Quảng Trị ngập lụt diện rộng, xã miền núi bị nước lũ bao vây

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mưa lũ đã gây ngập lụt trên diện rộng ở một số vùng đồng bằng Quảng Trị, 2 xã thuộc huyện miền núi Đakrông cũng bị nước lũ bao vây.

Ngập nặng ở huyện miền núi Đakrông, Quảng Trị.
Ngập nặng ở huyện miền núi Đakrông, Quảng Trị.

Chiều 15/10, ông Thái Ngọc Châu - Chủ tịch UBND huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) cho biết, do mưa lớn khiến 2 xã Triệu Nguyên và Ba Lòng bị ngập sâu, có nơi ngập gần 3m. Đặc biệt, khu vực thôn Đá Nổi, xã Ba Lòng bị ngập nặng. Trường Tiểu học và THCS Ba Lòng bị ngập tầng một.

Khu vực xã Ba Lòng, huyện Đakrông bị ngập sâu.
Khu vực xã Ba Lòng, huyện Đakrông bị ngập sâu.

Từ chiều hôm qua (14/10) đến nay, chính quyền địa phương đã tổ chức di dời hơn 400 hộ dân vùng bị ngập sâu, nguy hiểm tại các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên, Tà Long, Ba Nang,... đến nơi an toàn.

Trường Tiểu học và THCS Ba Lòng bị ngập tầng một.
Trường Tiểu học và THCS Ba Lòng bị ngập tầng một.

Tuyến quốc lộ 15D bị chia cắt cầu tràn A Ngo - A Bung; ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo, A Rồng Trên, A Đeng xã A Ngo; ngầm tràn Ly Tôn (xã Tà Long); cầu tràn La Tó, Húc Nghì (xã Húc Nghì); cầu Chân Rò (xã Đakrông); cầu tràn Đá Đỏ (xã Ba Nang) đều ngập từ 0,5 - 2,5m.

Tuyến đường liên xã tại huyện Hải Lăng bị ngập.
Tuyến đường liên xã tại huyện Hải Lăng bị ngập.

Tại huyện Hải Lăng, các tuyến đường thôn, xóm ở các xã: Hải Phong, Hải Sơn đã ngập lụt. Lũ trên hai sông Ô Lâu (huyện Hải Lăng) và sông Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị) đang lên nhanh, hiện ở mức trên báo động 2 đến dưới báo động 3.

Nhiều tuyến giao thông ở huyện Hải Lăng cũng bị ngập nước.
Nhiều tuyến giao thông ở huyện Hải Lăng cũng bị ngập nước.

Trong 24 giờ qua, khu vực Quảng Trị có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến đạt từ 100-200 mm, một số nơi cao hơn như A Bung 382 mm, Ba Nang 316 mm, Tà Long 402mm, Tà Rụt 381 mm, Hướng Hiệp (đều thuộc huyện Đakrông) 290 mm; Mỹ Chánh (huyện Hải Lăng) 373 mm.

Dự báo, địa phương tiếp tục có mưa to đến rất to, lượng mưa tích lũy phổ biến từ 40-70 mm, có nơi trên 100 mm.

Ngập ở khu vực bến thuyền Thạch Hãn.
Ngập ở khu vực bến thuyền Thạch Hãn.
Mực nước sông Thạch Hãn đang dâng cao.
Mực nước sông Thạch Hãn đang dâng cao.

Cơ quan chức năng cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét ở vùng núi, sạt lở đất ở sườn dốc các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Hải Lăng, phía tây Vĩnh Linh.

Ngoài ra, nguy cơ gây ngập úng vùng thấp trũng, ngập sâu các ngầm tràn và các đoạn đường giao thông vùng đất thấp, ngập úng cục bộ đô thị tại thành phố Đông Hà; ngập lụt diện rộng thị xã Quảng Trị, hầu hết các xã phía Đông Quốc lộ 1A của huyện Triệu Phong; các xã Hải Sơn, Hải Phong, Hải Lâm, Hải Định, Hải Thành, Hải Chánh, Hải Hưng và thị trấn Diên Sanh của huyện Hải Lăng.

Ngày 15/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - ông Võ Văn Hưng đã ra Công điện khẩn về việc tập trung ứng phó với mưa lũ.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; tuyên truyền hướng dẫn người dân ứng phó mưa lũ; triển khai ngay công tác sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, phòng chống ngập úng vùng thấp trũng và khu vực đô thị; có phương án bố trí các điểm sơ tán dân đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh;

Bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người;

Chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân ở những nơi có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng cứu trợ các hộ dân có nguy cơ bị thiếu đói, xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển, cắm biển báo cảnh báo sạt lở, ngập sâu.

Tỉnh Quảng Trị đã lên phương án tổ chức sơ tán dân gồm: sơ tán tránh lũ, ngập lụt trên toàn tỉnh hơn 14.300 hộ với 53.000 nhân khẩu; sơ tán di dời dân vùng xảy ra lũ ống, lũ quét hơn 2.200 hộ với 8.900 nhân khẩu, tập trung chủ yếu ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông và các xã phía Tây của các huyện; sơ tán di dời dân vùng xảy ra sạt lở đất là 1.700 hộ với 6.830 nhân khẩu tại 27 xã thuộc 4 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ