Quảng Trị: Hàng loạt bãi tập kết cát trái phép ngang nhiên hoạt động, 'hành' dân suốt nhiều năm

GD&TĐ - Hàng chục bãi tập kết cát trái phép đã tồn tại nhiều năm nay trên bờ sông Thạch Hãn (đoạn qua huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), hoạt động công khai, gây bức xúc cho người dân.

Bãi tập kết cát trái phép công khai hoạt động nhiều năm.
Bãi tập kết cát trái phép công khai hoạt động nhiều năm.

Hơn chục bãi tập kết cát “nhiều không”

Tại đoạn sông Thạch Hãn từ chân cầu Thành Cổ đến cầu Rì Rì (xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong), không khó để nhận thấy hàng loạt bãi tập kết cát đang tồn tại, hoạt động bất kể ngày đêm.

Theo tìm hiểu, trên địa bàn xã Triệu Thành, từ năm 1997 đến nay có 30 hộ kinh doanh bến bãi cát, sỏi ở ngay mép sông Thạch Hãn, đoạn qua thôn Cổ Thành, do địa phương quản lý.

Hàng loạt bãi tập kết cát sỏi hoạt động không phép bên bờ sông Thạch Hãn.
Hàng loạt bãi tập kết cát sỏi hoạt động không phép bên bờ sông Thạch Hãn.

Trước năm 2017, UBND xã Triệu Thành cho các hộ trên thuê đất, tiền thu được nộp vào ngân sách Nhà nước. Nhưng sau đó, Thanh tra tỉnh Quảng Trị phát hiện việc xã cho thuê đất không đúng thẩm quyền, nên yêu cầu dừng cho thuê. Tuy nhiên, tình trạng tập kết cát, sỏi tại bến bãi tiếp tục hoạt động.

Năm 2018, khi xây dựng cầu Thành Cổ bắc qua sông Thạch Hãn, một số hộ có bãi tập kết cát, sỏi nằm trong diện di dời và được đưa đến vị trí quy hoạch ở gần cầu Rì Rì (thôn Cổ Thành). Nhưng đến thời điểm này, ngoài vị trí quy hoạch đã được phê duyệt, vẫn còn 13 hộ có bãi tập kết cát, sỏi không phép hoạt động ở ngay chân cầu Thành Cổ.

Hàng ngày, nhiều phương tiện ra vào chở cát gây ô nhiễm môi trường, cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Hàng ngày, nhiều phương tiện ra vào chở cát gây ô nhiễm môi trường, cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Điều đáng nói, các hộ này không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có hồ sơ bảo vệ môi trường, không xuất trình được hóa đơn mua bán hàng hóa và không được cấp phép bến thủy nội địa.

Việc tập kết kinh doanh cát sỏi của các hộ này phát sinh nhiều phức tạp liên quan đến an ninh trật tự, an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, hộ ông Lê Quang Hạnh và hộ bà Nguyễn Thị Xuân Thủy còn chiếm dụng hành lang an toàn giao thông của tuyến đường ĐH 46B để tập kết cát, sỏi gây ô nhiễm môi trường và lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Cuộc sống người dân bị đảo lộn

Hàng ngày, nhiều phương tiện ra vào các bãi tập kết để chở cát đi các nơi. Việc nhiều phương tiện vận chuyển cát, sỏi đi lại trên tuyến đường chật hẹp, qua khu dân cư gây mất an toàn giao thông. Ngoài ra, các xe chở cát gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường, lẫn tiếng ồn.

Mỗi lần phương tiện chở cát chạy trên đường là bụi bay mù mịt.
Mỗi lần phương tiện chở cát chạy trên đường là bụi bay mù mịt.

Nhà ở gần với bãi tập kết cát, gia đình ông Đỗ Văn Tứ (trú tại khu phố 3, phường 2, thị xã Quảng Trị) phải đóng kín cửa để giảm thiểu bụi bay vào nhà và ngăn cháu nhỏ ra đường.

Ông Tứ cho biết: “Xe chở cát hoạt động cả ngày lẫn đêm gây bụi bặm và ồn ào. Ban ngày thì đành cắn răng chịu đựng, chứ ban đêm thì không ngủ được. Những ngày nắng, mỗi khi xe chở cát chạy qua là bụi bay tứ tung”.

Người dân sinh sống bên tuyến đường này luôn bất an vì phương tiện chở cát gây rơi vãi, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.
Người dân sinh sống bên tuyến đường này luôn bất an vì phương tiện chở cát gây rơi vãi, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.

Theo ông Tứ, dù có xe chở nước đến rửa đường, nhưng do lưu lượng xe chở cát chạy nhiều nên chỉ một lúc là bụi bặm, ô nhiễm trở lại. Đã có rất nhiều trường hợp gặp tai nạn giao thông vì cát rơi trên đường gây trơn trượt khi lưu thông. Trước tình trạng trên, ông Tứ và nhiều hộ dân đã viết đơn kiến nghị gửi đến chính quyền các cấp, nhưng chưa có kết quả.

Ông Tứ nói rằng, kể cả phản ánh lẫn viết đơn kiến nghị, nhưng các bãi cát không phép vẫn ngang nhiên hoạt động.

Nhiều vật dụng, đồ dùng trong nhà ông Huy phủ đầy bụi.
Nhiều vật dụng, đồ dùng trong nhà ông Huy phủ đầy bụi.

“Khoảng 4 năm trước, tôi cùng các hộ dân ở thôn Cổ Thành và trụ trì Chùa Tĩnh Hội viết đơn gửi ra Hội đồng nhân dân tỉnh. Mới đây, tôi cũng trực tiếp gặp và phản ánh sự việc đến lãnh đạo UBND thị xã Quảng Trị, nhưng đâu lại vào đấy. Tôi kiến nghị cần di dời khẩn cấp các bãi tập kết cát trái phép ra khỏi khu dân cư”, ông Tứ nói.

Ông Huy sử dụng lưới nhựa hoặc bạt để che chắn trước nhà, giảm thiệu bụi bẩn.
Ông Huy sử dụng lưới nhựa hoặc bạt để che chắn trước nhà, giảm thiệu bụi bẩn.

Để hạn chế bụi vào nhà, ông Đỗ Quang Huy (60 tuổi, ở thôn Cổ Thành, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong) đành sử dụng lưới nhựa hoặc bạt giăng trước nhà nhưng không cải thiện được bao nhiêu. Gia đình ông Huy đã sinh sống ổn định mấy chục năm nay. Trên các vật dụng của gia đình ông Huy như: bàn, ghế, tủ phủ trắng lớp bụi mịn do xe chở cát. Dù ông Huy lau dọn thường xuyên nhưng chỉ được một lúc lại bám đầy bụi.

Ông Huy dùng khăn lau dọn nhưng chỉ vài giờ đồng hồ thì bụi đã phủ trắng bàn ghế.
Ông Huy dùng khăn lau dọn nhưng chỉ vài giờ đồng hồ thì bụi đã phủ trắng bàn ghế.

“Ngày xe chở cát từ bãi tập kết cát cũng chạy, tối thì chạy ầm ầm đến sáng. Cát trên xe rơi vãi xuống đường không ai quan tâm, gia đình tôi ở bên đường lãnh hết. Gia đình tôi bán đồ ăn sáng nhưng xe chở cát chạy suốt ngày, suốt đêm ngoài đường cũng ảnh hưởng ”, ông Huy than phiền.

Báo Giáo dục và Thời đại sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ