Quảng Trị: Xác định 7 đối tượng liên quan trong vụ phá rừng nghiêm trọng ở Đakrông

GD&TĐ - Liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra vào đầu tháng 4/2022 tại 2 Tiểu khu 699 và 708 thuộc xã Đakrông, hiện UBND huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) đã có báo cáo gửi cấp trên về tình hình xử lý vụ việc.

Đoàn kiểm tra huyện Đakrông kiểm tra hiện trường vụ phá rừng vào ngày 21/4.
Đoàn kiểm tra huyện Đakrông kiểm tra hiện trường vụ phá rừng vào ngày 21/4.
Trong báo cáo của địa phương này xác định chính xác diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá là 13,93 ha, giảm 4,714 ha so với thống kê ban đầu.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng ở địa phương cũng bước đầu xác định được 7 đối tượng liên quan đến vụ phá rừng.
Lý giải việc diện tích rừng bị phá giảm so với thống kê ban đầu, lãnh đạo huyện này trình bày, quá trình khám nghiệm tại hiện trường, một số vị trí rừng mới chỉ bị luỗng phát dây leo, chưa chặt hạ cây rừng và một số vị trí bị phá chủ yếu là cây bụi xen lẫn chuối rừng, dây leo hoặc giang, tre nứa không đủ các tiêu chí rừng tự nhiên. Vì vậy, tổ công tác đã bóc tách, loại bỏ các diện tích này, chỉ khám nghiệm, đo đếm trên các diện tích bị chặt hạ hoàn toàn và đủ các tiêu chí là rừng tự nhiên.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của địa hình, hiện trạng các khu vực bị phá và số lượng các lô cần đo vẽ nhiều nên kết quả kiểm tra diện tích rừng bị thiệt hại thống kê sau khi khám nghiệm hiện trường là 13,93ha, giảm 4,714ha so với báo cáo trước đó.
Cũng theo báo cáo, hiện cơ quan chức năng đã triệu tập 7 đối tượng khai nhận việc chặt phá 4,03ha rừng. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên bị phá ở mức xử lý vi phạm hành chính là 1,79ha do 5 đối tượng thực hiện, diện tích rừng bị phá đủ căn cứ khởi tố hình sự là 2,24ha do 2 đối tượng thực hiện.
Riêng 9,90ha rừng bị phá còn lại chưa xác định được đối tượng vi phạm, trong đó 8,96ha rừng tự nhiên bị phá đủ căn cứ khởi tố hình sự.
Hiện UBND huyện Đakrông tiếp tục chỉ đạo Công an huyện phối hợp với Hạt Kiểm lâm khẩn trương làm việc với các đối tượng vi phạm, củng cố lời khai sau khi khám nghiệm, tiến hành tạm giữ vật chứng liên quan đến vụ phá rừng để phục vụ cho công tác điều tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, chỉ đạo UBND xã Đakrông bố trí lực lượng Công an, Quân sự xã, Kiểm lâm địa bàn và lực lượng bảo vệ rừng của xã tiếp tục trực chốt tại Tiểu khu 699, tuần tra bảo vệ giữ nguyên hiện trường rừng tự nhiên đã bị phá để phục vụ cho công tác điều tra, khám nghiệm hiện trường. Xây dựng phương án phục hồi diện tích rừng bị chặt hạ.
Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ đã được chuyển ra khỏi rừng, chỉ còn sót lại phần cành, ngọn ở hiện trường.
Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ đã được chuyển ra khỏi rừng, chỉ còn sót lại phần cành, ngọn ở hiện trường.
Trước đó, vào đầu tháng 4, cơ quan chức năng huyện Đakrông phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng tại 2 Tiểu khu 699 và 708 thuộc xã Đakrông với hơn 18,644ha rừng tự nhiên bị cưa hạ toàn bộ cây rừng, vẫn chưa đốt.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện 20 hộp gỗ nhóm V, nhóm VI có khối lượng khoảng 2m3 còn sót lại tại hiện trường. Đây là rừng tự nhiên phục hồi, được giao cho cộng đồng 2 thôn Làng Cát và Pa Tầng (xã Đakrông) và một phần do UBND xã Đakrông quản lý. Tuy nhiên, vụ việc này không được báo cáo với UBND tỉnh Quảng Trị.
Đến khi thông tin vụ phá rừng được phản ánh trên báo chí thì UBND tỉnh Quảng Trị mới hay biết. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã có văn bản hoả tốc yêu cầu địa phương khẩn trương chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các đối tượng có hành vi phá rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị cấp dưới giải trình lý do vì sao phát hiện rừng bị phá nhưng không báo cáo.
Phía Bộ NN&PTNT cũng có văn bản yêu cầu tỉnh Quảng Trị song song việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, cần đốc thúc tiến độ điều tra, xử lý vụ phá rừng và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...