Phú Thọ: Ai “chống lưng” cho cát tặc lộng hành?

GD&TĐ - Không chỉ trộm cắp khoáng sản gây thất thoát tài sản Nhà nước, đội xe chở cát lậu này còn có dấu hiệu chở quá tải, gây ồn, bụi bẩn ngay sau trường học.

Xe chở cát vượt thành đang di chuyển ra ngoài để tiêu thụ.
Xe chở cát vượt thành đang di chuyển ra ngoài để tiêu thụ.

Xe cát lậu ảnh hưởng đến học sinh

Thời gian gần đây, hoạt động khai thác cát trái phép trên khu vực bãi bồi sông Hồng thuộc thôn Tam Cường (xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) diễn ra công khai với qui mô ngày một lớn.

Theo phản ánh, khu vực khai thác cát trái phép nằm sát mỏ đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp cho Công ty TNHH Việt Châu có địa chỉ tại huyện Tam Nông.

Có mặt tại Quốc lộ 32C tại địa phận xã Vạn Xuân, dễ dàng nhận thấy, nhiều xe tải chở cát liên tục chạy ra từ con đường bê tông nối vào mỏ của Công ty TNHH Việt Châu. Khoảng cách từ nút giao Quốc lộ 32C vào điểm khai thác cát trái phép chỉ khoảng vài trăm mét.

Đáng chú ý, con đường này nằm ngay sau lưng Trường Tiểu học Tam Cường. Những chiếc xe tải chở cát vượt thành thùng, có dấu hiệu quá tải. Tiếng thốc ga khi lên dốc tạo ra tiếng ồn lớn cùng khói đen. Bụi cát bay mù mịt gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của học sinh.

Đi hết con đường bê tông, chạy ra khu vực khai thác cát là con đường tự làm bằng việc bồi đắp cát từ hai bên đường. Đoạn đường này có những vết xe tải hằn sâu tạo thành những rãnh lớn trên bề mặt.

Tại khu vực khai thác trái phép luôn trực chờ sẵn 2 chiếc máy xúc để múc cát lên xe chở ra ngoài. Tại đây, dấu vết của việc khai thác cát trái phép vẫn còn hiện nguyên. Nhiều hố sâu, rộng vài chục mét đã được tạo ra từ hoạt động khai thác cát trái phép này.

Quan sát tại khu vực khai thác cát trái phép, chỉ trong thời gian ngắn đã có cả chục lượt xe vào lấy cát chở đi. Việc khai thác trái phép này diễn ra công khai, trong thời gian dài khiến dư luận không khỏi hoài nghi. Có hay không sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng? Thậm chí, có thể tồn tại sự “chống lưng” của người có trách nhiệm?

Hình ảnh các đối tượng khai thác cát trái phép tại thôn Tam Cường, xã Vạn Xuân.
Hình ảnh các đối tượng khai thác cát trái phép tại thôn Tam Cường, xã Vạn Xuân.

Nhiều nguy cơ từ “ăn cát bẩn”

Quan sát nhận thấy, những chiếc xe chở cát này thường chở vượt thành thùng, không che phủ bạt khi chạy trên đường. Nhưng không hiểu sao, chúng vẫn có thể “tung tăng” trên quốc lộ mà không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng xử lý.

Thông tin phản ánh cho thấy, mỗi 1m3 cát múc lên xe, nếu là cát đen (loại cát dùng làm vật liệu xây dựng) thì các đối tượng thu lợi bất chính với số tiền 30 nghìn đồng trở lên. Với số lượng xe chạy hàng ngày thì hàng nghìn m3 cát bị đánh cắp, đồng nghĩa với số tiền Nhà nước bị thất thoát là rất lớn. Ngoài ra, việc khai thác, mua bán cát trái phép còn dẫn đến nguy cơ phạm tội khác đó là việc mua bán hóa đơn, chứng từ để hợp thức nguồn gốc vật liệu...

Cũng theo phản ánh của người dân địa phương, khu vực này trước đây (cuối tháng 6/2020) đã từng xảy ra tình trạng các đối tượng lạ mặt vô tư khai thác cát trái phép. Ngoài ra, các đối tượng múc trộm cát còn vào tận mỏ của doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép rồi công nhiên lấy cát chở ra ngoài. Trong khi, đơn vị được cấp phép đang tạm dừng việc khai thác do dịch Covid-19 và phương án khai thác của doanh nghiệp. Vụ việc đã được trình báo đến cơ quan chức năng, khi đến kiểm tra, công an đã phát hiện bắt giữ cả xe chở cát và máy múc, lập biên bản để xử lý.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các đối tượng khai thác cát trái phép tại khu vực này đã phớt lờ các đơn vị thực thi pháp luật và tiếp tục “ăn cát” để thu lợi bất chính. 

Tại một diễn biến khác, Báo GD&TĐ đã liên hệ với Công ty TNHH Việt Châu, đơn vị được cấp mỏ khai thác cát tại xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông. Đại diện công ty này cho biết, khu vực báo chí phản ánh không phải do doanh nghiệp khai thác. Vị trí đang khai thác cát cũng không nằm trong ranh giới mỏ của doanh nghiệp được cấp.

Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc vụ việc này khi các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ hồi đáp những nội dung đã nêu trên.

Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên được quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với nội dung cụ thể như sau:

1. Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;
b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 trở lên;
c) Có tổ chức;

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ