Cảm thụ văn học: Mệnh lệnh của khát vọng hòa bình

GD&TĐ - Sau hơn hai thập kỷ can trường chiến đấu, dân tộc ta phải trải qua biết bao nhiêu đau thương mất mát lớn lao, để đi đến độc lập, hòa bình.

Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Borries Gallasch, lưu tại Hội trường Thống Nhất.
Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Borries Gallasch, lưu tại Hội trường Thống Nhất.

Trước thềm non sông thu về một mối, bước chân cuối cùng của dân tộc dồn lên đôi vai người lính mở cửa Dinh Độc Lập.

Cái mốc son chói lọi đã đi vào lịch sử ấy của dân tộc được nhà thơ Đàm Chu Văn tường thuật lại bằng cảm xúc chất chứa, cô đọng; bằng sự thấu hiểu và lòng biết ơn sâu sắc của bậc cháu con với người đi trước qua hình tượng Anh hùng Lực lượng vũ trang, liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ.

Để hôm nay và mai sau, dù không chứng kiến thời khắc thiêng liêng ấy, người đọc vẫn có thể hình dung về bức tranh chiến đấu dũng cảm, quên mình của những người chiến sĩ vì lí tưởng cách mạng, vì khát khao độc lập, hòa bình.

Thử thách cuối cùng

Chỉ còn một bước chân

Đàm Chu Văn

Chỉ còn một bước chân là đến Sài Gòn

Chiến thắng cuối cùng đã ở ngay trước mặt

Nụ cười mẹ, ánh mắt cha đã ở ngay trước mặt

Trút đi bao nhớ mong đằng đẵng

Ngày mai con lại về áp chân trần

lên đồng đất quê hương

Gặp lại cô bạn tuổi thơ ánh mắt

ấm buổi đến trường...

Nhưng chưa có ngày mai, đạn giặc vẫn cản đường

Ngoại bang đã buông bỏ rồi (cuộc chiến tranh

vùi dập uy danh, hao người, tốn của)

Lũ chóp bu chạy rồi, bọn cuồng tín loạn điên

vẫn điên cuồng xả đạn

Chúng không kịp nghĩ chúng sẽ chết vì ai,

sau lưng chúng là ai, trước mặt chúng là ai

Rũ rượi lá cờ màu cải úa,

úa tàn thây ma thời nô lệ bù nhìn

Chỉ còn một bước chân

Vượt qua cây cầu kia, vượt qua đoạn đường kia

Hàng xanh mở lối vào giải phóng

Bước chân cuối cùng dân tộc

dồn lên đôi vai người lính

Người mở cửa là anh, không thể ngoài anh!

Bật nắp xe, người chỉ huy ấy ưỡn ngực trần

Hứng loạt đạn cuối cùng cho xe tăng ta

chồm lên chiến thắng.

Bài thơ lấy tựa đề "chỉ còn một bước chân" là sự gợi mở đầu tiên về một sự kiện lịch sử trọng đại, tầm vĩ mô gây được chú ý, tò mò:

“Chỉ còn một bước chân là đến Sài Gòn

Chiến thắng cuối cùng đã ở ngay trước mặt

Nụ cười mẹ, ánh mắt cha đã ở ngay trước mặt

Trút đi bao nhớ mong đằng đẵng

Ngày mai con lại về áp chân trần

lên đồng đất quê hương

Gặp lại cô bạn tuổi thơ ánh mắt

ấm buổi đến trường...”

Chỉ còn một bước chân là định lượng hữu hạn về mặt khoảng cách địa lý nhưng lại vô hạn về thử thách, khó khăn. Nhà thơ lựa chọn cụm từ "chỉ còn một bước chân" đặt vào đầu tiên không chỉ để nói lên khoảng cách quân ta đã rất gần với mục tiêu chiến đấu cuối cùng mà còn gợi cho người đọc hình dung về hành trình dài gian khổ, hy sinh mà người chiến sĩ giải phóng đã từng trải qua và cả chặng đường phía trước còn phải vượt qua.

Chỉ còn một khoảng cách ngắn giống như bước chân thôi là sẽ đến đích, sẽ toàn thắng, các anh sẽ được trở về với gia đình, quê hương, bè bạn sau chuỗi ngày đằng đẵng nhớ mong, sẽ được áp đôi chân trần lên đồng đất quê hương để cảm nhận sự mát lành, êm ả, sự thiêng liêng của đất mẹ bao đời.

Thế nhưng, đoạn đường ngắn ngủi còn lại ấy lại chính là trọng trách lớn lao đặt lên vai người lính khi họ phải đối mặt với hiểm nguy là súng đạn man rợ của kẻ thù để quyết định vận mệnh của Quốc gia, dân tộc.

Vậy là, chỉ cần một cụm từ chuẩn xác, ngòi bút đã diễn tả thành công cảm xúc, tâm trạng của quân ta trong thời khắc tiến vào Dinh Độc Lập. Bởi “chỉ còn một bước chân” chính là động lực nhưng cũng là thử thách đòi hỏi ở họ sự quyết tâm chiến đấu đến cùng.

Để người đọc hôm nay hiểu được thử thách ấy là gì và nguy hiểm ra sao, người viết đã dành trọn một khổ thơ để nói về kẻ địch. Đó là quân đội Việt Nam Cộng hòa trong cơn hoảng loạn điên cuồng xả đạn vào quân ta mà không kịp nghĩ gì về được mất, tương lai.

“Nhưng chưa có ngày mai, đạn giặc vẫn cản đường

Ngoại bang đã buông bỏ rồi (cuộc chiến tranh vùi dập uy danh, hao người, tốn của)

Lũ chóp bu chạy rồi, bọn cuồng tín loạn điên

vẫn điên cuồng xả đạn

Chúng không kịp nghĩ chúng sẽ chết vì ai,

sau lưng chúng là ai, trước mặt chúng là ai

Rũ rượi lá cờ màu cải úa,

úa tàn thây ma thời nô lệ bù nhìn”

Những câu thơ tưởng như mang tính diễn giải, trình bày này lại mang hàm ý rất sâu xa khi nói lên được sự hiểm nguy vô hạn của quân ta trước kẻ thù điên loạn. Đó là bọn ngụy quân cuồng tín loạn điên không phân biệt được đâu là nguồn cội, là chính nghĩa; không biết mình chết vì ai, vì cái gì và được mất ra sao, bị ngoại bang bỏ lại nên chúng rơi vào bước đường cùng.

Chợt nhớ câu nói của dân gian: “Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân”. Bọn chúng là kẻ thứ hai không còn gì để mất, có biết gì nữa đâu để mà sợ, còn đâu cái phanh hãm cho sự điên cuồng của chúng khi bị dồn đến thế chân tường? Nhà thơ đã khéo léo sáng tạo ý tứ của dân gian để nói lên mối hiểm nguy vô cùng mà quân ta phải đối mặt trong giờ phút ấy, đồng thời giúp người đọc cảm nhận sâu sắc hơn tinh thần chiến đấu, xả thân vì độc lập của những chiến sĩ giải phóng.

Họ đã quên mình cho Tổ quốc quyết sinh. Mặt khác, câu thơ cũng nói lên lòng thương hại, sự cảm thông và lớn lao hơn là tư tưởng nhân đạo, sự rộng lượng của dân tộc ta đối với kẻ thù, khi luôn tìm cách mở cho chúng con đường sống, con đường hoàn lương làm lại cuộc đời.

Dấu ấn day dứt

cam-thu-van-hoc-menh-lenh-cua-khat-vong-hoa-binh-1-316.jpg
Anh hùng liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ. Ảnh tư liệu.

“Chỉ còn một bước chân

Vượt qua cây cầu kia, vượt qua đoạn đường kia

Hàng xanh mở lối vào giải phóng”

“Chỉ còn một bước chân”, nhưng bước chân ấy không hề ngắn, không hề dễ nên họ phải "vượt" nghĩa là di chuyển qua quãng đường khó khăn, trở ngại để đến thủ phủ quân đội Việt Nam Cộng hòa đang chiếm đóng. Một quãng rất ngắn mà gian nan hơn băng đèo, vượt biển.

Đó là vượt hàng rào bức tường thành và cánh cổng cao dày kiên cố; vượt qua cơn bão súng đạn của kẻ thù mà tiến thật nhanh để giành chiến thắng, hạn chế tối đa tổn thất về người và của của quân ta. Chỉ bằng một động từ thôi mà toát lên thật đủ đầy ý nghĩa, thật khiến người nghe khâm phục tận đáy lòng.

Trở lại với cụm từ "Chỉ còn một bước chân" được lặp lại trong khổ ba này, đó là một dấu ấn làm lòng ta day dứt. Bởi vì bước chân ấy không chỉ đơn thuần bó hẹp là cự ly của đoàn quân xông vào tổng tiến công lần cuối mà vĩ đại, lớn lao là bước chân cuối cùng của cả dân tộc. Vì thế, trọng trách dồn lên vai người chỉ huy lúc ấy thật nặng nề

“Bước chân cuối cùng dân tộc

dồn lên đôi vai người lính

Người mở cửa là anh, không thể

ngoài anh!”

Câu thơ khẳng định nhiệm vụ bắt buộc và duy nhất của người chỉ huy là Đại úy Ngô Văn Nhỡ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Xe tăng 1 (Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2) được giao nhiệm vụ: Chỉ huy lực lượng đi đầu trong đội hình thọc sâu của quân đoàn, đánh địch ở lá chắn cuối cùng của quân địch tại cửa ngõ Sài Gòn - cầu Xa Lộ - Đồng Nai.

Tại đây, địch bố trí hệ thống phòng thủ dày đặc, quyết chặn hướng tiến công của ta bằng mọi giá. Trong thời khắc lịch sử quan trọng này,. Đại úy Ngô Văn Nhỡ phải mở cửa cho quân ta xông vào đồng nghĩa với việc anh phải đối mặt với cái chết là hứng lấy loạt đạn của kẻ thù đang ồ ạt như mưa.

Nhưng đây không phải là lời của cấp trên giao phó mà là mệnh lệnh của trái tim anh, mệnh lệnh của tình yêu quê hương, đất nước, của nỗi hờn căm đất nước bị xâm lăng. Đây là một phát hiện tinh tế của người viết bởi vì trước mỗi tình huống cấp bách thì chỉ có sức mạnh tự thân mới làm nên huyền thoại. Anh Ngô Văn Nhỡ đã không chút đắn đo trước lằn ranh sinh tử của bản thân để xông lên trong một tư thế oai hùng, lẫm liệt của người chiến sĩ cộng sản:

“Bật nắp xe, người chỉ huy ấy ưỡn ngực trần

Hứng loạt đạn cuối cùng cho xe tăng ta

chồm lên chiến thắng”.

Sự dũng cảm phi thường được gói gọn trong vài động từ mà toát lên chí khí. Nếu như “bật nắp xe” là thể hiện thái độ dứt khoát, thần tốc, táo bạo, quyết đoán bên ngoài thì hành động “ưỡn” làm cho ngực nhô ra phía trước, người hơi ngửa về đằng sau để chủ động "hứng" lấy loạt đạn cuối cùng, mở đường cho xe tăng ta chồm lên chiến thắng là thể hiện tư tưởng, tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt bên trong.

“Ưỡn” và “hứng” là tư thế chủ động để quyên sinh cho đất nước hòa bình. Hai động từ "ưỡn" và "hứng" cùng hỗ trợ, bổ sung, cộng hưởng với nhau để nói lên tấm gương anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng của người chiến sĩ năm xưa kiên cường, lẫm liệt.

Tác giả đã thực sự thành công khi chọn lựa ngôn từ để phục dựng chuẩn xác một thi ảnh mà làm cho người đọc vừa ám ảnh, vừa kính phục, vừa biết ơn sâu sắc. Đó là niềm mơ ước của tất thảy những ai muốn chạm vào ranh giới thơ ca.

Năm mươi năm đã trôi qua nhưng dư âm ngày đại thắng 30/4/1975 vẫn còn vang vọng mãi. Từng phút, từng giây trong ngày giải phóng là một thời khắc lịch sử thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Biết bao anh hùng sau đằng đẵng gian nan những tưởng sẽ được chạm tay vào chiến thắng, chạm tay vào ước mơ là trở lại quê nhà đoàn tụ với mái ấm gia đình, bè bạn, quê hương, được sống giữa bầu trời hòa bình tự do độc lập nhưng không thể. Họ phải dừng lại cuộc đời trước ngưỡng cửa thành Dinh để đổi lấy chủ quyền cho đất nước.

Chỉ còn một bước chân của anh hùng liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ và đồng đội là dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng những người dân đất Việt. Nhà thơ Đàm Chu Văn đã chuyển tải thành công một thời khắc lịch sử, một nhân vật anh hùng kiệt xuất bằng một loại hình nghệ thuật hấp dẫn để người đọc, nhất là độc giả trẻ thấu hiểu và khắc ghi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ quân Man Utd đi vào lịch sử

Thủ quân Man Utd đi vào lịch sử

GD&TĐ - Thủ quân Bruno Fernandes đi vào lịch sử sau khi cùng Man Utd hạ chủ nhà Athletic Bilbao 3-0 ở lượt đi bán kết Europa League hôm 2/5.