Quảng Ninh chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng năm học mới

GD&TĐ - Năm học mới đang đến gần, ngành Giáo dục Quảng Ninh đã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đáp ứng nhu cầu dạy và học hiện nay.

Công trình xây mới Trường THPT Cẩm Phả (TP Cẩm Phả) sẽ được bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 5/9/2023.
Công trình xây mới Trường THPT Cẩm Phả (TP Cẩm Phả) sẽ được bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 5/9/2023.

Xây dựng nhiều trường học mới

Năm học 2023-2024, Quảng Ninh có 628 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến THPT và 14 trung tâm GDTX. Trong đó có 58 cơ sở giáo dục tư thục, còn lại là trường công lập.

Mạng lưới cơ sở giáo dục của tỉnh đa dạng, có đủ các loại hình, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, được sắp xếp theo hướng tinh gọn, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Để sẵn sàng cho năm học mới, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và GDTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục cho năm học mới được tăng cường. Sở GD&ĐT đã phối hợp cùng các địa phương, đơn vị, tiến hành rà soát nhu cầu về cơ sở vật chất, trong đó ưu tiên các địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.

Trên cơ sở đó, thực hiện đề án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành Giáo dục tỉnh giai đoạn 2022-2025 của HĐND tỉnh, năm 2023, Quảng Ninh đã giao kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là 440 tỷ đồng. Sở GD&ĐT rà soát nhu cầu của các địa phương và gửi Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh tổ chức mua sắm tập trung theo quy định.

Quảng Ninh đang phấn đấu thực hiện lộ trình đến năm 2025, mỗi huyện có ít nhất 1 trường học công lập ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã có 1 trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao.

Theo kế hoạch, đầu năm học 2023-2024, tỉnh sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng Trường THPT Bình Liêu (huyện Bình Liêu), Trường THPT Cẩm Phả (TP Cẩm Phả) và Trường THPT Quảng La (TP Hạ Long). Hiện trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục triển khai xây dựng các công trình khác như: Trường THPT Trần Phú (TP Móng Cái), Trường THPT Ngô Quyền (TP Hạ Long), Trường THPT Uông Bí (TP Uông Bí), Trường THCS Hải Hà (huyện Hải Hà), Trường Tiểu học Đông Ngũ I (huyện Tiên Yên), Trường Tiểu học Đồng Tiến (huyện Cô Tô)…

Có thể thấy, đến nay, cơ sở vật chất toàn ngành giáo dục đã tiếp tục được bổ sung, củng cố theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại; tập trung xóa bỏ các phòng học xuống cấp, phòng học tạm, phòng học nhờ. Các công trình nhà vệ sinh, nhà công vụ trong trường học cũng được quan tâm đầu tư, đảm bảo sạch sẽ. Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa của cả tỉnh được nâng lên 92,1% và tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 89%.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên

Cùng với cơ sở vật chất, việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp luôn luôn được Sở GD&ĐT quan tâm, chú trọng. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 22.700 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong tất cả các cấp học, bậc học. Tỷ lệ chuẩn trình độ đào tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên theo từng cấp học khá cao, từ 83% trở lên. Riêng cấp THPT, trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên chiếm 100%, trong đó trên chuẩn chiếm 20,31%...

Ngành Giáo dục còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Toàn bộ thông tin của cán bộ, giáo viên, học sinh trên toàn tỉnh đã được cập nhật lên phần mềm trực tuyến, thí điểm sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu chuyển tự động thông tin sang cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT. Toàn bộ các trường tiểu học, trung học trong tỉnh đã sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử thay thế hoàn toàn văn bản giấy.

Phòng GD&ĐT huyện Đầm Hà tổ chức hội nghị tập huấn chuyên môn cho cán bộ, giáo viên đầu năm học 2023-2024.
Phòng GD&ĐT huyện Đầm Hà tổ chức hội nghị tập huấn chuyên môn cho cán bộ, giáo viên đầu năm học 2023-2024.

Năm học 2023-2024, ngành tiếp tục triển khai dạy và học với sự hỗ trợ của các thiết bị giảng dạy hiện đại thông qua mạng LAN, mạng Internet, phần mềm trên các phòng học tương tác, phòng học thông minh.

Đặc biệt, Sở GD&ĐT cũng tích cực, chủ động triển khai, tổ chức thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, như bồi dưỡng đội ngũ; tổ chức lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông ở các cấp học; biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương. Hiện 100% giáo viên, cán bộ giáo dục đều được tập huấn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập huấn sử dụng sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục lựa chọn.

Đặc biệt, Quảng Ninh đã hoàn thành biên soạn và thẩm định 12 cuốn tài liệu giáo dục địa phương của các cấp từ tiểu học đến THPT, vượt tiến độ trước 3 năm theo lộ trình thẩm định và phê duyệt của Bộ GD&ĐT. Cùng với đó, các trường đều có kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học mới; phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn trong trường học...

Việc sẵn sàng cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn tỉnh sẽ giúp học sinh trên địa bàn được học ở môi trường tốt nhất; từ đó ngày càng phát triển toàn diện hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.