Quảng Nam: Nguyên nhân vụ sạt lở vùi lấp 53 người

GD&TĐ - Khu vực xảy ra sạt lở ở Nam Trà My (Quảng Nam) là nơi cảnh báo có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất với nền đất yếu do vỏ phong hóa dày.

Người dân tìm kiếm những gì còn lại sau vụ sạt lở tại Quảng Nam.
Người dân tìm kiếm những gì còn lại sau vụ sạt lở tại Quảng Nam.

Ngoài ra, mưa quá lớn, cộng với phát triển thủy điện, động đất kích thích… cũng có thể là những nguyên nhân.

Mưa quá lớn trên nền địa chất yếu

Tối 28/10, do ảnh hưởng của bão số 9 gây mưa to, gió lớn, tại thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ sạt lở làm 45 người bị mất tích. Vào cùng thời điểm trên, tại xã Trà Vân (huyện Nam Trà My) cũng xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp khoảng 8 người. Đến sáng 29/10, đã có tất cả 11 thi thể được tìm thấy.

Trước đó cũng tại Nam Trà My, lúc 13 giờ 30 phút cùng ngày 28/10, một ngọn núi bất ngờ sạt lở khiến hàng nghìn khối đất đá tràn xuống trung tâm Tăk Pỏ, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, khiến nhiều ngôi nhà cùng tài sản của người dân bị vùi lấp. Có 4 người bị vùi lấp nhưng đã thoát ra được. Sau khi vụ sạt lở xảy ra, chính quyền huyện Nam Trà My đã sơ tán khoảng 100 hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.

Nguyên nhân nào gây nên sạt lở nghiêm trọng như vậy? PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, có rất nhiều nguyên nhân, yếu tố góp phần ra trượt lở.

Chẳng hạn nếu ta xem xét một sườn dốc cụ thể thì sẽ có hai nhóm các yếu tố tác động ngược chiều nhau, một gây trượt và một kháng trượt. Bình thường sườn dốc ổn định thì hai nhóm yếu tố trên cân bằng với nhau. Khi nào nhóm các yếu tố gây trượt thắng thế thì sẽ xảy ra trượt.

Tham gia vào nhóm các yếu tố kháng trượt, chẳng hạn có sức bền của đất đá, được đặc trưng bởi các lực dính kết và lực ma sát. Một sườn dốc khô thì các lực kể trên lớn, vì thế hiếm khi trượt lở xảy ra ở một sườn dốc khô. Tuy nhiên, khi sườn dốc bị bão hòa nước thì các lực kể trên giảm đi rất nhiều. Vì thế trượt lở thường xảy ra khi sườn dốc bị sũng nước. Thông thường là sau các trận mưa lớn, kéo dài dầm dề.

Thành phần vật chất của đất đá cũng là một yếu tố quan trọng. Chẳng hạn có loại đá rất cứng chắc, có loại thì lại nhiều vật chất sét yếu hơn. Có loại dễ bị tác động của mưa gió, nhiệt độ mà bị phong hóa thành đất. Có loại thì khó bị phong hóa hơn... Mức độ dập vỡ, nứt nẻ, phân lớp, phân phiến của đất đá cũng là một yếu tố quan trọng cần xem xét khi đánh giá độ ổn định…

Theo PGS.TS Trần Tân Văn, các nghiên cứu chỉ ra khu vực Nam Trà My và Bắc Trà My là những nơi có nguy cơ rất cao xảy ra trượt lở. Vì đặc điểm địa chất của vùng đá cổ phong hóa rất dày, địa hình đồi núi với độ dốc cao. Lớp vỏ phong hóa dày đồng nghĩa nền đất yếu rất dày. Khi gặp mưa lớn sẽ nhão ra và gây sạt lở ở diện rộng.

Những vụ sạt lở tương tự như vậy cũng đã từng xảy ra ở Bình Định và Quảng Ngãi, là những khu vực nguy cơ cao về sạt lở đất. Đây là nguyên nhân chính gây nên sạt lở nghiêm trọng. Dù đã được khoanh vùng cảnh báo, nhưng công tác phòng chống vẫn còn có những bất cập.

Một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến sạt lở là việc xây dựng thủy điện và các trận động đất. Các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, thủy điện, cắt chân sườn dốc tự nhiên lấy mặt bằng làm nhà... ít nhiều đều có tác động, đều đóng góp vào làm mất cân bằng sườn dốc. Động đất góp phần gây dập vỡ, làm giảm sức bền đất đá, vừa kích hoạt, làm gia tăng lực gây trượt. Cộng dồn các yếu tố này tạo nên những thảm họa sạt lở khủng khiếp đã xảy ra. 

Phòng tránh sạt lở dài hạn

Việt Nam đã có bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tại hơn 20 tỉnh. Nhưng vì sao cho đến nay vẫn không thể dự báo được sạt lở đất? PGS.TS Trần Tân Văn cho biết, về lý thuyết là có thể dự báo được trượt lở.

Một số quốc gia, vùng lãnh thổ tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, nhất là Hồng Kồng… đã triển khai các biện pháp quan trắc, giám sát một số sườn dốc cụ thể, quan trọng. Có thể lắp đặt một số thiết bị quan trắc thời gian thực, giám sát qua Internet, dự báo được khá chính xác thời điểm có thể xảy ra trượt lở.

Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng đối với một số sườn dốc quan trọng mà trượt lở xảy ra ở đó có thể gây ra hậu quả lớn về người và cơ sở vật chất. Ví dụ dọc các đường cao tốc, gần các trung tâm dân cư lớn... Còn nhìn chung đối với các sườn dốc tự nhiên, ở các vùng nông thôn, miền núi như Việt Nam vẫn rất khó khăn.

PGS.TS Trần Tân Văn cho biết, thiên tai sạt lở là rất khó lường. Không thể giảm thiểu tuyệt đối nhưng hoàn toàn có thể hạn chế tối đa bằng các biện pháp căn bản, tận gốc. Sau đợt mưa bão này công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai của chúng ta sẽ cần phải thay đổi căn bản.

Chẳng hạn công tác theo dõi, cảnh báo, ứng phó, cứu hộ, cứu nạn sẽ phải được triển khai đến từng cấp cơ sở, hộ dân. Chính sách bảo hiểm thiên tai sẽ cần phải được thực hiện. Thảm rừng cần được phục hồi và bảo vệ một cách thực chất, nghiêm túc. Các dự án thủy điện, thủy lợi, giao thông, cơ sở hạ tầng cần được xem xét một cách cẩn trọng hơn rất nhiều.

Ngoài ra, để phòng tránh, giảm nhẹ nguy cơ, hậu quả trượt lở đất đá, một điều chắc chắn là các bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo ở các tỷ lệ sẽ phải được chuyển giao kịp thời và được sử dụng triệt để, hiệu quả hơn nữa. Các diện tích được xác định là có nguy cơ cao cần xác định thêm các vị trí tương đối an toàn, có thể tìm đến sơ tán...

Trước mùa mưa bão, cơ quan đánh giá trượt lở cần tiến hành rà soát các điểm có nguy cơ cao để cảnh báo người dân. Địa phương cần lên phương án dự phòng, diễn tập, xác định trước các điểm có khả năng phải sơ tán khi có mưa kéo dài. Cần tích hợp bản đồ phân vùng sạt lở vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tránh quy hoạch khu tái định cư, phát triển dân cư… ở nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ