khi đôi tay Bác thuở lẫm chẫm tập đi thì bám vịn vào chõng tre để vững vàng không bị ngã, vừa là nghĩa bóng hàm ý một chân lý sâu xa, đó là quê hương, gia đình, nguồn cội chính là cái nôi, là nền tảng gốc rễ, là điểm tựa tinh thần cho Bác vững chí, bền gan trên cuộc hành trình mai sau bôn ba tìm đường cứu nước.

Bác hiểu điều ấy hơn ai hết, muốn thành công trên mọi bước đường đời đều phải đi từ nguồn cội, phải bám chặt vào nguồn cội, bám chặt vào quê hương mà cha ông bao đời chắt chiu, gầy dựng. Đó là lí do Bác nâng niu, khắc ghi mọi thứ vào lòng dù là nhỏ nhất, dù chỉ là cây cỏ vô ưu như câu thơ đã nói: “Nửa thế kỉ xa quê dẫu thành lãnh tụ/ Bác không quên cây mít mật sau nhà”.

Người viết tỏ rõ sự sâu sắc trong việc cảm nhận, thấu hiểu ý nghĩ, tâm hồn và tình yêu của Bác với quê hương, tỏ rõ sự sâu sắc về triết lí sống và cả tình yêu vô hạn với Người.

Khổ cuối bài thơ, người viết dành để nói về cảm xúc chung của nhân vật trữ tình trong những lần về thăm quê Bác:

Cứ mỗi bận về thăm quê Bác Hồ

Mắt con cay xè trước điều giản dị

Dù lãnh tụ hay danh nhân cao quý

Đều biết nâng niu trân trọng tuổi ấu thơ”.

Dẫu đã đến đây rất nhiều lần, nhưng lần nào cảm xúc của tác giả cũng trào dâng, cũng nghẹn ngào như thế. Ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc, một vị quan từng đỗ phó bảng và làm đến chức Tri huyện. Theo lẽ thường lúc ấy, đây phải là một ngôi nhà khang trang với những tiện nghi quý giá vậy mà ngược lại, chỉ là những vật dụng đơn giản, đủ cho mức sinh hoạt tối thiểu nhất của một gia đình nhỏ bé mà thôi.

Điều ấy chứng tỏ rằng, bậc thân sinh ra Bác là những người sống rất thanh bạch, liêm khiết, chính trực. Cốt cách ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến anh chị em trong gia đình Bác nên dù sau này, khi đã trở thành lãnh tụ của một đất nước, có tầm ảnh hưởng rất lớn đến bạn bè và nhân dân trên toàn thế giới, Bác vẫn chưa một lần nghĩ đến bản thân, đến gia đình mà trở về sửa sang cho ngôi nhà kỉ niệm được khang trang như mơ ước hiển nhiên của mọi con người trong cõi nhân gian.

Càng ngẫm về điều ấy bao nhiêu ta càng xúc động với sự hy sinh trọn đời của Bác nên câu thơ của tác giả là cảm xúc chân thực, mãnh liệt không chỉ riêng nhân vật trữ tình của bài thơ mà của tất cả những ai từng đến nơi này.

Xét về góc độ nghệ thuật thì bài thơ không quá cầu kì về ngôn ngữ và biện pháp tu từ mà câu chữ xuất phát từ cảm xúc chân thực của trái tim, nên bình dị, dễ hiểu, dễ dàng chạm đến trái tim người đọc.

Tác giả đã thực sự thành công khi tái hiện đầy đủ, chi tiết bức tranh về con người và không gian nơi Bác đã sinh ra một cách sinh động, cuốn hút nhất và nói lên mức độ tình cảm sâu sắc của nhân vật trữ tình dành cho vị cha già dân tộc. Đọc xong bài thơ hẳn ai cũng lâng lâng xúc động và mỗi độ tháng Năm lại khao khát tìm về.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio.

Mỹ hé lộ lằn ranh đỏ với Iran

GD&TĐ - Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định Washington theo đuổi mục tiêu không để Iran sở hữu vũ khí hạt nhân bằng biện pháp hòa bình.

Học sinh Trường THCS Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm trong tiết chuyên đề Ngữ văn cấp thành phố. Ảnh: Đình Tuệ

Trường giúp trường nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Bằng nhiều hoạt động khác nhau, các trường ở Hà Nội tiếp tục tương trợ về chuyên môn, quản lý để cùng phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.

Nguyễn Minh Anh - sinh viên Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: NVCC

Lan tỏa tinh thần học và làm theo Bác

GD&TĐ - Vượt qua hơn 1,8 triệu thí sinh cả nước, Vũ Thị Kim Oanh và Nguyễn Minh Anh xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi “Tuổi trẻ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2025.