Quanh chuyện lì xì đầu năm

Quanh chuyện lì xì đầu năm

(GD&TĐ) - Lì xì đầu năm, theo phong tục đẹp của người Việt, đó là dịp để cha mẹ, ông bà, người lớn chọn những đồng tiền lẻ còn mới, đặt trong những phong bao đỏ, tặng cho các cháu nhỏ, mong các cháu hay ăn, chóng lớn. Con cháu trong nhà cũng có thể gửi phong bao đến cho ông bà, bố mẹ, mong ông bà, bố mẹ sống khỏe mạnh. Mặc dầu vậy, trước sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, trong những năm gần đây, tục mừng tuổi đầu năm đã có những biểu hiện lệch lạc, biến dạng, làm mai một đi phần nào những ý nghĩa tốt đẹp, tích cực vốn có. 

->Ứng xử với lì xì ngày Tết

Bi hài chuyện lì xì đầu năm

Lì xì tiền trăm, tiền triệu không còn xa lạ với nhiều cháu nhỏ ở các thành phố lớn, đặc biệt khi có bố mẹ làm quan chức. Ngày Tết, các con chẳng cần ở nhà, “thôi thì gửi lại lì xì cho các cháu lấy may đầu năm” trở thành câu cửa miệng của nhiều người tới xông nhà các sếp dịp đầu năm.

Các cháu nhỏ gia đình khá giả ở thành thị được nhận lì xì tiền lớn đã quen, khi về quê nội, quê ngoại, nhận được lì xì của cô chú, ông bà chỉ là vài chục, thậm chí có người hàng xóm quý cháu cho vài nghìn lẻ tiền mới, đã chẳng ngại ngùng bí xị mặt, phụng phịu với bố mẹ, “ít lắm, con chả thèm” làm người tặng cũng ngại ngùng, mà bố mẹ các cháu cũng nóng bừng mặt vì xấu hổ.

Chị Hằng, có chồng làm giám đốc một tỉnh. Trước Tết, nhà chị không phải lo hoa, quất, cành đào, cây cảnh. Chồng cũng không lo rượu, bánh kẹo ngoại… Tất cả đã có quà biếu của nhân viên. Từ 28, 29 tháng Chạp, các con chị Hằng đã được nhận lì xì của các cô chú cơ quan đến thăm bố mẹ. Các cô chú lấy cớ Tết mắc công chuyện, về quê, không lên chúc Tết anh chị được nên có quà đến Tết sớm. Hai đứa trẻ nhà chị, đứa học lớp 5, đứa học lớp 9, tuy đã lớn nhưng vẫn thích được "lì xì" nên hễ cứ thấy có khách là hai chị em lại kéo nhau xuống phòng khách ngồi để đợi được mừng tuổi. Cô chú nào đến  chơi, trước khi ra về cũng đều lì xi cho hai cháu. Khách ra về, hai chị em lại đem phong bao bỏ ra, mỗi cái 500 ngàn... Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết hai đứa trẻ nhà chị Hằng lại đập lợn để kiểm xem mình được bao nhiều tiền để khoe với bạn.

Chị Hà, ở Gia Lâm - Hà Nội kể: "Mình có thói quen Tết thường đổi tiền mới với mệnh giá 10 nghìn để mừng tuổi cho dễ và cũng không cho vào bao lì xì vì còn để tùy tình hình mà mừng tuổi nhiều hay ít. Ngày mùng 2 Tết đến nhà một người bạn, mình phải đếm mỏi tay để mừng tuổi cho con của người bạn để tương xứng với số tiền con mình nhận được. Mình cũng thấy hơi ngại. Chắc năm sau mình cũng mua bao lì xì và sẽ để riêng các loại tiền mệnh giá khác nhau, đánh dấu các phong bao khác nhau đề mừng tuổi cho đỡ ngại...", 

Chị Quỳnh - Cầu Giấy - Hà Nội thì dở khóc dở cười khi đưa đứa con trai hơn 2 tuổi đi chơi Tết. Bình thường ở nhà, chị luôn cấm con cầm tiền vì sợ bẩn. Và bé có thói quen nhận tiền mừng tuổi bằng phong bao lì xì. Mỗi lần các cô các bác đưa cho chiếc phong bao đỏ bé đều hớn hở cầm chạy ra đưa cho mẹ và nói: "Cô, bác mừng tuổi con...".  Hôm mồng 4 cả nhà chị về quê Vĩnh Phúc chúc Tết, một người bạn rút tờ tiền mừng tuổi cho con trai chị thì bị cháu từ chối, nhất định quay đi không lấy và luôn mồm kêu "Tiền bẩn lắm, bẩn lắm" làm cả chị và người bạn kia đều lúng túng.

Chị Tuyết - Ba Đình - Hà Nội kể: "Đưa con tới nhà bạn chúc Tết, chị gặp khách của gia chủ ở đó. Con trai chị được vị khách này lì xì một phong bì đỏ. Cậu bé 5 tuổi hớn hở mở ra ngay, và xịu mặt khi biết ở trong chỉ là tờ 10 nghìn đồng, trong khi con chủ nhà được hẳn tờ 100 nghìn.

Cũng dở khóc dở cười, chị Bích ở phố Bạch Mai (Hà Nội) đưa con đến chúc Tết người họ hàng. Gặp gia đình một người khách cũng đến chúc Tết. Con gái vị khách ấy lại học cùng lớp mẫu giáo với con gái chị nên hai bé thân thiết với nhau. Người khách thấy thế mừng cho bé  con chị một bao lì xì. 

Quanh chuyện lì xì đầu năm ảnh 1
Mừng tuổi đầu năm là một nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc, hàm chứa trong đó những giá trị tinh thần của tục lệ mừng năm mới.

Đáp lễ, chị Bích rút hai tờ 100 nghìn mừng tuổi cho 2 con vị khách. Một lúc sau, chị thấy người khách nọ cứ nhất thiết đòi "mừng tuổi lại" cho con chị tờ 100 nghìn. Về nhà, mở phong bao của con, chị Bích mới biết, hóa ra trong đó chỉ có tờ 10 nghìn nên vị khách nọ cảm thấy "ngại". 

Không nên để mất ý nghĩa của tục lì xì

Mỗi khi Tết đến, xuân về, tất cả con cháu trong gia đình tụ tập lại mừng tuổi ông bà, cha mẹ sống lâu trăm tuổi. Đây cũng là dịp để ông bà, cha mẹ mừng tuổi cho con cháu luôn học hành tiến bộ và thành đạt. Những đồng tiền mừng tuổi đầu năm thường được người nhận trân trọng để dành nhằm lấy may cho cả năm. Mừng tuổi đầu năm là một nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc, hàm chứa trong đó những giá trị tinh thần của tục lệ mừng năm mới.

Mặc dầu vậy, trước sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, trong những năm gần đây, tục mừng tuổi đầu năm đã có những biểu hiện lệch lạc, biến dạng, làm mai một đi phần nào những ý nghĩa tốt đẹp, tích cực vốn có. Những hành động làm biến dạng mỹ tục mừng tuổi chủ yếu là do người lớn gây ra nhưng lại vô tình tác động, ảnh hưởng không tốt đến tâm hồn con trẻ. Không mấy quan tâm đến ý nghĩa của việc được mừng tuổi, nhiều trẻ chỉ xem việc được người lớn mừng tuổi trong ngày tết là dịp để “thu hoạch”. 

Đáng buồn hơn, suy nghĩ thực dụng từ người lớn lan thấm sang khiến chúng bắt đầu có sự so bì, người này mừng tuổi ít, người kia mừng tuổi nhiều, việc nhận những đồng tiền mừng tuổi đầu năm không còn trong tâm thế vô tư nữa. Thậm chí, một số em còn “đánh giá” người lớn tỷ lệ với số tiền mà họ mừng tuổi. Theo đó, người mừng tuổi nhiều thì được cho là “thoáng”, là “tốt bụng”, người mừng tuổi ít thì bị xem là “keo kiệt”, bủn xỉn”. 

Một số em sau khi nhận phong bao lì xì còn “hồn nhiên’ xé mở ngay ra trước mặt người vừa mừng tuổi để ‘kiểm tra” khiến cho người lớn lắm phen bối rối. Vậy nên, chuyện mừng tuổi đầu xuân lắm khi trở thành “nỗi sợ” của không ít người lớn, nhất là đối với những người lao động có thu nhập thấp. 

Khi mừng tuổi đầu năm trở thành một thứ “lệ” bắt buộc, một số người quan niệm, mừng tuổi cũng phải “bằng người” cho “đẹp mặt”. Đến chúc tết nhà có điều kiện kinh tế khá giả, chủ nhà họ đã mừng tuổi cho con mình nhiều thì mình phải “đáp lễ” mừng tuổi cho con họ với số tiền bằng hoặc nhiều hơn. Có những người quanh năm làm ăn chi tiêu dành dụm tiết kiệm nhưng lại phải “bấm bụng” chi mạnh tay cho khoản tiền mừng tuổi. Chính vì vậy mà tâm lý lo đến tết, “sợ” tết vẫn còn ám ảnh nhiều người.

Theo nhà văn Băng Sơn, xưa nay dân mình vẫn có tục mừng tuổi, bất cứ ai khi một năm mới đến đều thêm một tuổi để mừng nhau thêm một thời gian sống, thêm hạnh phúc trên đời. Người ta có thể mừng tuổi nhau bằng lời chúc, hoặc bằng tiền. Tiền mừng tuổi phải là tiền thật mới. Nó không có giá trị hàng hóa mà chỉ mang ý nghĩa là điều vui, hy vọng. Người Việt Nam không có tục mừng tuổi nhau bằng phong bao như bây giờ. Tục phong bao là của người Hoa kiều. 

Ngày xưa, người Việt mừng tuổi chỉ là tiền xu, tiền hào mang tính chất tượng trưng, tiền càng lẻ càng tốt bởi quan niệm tiền lẻ thể hiện sự sinh sôi nảy nở, học tập, làm ăn phát đạt trong năm mới. 

Ngày nay, khi tiền xu, tiền hào không còn được lưu thông, người ta cũng ít sử dụng tiền lẻ để mừng tuổi mà thay vào đó là những tờ tiền polime có mệnh giá từ hàng chục đến hàng trăm nghìn đồng. Tâm lý sinh ngoại ăn sâu vào suy nghĩ của một số người còn khiến người ta đổ xô đến các ngân hàng đổi tiền Việt sang ngoại tệ, thành tiền “đô”, tiền “ơ rô” để mừng tuổi cho…hợp thời. 

Theo ông, ngày xưa, các cụ già phải dành dụm mấy tháng trời để có tiền mừng tuổi cho con cháu, bạn bè, mà toàn là tiền giấy mới cứng. Cái ý nghĩa của tục mừng tuổi là các cụ đã nghĩ đến con cháu, và dành dụm để đến Tết mừng cho con cháu, họ đã luôn nghĩ đến con cháu từ ngày đó. Đó mới là ý nghĩa của tục mừng tuổi.

Phương Thủy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ