Quảng Ninh sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương không có quận

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Quảng Ninh sẽ phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng, không hình thành các quận.

Quảng Ninh sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương không có quận

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030.

Trong đó, Quảng Ninh sẽ phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng. Cụ thể, Quảng Ninh sẽ không hình thành các quận, mà sẽ hình thành vùng nội thị bao gồm các thành phố trong thành phố, được liên kết với nhau bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, như hệ thống giao thông công cộng đô thị, hạ tầng kỹ thuật thông tin truyền thông…

Theo Chương trình vừa được phê duyệt, đến năm 2030, địa phương này có khả năng đạt được các tiêu chí của một thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình đô thị nêu trên và phấn đấu đạt được cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo tiêu chí, đồng thời phát triển đô thị đạt được các tiêu chí của đô thị loại I.

Các đô thị vùng nội thị này gồm 7 thành phố: Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái (Hải Hà hợp nhất với Móng Cái), được đầu tư xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn về chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội.

Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 xác định mục tiêu chính là xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Đồng thời, đây là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Hồng và miền Bắc.

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống các đô thị theo hướng nhanh, bền vững, là tiền đề quan trọng trong phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, qua đó xác định vai trò và vị thế của tỉnh Quảng Ninh trong mối quan hệ vùng, là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Quảng Ninh sẽ phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng, không hình thành các quận mà sẽ hình thành vùng nội thị.

Quảng Ninh sẽ phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng, không hình thành các quận mà sẽ hình thành vùng nội thị.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị, trong đó: 1 đô thị loại I (TP Hạ Long); 3 đô thị loại II (thành phố Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái); 3 đô thị loại III (thị xã Quảng Yên, Đông Triều và đô thị Vân Đồn); 2 đô thị loại IV (thị trấn Tiên Yên, thị trấn Quảng Hà); 4 đô thị loại V (là các thị trấn Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà và Cô Tô), tỷ lệ đô thị hóa 70-75%.

Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có có 12 đơn vị hành chính với 12 đô thị, trong đó có 4 đô thị loại I (Hạ Long, Móng Cái – Hải Hà, Uông Bí, Cẩm Phả); 3 đô thị loại III, chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, kỹ thuật đạt đô thị loại 1 (Quảng Yên, Đông Triều, Cái Rồng); 1 đô thị loại III (Tiên Yên); 3 đô thị loại IV (Đầm Hà, Bình Liêu - Hoành Mô - Đồng Văn, Cô Tô); 1 đô thị loại V (thị trấn Ba Chẽ), tỷ lệ đô thị hóa trên 75%.

Tính đến nay, Quảng Ninh có 13 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I trực thuộc tỉnh (TP Hạ Long); 3 đô thị loại II (TP Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí); 2 thị xã là đô thị loại III (Quảng Yên, Đông Triều), 3 đô thị được công nhận là loại IV (huyện Vân Đồn, huyện Tiên Yên, thị trấn Quảng Hà), 4 thị trấn đã được công nhận là đô thị loại V thuộc các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà và Cô Tô; dân số khoảng 1,35 triệu người, có trên 70% người sống tại các đô thị.

Quảng Ninh hiện là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước đạt 67,5%, cao hơn so với trung bình cả nước (40,5%), đặc biệt là ở các đô thị lớn: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí…

Trong đó, các đô thị có quy mô lớn, phân bố tập trung tại khu vực ven biển, nằm trên các tuyến giao thông của tỉnh hoặc quốc gia, nơi có điều kiện xây dựng hoặc nằm trong vùng tài nguyên về du lịch, cảnh quan tại trung tâm du lịch, khai thác mỏ, công nghiệp…

Trong Quy hoạch chung đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Hạ Long được định hướng phát triển theo mô hình đô thị thông minh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh của tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ