Quảng Trị: Giấc mơ lúa hữu cơ vươn sang Mỹ, Âu không còn xa!

GD&TĐ - Tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ mở rộng diện tích canh tác khoảng 1.000 ha lúa hữu cơ, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ và châu Âu.

Mô hình lúa hữu cơ được trồng thử nghiệm trong vụ Đông Xuân năm 2021 – 2022. Ảnh: Đăng Đức
Mô hình lúa hữu cơ được trồng thử nghiệm trong vụ Đông Xuân năm 2021 – 2022. Ảnh: Đăng Đức

Lợi kép nhờ lúa hữu cơ

Cánh đồng lúa hữu cơ xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) thời gian này nhuộm một màu vàng óng. Người nông dân đang phấn khởi thu hoạch lúa hữu cơ chất lượng cao, sau thời gian dài chăm sóc. Đặc biệt, lúa hữu cơ do người nông dân sản xuất đã tiệm cận đến những tiêu chuẩn khắt khe nhất về chất lượng, đạt tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu.

Nhằm nâng cao giá trị hạt gạo và thu nhập cho nông dân, UBND tỉnh Quảng Trị đặt hàng Tổng Công ty thương mại Quảng Trị (Sepon Group) nghiên cứu, sản xuất lúa gạo sạch, hướng đến đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Mô hình này được thực hiện thí điểm trong vụ Đông - Xuân 2021 - 2022, với quy mô gần 18 ha, sử dụng giống lúa chất lượng cao ST25.

Những hộ dân hợp tác trồng lúa hữu cơ được cung cấp công nghệ, hỗ trợ giống, kỹ thuật gieo mạ, dịch vụ nông nghiệp, thu mua sản phẩm đầu ra. Ngoài ra, người dân được Trung tâm Khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng lúa, chịu trách nhiệm chăm sóc theo quy trình của doanh nghiệp.

Là một trong những hộ tiên phong trồng lúa hữu cơ, vụ Đông - Xuân năm nay, gia đình ông Nguyễn Quân (64 tuổi, thôn Kim Long, xã Hải Quế) canh tác với diện tích hơn 8 sào lúa. Chia sẻ về quy trình sản xuất lúa, ông Nguyễn Quân cho biết: “Quá trình sản xuất lúa hữu cơ khác với cách làm truyền thống.

Người nông dân nghiêm túc không sử dụng phân bón hóa học, hóa chất, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu… mà chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học tự nhiên như: Đạm cá, nước thân cây lên men, canxi vỏ trứng, gừng tỏi ớt ngâm bia để cung cấp dinh dưỡng và phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa”.

Mặt khác, theo ông Quân, thay vì bỏ sức người để lao động thì nay được áp dụng khoa học kĩ thuật hiện đại từ việc gieo mạ khay, cấy lúa bằng máy, dùng máy bay không người lái phun thuốc, máy gặt đi liền với máy cuộn rơm… Nhờ vậy, đã giảm bớt gánh nặng về kinh tế và sức khỏe cho người nông dân.

Ông Nguyễn Hữu Dõng (67 tuổi, thôn Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng) cho biết, vụ lúa Đông – Xuân này gia đình canh tác 2,5 sào. Vụ đầu tiên, lúa được thu mua ngay tại chân ruộng với giá 11.000 đồng/kg, giá cao gần gấp đôi so với thị trường. Lão nông dân phấn khởi vì sau những ảnh hưởng do thiên tai gây ra, lúa vẫn đảm bảo năng suất.

“Tham gia trồng lúa hữu cơ, người nông dân được nhiều lợi ích. Trước hết, bà con nông dân được hỗ trợ về kỹ thuật, không phải tiếp xúc với các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, vì đã có máy móc thực hiện. Nhờ đó, sức khỏe của bà con nông dân được đảm bảo hơn. Hạt lúa làm ra cũng đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng cao hơn. Đây là điều mà người dân mong muốn hướng đến”, ông Dõng chia sẻ:

Vụ lúa vừa qua, dù gặp bất lợi do thiên tai, xảy ra ngập úng, khiến nhiều diện tích lúa hữu cơ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sản lượng lúa hữu cơ vẫn đạt 65 - 70 tạ lúa/ha. Giá lúa thu mua tại ruộng đạt 11.000 đồng/kg trong khi đó lúa sản xuất thông thường chỉ đạt từ 6.000 - 6.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người dân thu lãi trên 30 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Hữu Phước - Giám đốc Hợp tác xã Kim Long (xã Hải Quế, huyện Hải Lăng) cho biết: Dù chịu ảnh hưởng của thiên tai nên năng suất lúa chưa cao, nhưng bù lại lợi ích kinh tế cao hơn gấp đôi so với canh tác lúa thông thường. Đặc biệt, do được ký kết bao tiêu lúa ngay từ chân ruộng với giá cao hơn thị trường từ 40 - 50% nên đầu ra cho hạt lúa ổn định, người dân không phải lo lắng về giá. 

Quy trình đóng gói gạo hữu cơ để đưa ra thị trường. Ảnh: Đăng Đức
Quy trình đóng gói gạo hữu cơ để đưa ra thị trường. Ảnh: Đăng Đức

Hoàn thiện quy trình xuất khẩu

Với mục tiêu đưa hạt gạo hữu cơ Quảng Trị xuất khẩu đến những thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu nên ngay từ ban đầu, quy trình sản xuất lúa hữu cơ được triển khai đồng bộ và chặt chẽ. Các khâu sản xuất từ gieo cấy, canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch và ra thành phẩm với yêu cầu nghiêm ngặt, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.

Ông Nguyễn Ngọc Khánh, phụ trách Nhà máy sấy lúa tại Hải Lăng cho biết: Lúa sau khi thu hoạch được tập kết tại nhà máy được đưa vào hệ thống sấy, công suất 4 lò đạt 200 tấn/ngày.

Lúa sau khi sấy đảm bảo chất lượng cao không bị mốc, mọc mầm hay phụ thuộc vào thời tiết, tỷ lệ thu hồi sau khi xay gạo cao hơn so với phơi thông thường. Lúa sau khi sấy được đo thủy phần độ ẩm rồi đóng bao vận chuyển ra cơ sở sản xuất gạo hữu cơ của công ty.

Ông Hồ Xuân Hiếu - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty thương mại Quảng Trị cho biết: Quảng Trị có hơn 28.000 ha trồng lúa sản xuất theo hướng canh tác thông thường, lúa chất lượng cao còn ít. Chính vì vậy, công ty mạnh dạn triển khai thí điểm mô hình sản xuất lúa hữu cơ đạt chuẩn xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ.

“Để triển khai mô hình được hiệu quả, từ 2 năm trước chúng tôi đã bắt tay vào việc triển khai thí điểm liên tục. Đến nay, mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả. Trong đó, môi trường đồng ruộng, hệ sinh thái phục hồi phát triển tốt, mang lại lợi ích kinh tế cao đối với người dân, gạo đạt tiêu chuẩn để xuất đi các thị trường khó tính trong và ngoài nước.

Sau khi thu hoạch lúa, đơn vị dự tính 10% sản phẩm sẽ để lại cho bà con sử dụng, 40% sản phẩm bán trong nước, 50% sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài ở châu Âu, Mỹ…”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Hiện tại, Tổng Công ty thương mại Quảng Trị đã thuê một công ty tư vấn ở nước ngoài hướng dẫn các quy trình sản xuất, đóng gói theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Từ thành công trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022, trong vụ tới sẽ hợp tác với bà con trên địa bàn toàn tỉnh để nâng cao diện tích với trên 200 ha và phấn đấu vụ trong Đông Xuân 2022 - 2023 đạt khoảng 400 ha.

Từ đó, tạo điều kiện hướng đến năm 2025 sẽ đạt 1.000 ha lúa hữu cơ trên địa bàn, hơn 3.000 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Viêm quanh móng - chín mé

GD&TĐ - Đầu ngón tay hoặc đầu ngón chân có một loại bệnh lý thường gặp mang tên viêm quanh móng hay còn gọi là chín mé.

Binh sĩ Israel tại Gaza.

Israel đang bị mắc kẹt

GD&TĐ - Thứ Ba tuần tới đánh dấu 15 tháng kể từ cuộc xung đột Trung Đông do Hamas tấn công Israel và cuộc ném bom và xâm lược của Israel vào Dải Gaza.