Mở cửa trở lại phụ thuộc vào độ phủ của vắc-xin
Một năm du lịch ảm đạm do dịch Covid-19 kéo dài khiến hàng nghìn doanh nghiệp ở Quảng Nam bị ảnh hưởng. Nỗ lực giảm thiểu tác động của đại dịch, ngành du lịch Quảng Nam đã chủ động các giải pháp phục hồi khi đợt dịch cơ bản được khống chế. Trong đó, có những chiến lược cụ thể cho từng giai đoạn.
Vừa qua, Chính phủ đã thông qua kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, dự kiến bắt đầu từ tháng 10 tới và kéo dài trong 6 tháng với 2 giai đoạn. Sau đó, nếu tình hình ổn có thể xem xét từng bước mở rộng một số điểm đến trong cả nước trong đó có TP Hội An của tỉnh Quảng Nam.
Trong khi đó, từ tháng 4/2021, tỉnh Quảng Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế để trình Bộ VH-TT&DL ở khu vực nam Hội An. Trong đó, dự kiến đón khách quốc tế trở lại theo mô hình “hộ chiếu vắc-xin” ở một số khu nghỉ dưỡng khép kín trong tháng 7/2021 được Bộ VH-TT&DL đánh giá cao. Thế nhưng, dịch bùng phát từ tháng 5/2021 dẫn đến mọi thứ bị trì hoãn.
Tuy nhiên có thể thấy rằng, tỉnh Quảng Nam đã có những bước “khởi động” trong việc phục hồi kinh tế du lịch, nhằm hướng đến một sự trở lại mạnh mẽ nếu dịch được kiểm soát hoàn toàn.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, ngành du lịch tỉnh đang chờ, nếu mô hình thí điểm đón khách ở Phú Quốc ổn thì sẵn sàng vào cuộc đăng ký làm điểm tiếp theo ngay.
“Khi đó, bước đầu du lịch Quảng Nam sẽ triển khai việc đón khách bằng chuyến bay charter (bay theo chuyến) đến một số khu phức hợp ở nam Hội An và tùy diễn biến dịch bệnh ở thời điểm đó sẽ tính toán cho việc mở rộng hơn.
Cụ thể, tổ chức cho khách tham quan thêm một số điểm đến công cộng nhưng phải bảo đảm quản lý chặt chẽ được an toàn với dịch bệnh”, ông Hồng thông tin.
Ông Nguyễn Thanh Hồng cho hay, việc mở cửa trở lại với du lịch TP Hội An tùy thuộc rất lớn vào tỷ lệ phủ vắc-xin cho lao động ngành du lịch tại đây và rộng hơn là toàn dân trên địa bàn Hội An. Nếu từ đây đến khi kết thúc việc thí điểm đón khách ở Phú Quốc mà tỷ lệ tiêm vắc-xin ở Hội An đạt mức cao thì sẽ thuận lợi hơn trong việc tính toán mở rộng phạm vi đón khách.
Tuy nhiên, điều khó khăn hiện nay là nguồn vắc-xin phân bổ về Quảng Nam chưa nhiều, trong khi tỉnh còn phải ưu tiên phân bổ cho một số huyện, thị xã, thành phố trọng điểm có nhiều hoạt động công nghiệp cũng như đội ngũ giáo viên để bước vào năm học mới.
Tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Điện Bàn diễn ra vào ngày 11/9, ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua tỉnh cũng đã cố gắng ưu tiên bố trí vắc-xin về một số địa phương trọng điểm công nghiệp, du lịch, tuy nhiên số lượng còn hạn chế.
“Sắp tới, tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương sớm phân bổ thêm lượng vắc-xin để giải quyết vấn đề này”, ông Tân thông tin.
Đặt mục tiêu thu 26.000 tỷ từ du lịch vào năm 2025
Ngoài ra, để tiếp tục chuẩn bị cho việc phục hồi kinh tế du lịch trong những năm tiếp theo, tỉnh Quảng Nam đã đề ra những “chiến lược” rất bài bản.
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch Phát triển du lịch xanh đến năm 2025, với quan điểm du lịch xanh đóng góp quan trọng cho phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử, văn hóa cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên.
Theo đó, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh nhằm khai thác các điểm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu thị trường khách du lịch. Qua đó, thu hút thị trường khách có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài ngày, có ý thức, hành động văn minh khi tham gia du lịch.
Cụ thể, đến năm 2025, du lịch xanh sẽ góp phần thu hút 12 triệu lượt khách tham quan lưu trú, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 26.000 tỷ đồng, lao động du lịch đạt 23.000 người. Hằng năm, xây dựng ít nhất 1 mô hình kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí du lịch xanh, đến năm 2025 xây dựng khoảng 10 - 20 mô hình du lịch xanh…
Tiếp đó, ngày 12/9, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định ban hành chương trình phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó, mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch miền Trung và cả nước. Xây dựng thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Bảo tồn và phát huy hiệu quả tài nguyên, lợi thế phát triển du lịch. Chú trọng phát triển du lịch hơn nữa về phía Nam và phía Tây của tỉnh.
Cụ thể, đến năm 2025, Quảng Nam đón 12 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 50%. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt 26.000 tỷ đồng. Lao động trực tiếp trong ngành du lịch 23.000 người. Trong đó, có khoảng 75% lao động qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ.
Đến năm 2030, tỉnh đón khoảng 18 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế chiếm 55%. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt 45.000 tỷ đồng. Lao động trực tiếp trong ngành du lịch là 40.000 người. Trong đó, có 85% lao động qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ.
Để thực hiện điều này, tỉnh Quảng Nam đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp chính. Cụ thể, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong quá trình phát triển du lịch. Đổi mới nhận thức, tư duy phát triển du lịch. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch…