Vụ hàng chục ha rừng bị phá tại Quảng Trị: Cấp dưới chậm báo cáo – cấp trên biết qua báo chí?

GD&TĐ - Liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng ở huyện Đakrông mà Báo GD&TĐ đã có các bài viết phản ánh, Chủ tịch tỉnh Quảng Trị đề nghị các cấp dưới giải trình lý do vì sao phát hiện rừng bị phá nhưng không báo cáo...

Nhiều diện tích rừng tự nhiên lớn ở xã Đakrông (huyện Đakrông) đang trong giai đoạn phục hồi tốt đã bị lâm tặc ngang nhiên triệt hạ.
Nhiều diện tích rừng tự nhiên lớn ở xã Đakrông (huyện Đakrông) đang trong giai đoạn phục hồi tốt đã bị lâm tặc ngang nhiên triệt hạ.

Xử lý nghiêm trường hợp tiếp tay cho lâm tặc

Ngày 27/4, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đã có văn bản hỏa tốc gửi Sở NN&PTNT Quảng Trị, UBND huyện Đakrông về việc xử lý nghiêm hành vi phá rừng và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đây là chỉ đạo liên quan đến vụ hàng chục ha rừng tự nhiên nằm trong Tiểu khu 699 và 708 thuộc xã Đakrông (huyện Đakrông) bị xâm hại trong thời gian từ giữa cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2022.

Trong văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở NN&PTNT báo cáo trách nhiệm quản lý Nhà nước của ngành, của lực lượng kiểm lâm trước các hành vi phá rừng.

Kiểm tra, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân buông lỏng, lơ là trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là các trường hợp bao che, tiếp tay cho lâm tặc. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm nóng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép.

Đối với UBND huyện Đakrông, người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu địa phương khẩn trương chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các đối tượng có hành vi phá rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nắm bắt thông tin về vụ phá rừng thông qua báo chí

Trên một gốc cây rừng bị đốn hạ được ghi các kí hiệu chữ và số có nghĩa ngành chức năng đã kiểm tra ngày 12/4/2022.
Trên một gốc cây rừng bị đốn hạ được ghi các kí hiệu chữ và số có nghĩa ngành chức năng đã kiểm tra ngày 12/4/2022.

Đáng chú ý trong văn bản này, ông Hưng chất vấn Sở NN&PTNT và UBND huyện Đakrông vì sao sự việc, hành vi phá rừng đã được phát hiện từ đầu tháng 4, diễn ra trên diện tích rừng tự nhiên lớn nhưng không có báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh này.

Trước đó, Báo GD&TĐ cũng đã liên tiếp có các bài viết phản ánh, tại Tiểu khu 699 và 708 thuộc xã Đakrông (huyện Đakrông) cây rừng bị đốn hạ trên diện rộng. Những cây có đường kính lớn bị cưa xẻ, vận chuyển ra khỏi rừng, còn cây bé bị chặt phá vẫn nguyên hiện trạng nằm ngổn ngang. Ước tính có trên chục ha rừng bị phát trắng.

Đây là rừng tự nhiên phục hồi, được giao cho cộng đồng 2 thôn Làng Cát và Pa Tầng (xã Đakrông) và một phần do UBND xã Đakrông quản lý. Khu vực này cách xa đường giao thông, địa hình núi cao, đi lại rất khó khăn.

Mặc dù, vụ việc này đã được các ngành chức năng liên quan ở huyện Đakrông nắm bắt, phát hiện vào đầu tháng 4. Cụ thể, sau khi rà soát ảnh vệ tinh Sentinal, Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông đã phát hiện một số vị trí có nghi vấn cao bị biến động rừng tự nhiên trên địa bàn xã Đakrông và chỉ đạo Trạm Kiểm lâm Đakrông, Kiểm lâm địa bàn tổ chức kiểm tra.

Qua 2 đợt kiểm tra rừng vào các ngày 5 và 12/4, các lực lượng gồm Kiểm lâm huyện, Công an xã, Quân sự xã, Ban Quản lý Cộng đồng thôn Làng Cát đã phát hiện tổng cộng 18 vị trí bị luỗng phát, chặt hạ cây rừng, với tổng diện tích rừng tự nhiên bị xâm hại khoảng 18,644 ha (trong đó rừng do UBND xã Đakrông quản lý là 5,884 ha, rừng giao cho cộng đồng thôn Pa Tầng quản lý là 1,48 ha, rừng giao cho cộng đồng thôn Làng Cát quản lý 11,28 ha).

Toàn bộ 18,644 ha rừng bị xâm hại này, các đối tượng đã dùng máy cưa xăng cưa hạ toàn bộ cây rừng, hiện trường cơ bản vẫn còn nguyên vẹn.

Bên cạnh đó, cũng phát hiện 20 hộp gỗ nhóm V, nhóm VI có khối lượng khoảng 2m3 còn sót lại tại hiện trường. Ngoài ra, có thêm gần 8 ha rừng mới bị người dân dùng dao, rựa phát hạ các cây nhỏ, dây leo thì được cơ quan chức năng phát hiện nên được ngăn chặn kịp thời.

Vụ việc này chỉ được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị báo cáo lên Sở NN&PTNT Quảng Trị và ngày 19/4 phía Sở này đã có văn bản phúc đáp, chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân, xác minh đối tượng vi phạm, khởi tố vụ án hình sự về phá rừng theo quy định.

Đồng thời làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ phá rừng. Thế nhưng, phải đến khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh Quảng Trị mới nắm bắt được thông tin về vụ phá rừng và yêu cầu xác minh, làm rõ vụ việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.