Quảng Trị: Nhà dân chênh vênh miệng “hà bá”

GD&TĐ - Sau đợt mưa lớn do ảnh hưởng của hai cơn bão số 5 và 6, bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Trà Liên Đông, xã Triệu Giang (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) bị sạt lở nghiêm trọng, khoét sâu vào sát nhà dân.

Để cảnh báo nguy hiểm, địa phương đã cắm cọc, giăng dây, khuyến cáo bà con không nên qua lại đoạn đường bị sạt lở này.
Để cảnh báo nguy hiểm, địa phương đã cắm cọc, giăng dây, khuyến cáo bà con không nên qua lại đoạn đường bị sạt lở này.

Nỗi lo nhà cửa, vườn tược bị hà bá “nuốt chửng” thường trực những ngày qua.

Không dám ngủ vì sợ bị cuốn đi trong đêm

Bất lực đứng nhìn từng khối đất chỉ cách sân nhà còn hơn 2 mét đang bị dòng nước ngoặm dần từng ngày, anh Trịnh Quốc Phòng (SN 1988, trú tại thôn Trà Liên Đông) không khỏi đau xót. Ngôi nhà này được vợ chồng anh tích cóp, vay mượn vừa xây dựng hoàn thành vào cuối năm ngoái (2020), khi ấy cách bờ sông khoảng 10m.

Chỉ tay về hướng ngôi nhà ở dãy phía sau, anh Phòng cho hay: “Đó là nhà ba mẹ tôi. Tôi sống ở khu vực này từ nhỏ đến giờ. Hơn chục năm nay, kể từ lúc bờ kè dọc sông được gia cố lại bằng đá, ở đây không còn xảy ra tình trạng sạt lở nữa.

Vì thế chúng tôi mới quyết định dựng nhà kiên cố trên phần đất vườn của ba mẹ cho. Nếu những năm qua mà chứng kiến bờ sông bị sạt lở kiểu này thì những hộ dân ở đây cũng chẳng ai dám liều để đến sống cả”.

Theo anh Phòng, kể từ lúc xảy ra tình trạng sạt lở, vợ chồng anh thay phiên nhau ở nhà canh giữ 2 đứa con nhỏ vì sợ ra sân chơi rất nguy hiểm. Những lúc đi vắng thì phải khoá cửa, để các cháu trong nhà. Đây cũng là con đường duy nhất thường ngày bà con ở đây qua lại, khu vực này khá lại đông trẻ em và người già.

“Suốt những đêm gần đây, không đêm nào chúng tôi chợp mắt được ngon giấc. Cứ thấp thỏm trong lòng, sợ ngủ say giấc rồi bị sạt lở cuốn trôi cả người và nhà xuống sông trong đêm. Giờ trên nền đất cheo leo là ngôi nhà, phía dưới sâu là dòng nước đục ngầu hung hãn, như chực chờ cuốn tất cả xuống sông.

Người dân chúng tôi rất mong chính quyền các cấp sớm có biện pháp khắc phục để yên tâm định cư, sản xuất. Chứ giờ đi cũng không được, mà ở cũng không xong”, anh Phòng ngậm ngùi.

Cùng ở tình cảnh như hộ anh Phòng, gia đình chị Võ Thị Thanh Dung (SN 1990) cho biết, ảnh hưởng của cơn bão số 5 và số 6 vừa rồi, mặc dù nước sông Thạch Hãn cũng không dâng cao và không chảy xiết như trước, nhưng bất ngờ bờ sông ngay trước mặt ngôi nhà của chị lại bị sạt lở.

Hiện đoạn kè bằng đá bị sạt đi, nước cuốn trôi để lộ phần đất rồi cứ ăn sâu phía dưới, nên phía trên đất bị sạt dần, tiến sát vào ngôi nhà của chị.

“Mỗi ngày sạt một ít, chẳng mấy chốc mà vào tận nhà. Giờ chúng tôi rất lo, mong chính quyền quan tâm xử lý, chứ bỏ tiền ra dựng nhà rồi, bây giờ sạt ăn sâu vào biết ở đâu” – chị Dung nói.

Hiện cách nhà chị Dung vài chục mét đã xuất hiện nhiều điểm nứt, khiến người dân lo ngại chân bờ kè bị nước ăn sâu vào, nguy cơ sạt lở tiếp là rất lớn.

Cần khẩn cấp khắc phục để cứu dân

Theo ông Phan Văn Đông – Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Giang cho hay, dù mới bước vào đầu mưa mưa bão nhưng tình hình sạt lở trên địa bàn xã đã diễn biến hết sức phức tạp.

Chỉ sau đợt mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của 2 cơn bão số 5 và số 6, kết hợp nước trên thượng nguồn đổ về đã làm đoạn bờ kè dài khoảng 100 mét bằng đá, đoạn qua thôn Trà Liên Đông bị “gặm” trôi, khiến bờ sông Thạch Hãn bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tài sản của 3 hộ dân sống ở ven sông. Hiện tình trạng sạt lún đất đã ăn sâu vào bờ gần 5 mét và đang còn tiếp diễn mỗi ngày.

Ngay khi nhận được thông tin bà con phản ánh, chính quyền địa phương đã nhiều lần về thực địa, tiến hành cắm cọc, giăng dây, cắm biển cảnh báo và tuyên truyền, vận động các hộ dân khắc phục tạm thời các điểm sạt lở. Đồng thời, đề nghị bà con chủ động phối hợp di dời tài sản khi tình trạng sụt lún còn tiếp diễn nghiêm trọng.

Ngoài điểm sạt lở này, ở xã còn bị sạt lở tại điểm cầu Bến Lội (thuộc thôn Trà Liên Tây) với chiều dài 70 mét, sâu từ 2 - 3 mét, làm ảnh hưởng đến 3 hộ dân sống ở gần bờ sông.

Cũng theo ông Đông, vấn nạn sạt lở ở khu vực bờ sông Thạch Hãn vốn xảy ra từ lâu nay. Nguyên do một phần là bởi nạn khai thác cát trái phép diễn ra liên tục trên sông. Kèm theo đó là tác động từ thời tiết ngày càng phức tạp, đã khiến diện tích đất canh tác của người dân mỗi năm bị thu hẹp đến vài trăm mét vuông, và đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của mọi người sinh sống ở đây.

“Trước mắt, địa phương đã có tờ trình kiến nghị lên huyện về việc sớm hỗ trợ kinh phí để khắc phục, sửa chữa đoạn kè bị hư hại và có phương án di dân đến khu tái định cư. Còn về lâu dài, chúng tôi cũng mong các cấp ban ngành quan tâm, đầu tư xây dựng bờ kè cho gần 5km bờ sông ở 2 thôn Trà Liên Đông và Trà Liên Tây đang còn thiếu lâu nay. Bởi bà con cần an cư mới có thể an tâm lao động, sản xuất”, ông Đông nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...