Quảng Trị: Nhiều giáo viên tình nguyện đến vùng cao dạy học

GD&TĐ - Trước tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp tại một số địa phương trong năm học 2022-2023, nhiều thầy cô tại Quảng Trị đã viết đơn tình nguyện đến vùng cao dạy học.

Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương trao quyết định và động viên các giáo viên.
Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương trao quyết định và động viên các giáo viên.

Chiều 4/9, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã gặp mặt và trao quyết định điều động giáo viên năm học 2022-2023. Trong số 27 giáo viên được điều động năm học này, có 25 giáo viên viết đơn tình nguyện đến những vùng khó khăn dạy học.

Nữ giáo viên tình nguyện lên miền núi dạy học

Trong danh sách giáo viên nhận nhiệm vụ mới năm học 2022-2023 có tên của cô Nguyễn Thị Ngọc Tâm –dạy môn tiếng Anh của Trường THPT Nguyễn Hữu Thận (huyện Triệu Phong).

Gia đình có 2 con nhỏ, nhưng năm học này, cô Tâm quyết định giao con cho chồng chăm sóc để viết đơn tình nguyện đến huyện vùng cao Đakrông dạy học.

Cô Tâm cho biết, gia đình hiện sinh sống ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong. Cô Tâm đã có hơn 10 năm gắn bó dạy học ở Trường THPT Nguyễn Hữu Thận. Chồng cô cũng là giáo viên dạy ở huyện Triệu Phong.

Nhiều giáo viên viết đơn tình nguyện đến nhận công tác ở miền núi.

Nhiều giáo viên viết đơn tình nguyện đến nhận công tác ở miền núi.

“Sau khi nắm bắt chủ trương của ngành giáo dục về tình trạng thiếu giáo viên dạy học ở các địa bàn vùng núi, tôi bàn bạc với chồng và quyết định viên đơn tình nguyện nhận nhiệm vụ ở vùng miền núi. Quá trình xem xét, tôi được phân công đến nhận công tác tại Trường THCS-THPT Đakrông”, cô Tâm nói.

Nhận nhiệm vụ tại Trường THCS - THPT Đakrông, đồng nghĩa với việc cô Tâm phải di chuyển quãng đường xa gần 150km từ đồng bằng lên miền núi. Nhưng cô Tâm vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ vì học sinh.

Theo cô giáo Tâm, bản thân đã từng dạy học ở huyện Đakrông, nơi có đông đảo học sinh là con em đồng bào Pa Kô, Vân Kiều theo học, nên hiểu được sự khó khăn và khát khao học chữ của các em.

“Việc gia đình lẫn chuyện chăm sóc con cái, tôi sẽ thu xếp dần để yên tâm lên vùng cao công tác. Tôi sẽ cố gắng nâng cao trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ được giao”, cô giáo Tâm chia sẻ.

Buổi gặp mặt được tổ chức trước ngày khai giảng năm học 2022-2023, nhiều giáo viên đã bày tỏ quyết tâm sẽ khắc phục mọi khó khăn, sớm làm quen với môi trường mới để hoàn thành nhiệm vụ dạy học.

Cô giáo Ngô Thị Linh Hạnh chia sẻ tại buổi gặp mặt.

Cô giáo Ngô Thị Linh Hạnh chia sẻ tại buổi gặp mặt.

Năm học này, cô giáo Ngô Thị Linh Hạnh (ở huyện Vĩnh Linh) cũng tình nguyện viết đơn trình bày ý nguyện đến dạy học ở vùng khó và được điều động đến dạy học ở một trường học tại Bến Quan, cùng huyện Vĩnh Linh.

Cô Hạnh chia sẻ: “Trước ngày khai giảng, chúng tôi được ngành giáo dục tổ chức gặp mặt, giao nhiệm vụ, khiến ai cũng xúc động. Tôi sẽ cố gắng khắc phục khó khăn, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Đến môi trường mới, tôi sẽ đem tâm huyết, trách nhiệm trong dạy học, vì học sinh thân yêu”.

Nơi nào có học sinh là có giáo viên

TS Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: Năm học 2021-2022 đã khép lại, với sự đồng lòng, nhất trí, sự đóng góp của đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục Quảng Trị đã hoàn thành mục tiêu của năm học, đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Năm học 2022-2023 sắp bắt đầu, ngoài nhiều điều kiện thuận lợi sẵn có thì những khó khăn, thách thức cũng không nhỏ. Trong đó, có yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Lãnh đạo Ngành Giáo dục chia sẻ về tình trạng thiếu giáo viên và ghi nhận tinh thần của giáo viên tình nguyện.

Lãnh đạo Ngành Giáo dục chia sẻ về tình trạng thiếu giáo viên và ghi nhận tinh thần của giáo viên tình nguyện.

“Trước năm học mới, ngành đối mặt với tình trạng, đội ngũ giáo viên vừa thừa, vừa thiếu, cơ cấu không đồng bộ. Nhiều môn chưa đảm bảo chương trình, như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Có trường thừa giáo viên, có trường thiếu một số môn, đặc biệt là các địa bàn khó khăn. Với nhiệm vụ đặt ra, hễ có học sinh phải có giáo viên đứng lớp, Sở GD&ĐT đã làm việc với các trường để rà soát, sắp xếp, thống nhất phương án bố trí giáo viên. Trong điều kiện đó, mong thầy cô chia sẻ khó khăn với ngành”, TS Hương cho hay.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT chia sẻ, việc luân chuyển, điều động giáo viên dù thực hiện thường xuyên hàng năm, nhưng cũng là khó khăn, áp lực với ngành. Bởi cán bộ quản lý ai cũng muốn giáo viên an cư lạc nghiệp. Việc luân chuyển thường xuyên có thể ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, đời sống và nỗ lực cống hiến của thầy cô.

Thầy giáo Mai Xuân Gia tình nguyện lên huyện miền núi Đakrông dạy học.

Thầy giáo Mai Xuân Gia tình nguyện lên huyện miền núi Đakrông dạy học.

Sau khi Sở GD&ĐT phát đi thông báo, đã có 25/27 giáo viên viết đơn tình nguyện đến các vùng khó khăn, vùng học sinh đang cần thầy cô tâm huyết, trách nhiệm dạy học.

“Các thầy, cô giáo vừa chia sẻ khó khăn với ngành, vừa sẵn sàng chấp hành điều động. Điều đó thể hiện tấm lòng, tình cảm của mình với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, vì sự phát triển của ngành, đặc biệt với nhiệm vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Lãnh đạo ngành trân trọng sự cống hiến của đội ngũ thầy cô”, TS Hương nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, trong những thầy, cô giáo tình nguyện viết đơn đến dạy học ở vùng khó khăn, có trường hợp từng tham gia dạy học nhiều năm ở miền núi, có thầy giáo tuổi đã cao vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Thậm chí, có 9 thầy cô tình nguyện ở lại gắn bó dạy học nơi trường đang công tác. Đó là niềm vui, động lực để ngành GD&ĐT có quyết sách, giải pháp phù hợp tháo gỡ vướng mắc trong thời gian tới.

TS Lê Thị Hương chúc các thầy cô giáo đến môi trường mới công tác sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, đem tâm huyết, trách nhiệm, năng lực của mình để giúp học sinh vùng sâu, vùng xa tiếp tục sự nghiệp học hành, trở thành những công dân có ích. Đồng thời, để lại dấu ấn tốt đẹp trong học sinh, phụ huynh, người dân và nhà trường nơi đến công tác.

Nhiều giáo viên nữ cũng tình nguyện nhận nhiệm vụ mới.

Nhiều giáo viên nữ cũng tình nguyện nhận nhiệm vụ mới.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: Năm nay, việc tuyển dụng giáo viên cũng gắn với việc tinh giảm biên chế nên khó khăn trong việc bổ sung mới giáo viên. Việc tuyển mới khó khăn nhưng cũng chưa thể thực hiện việc tinh giảm. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra “bài toán” rất khó giải, áp lực rất lớn cho các trường và cho ngành giáo dục trong thời gian tới.

“Chúng tôi hiểu được tâm tư của nhiều giáo viên, mong muốn các thầy, cô ở vùng khó khăn được về vùng thuận lợi, được ổn định, nhưng sẽ khuyết giáo viên ở vùng khó. Những năm qua, ngành giáo dục cũng dành sự quan tâm đối với các giáo viên vùng khó. Vì vậy, mong các thầy, cô hôm nay sẽ là những nhân tố tích cực, tiêu biểu, góp phần lan tỏa tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ với giáo viên trong ngành”, TS Lê Thị Hương nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ