Quảng Nam: Khẩn trương điều tra vụ phá rừng quy mô lớn ở Tiên Phước

GD&TĐ - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau khi tổ chức kiểm tra hiện trường, ông Lê Trí Thanh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu sớm khởi tố bị can vụ phá rừng tại tiểu khu 557 xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước), giao Công an tỉnh xem xét tính chất của vụ án có thể rút hồ sơ lên tỉnh để xử lý, coi đây là vụ án điểm để mang tính răn đe.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh tại hiện trường rừng bị phá ở tiểu khu 557 xã Tiên Lãnh huyện Tiên Phước. (Theo Thanhtra.com.vn)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh tại hiện trường rừng bị phá ở tiểu khu 557 xã Tiên Lãnh huyện Tiên Phước. (Theo Thanhtra.com.vn)

Ngày 22/9, Đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam do ông Lê Trí Thanh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu, đã tổ chức kiểm tra hiện trường rừng bị phá tại tiểu khu 557 xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước).

Liên quan đến vụ phá rừng này, Cơ quan điều tra Công an huyện Tiên Phước đã khởi tố vụ án hủy hoại rừng và xác định đối tượng Phùng Văn Bảy (trú xã Tiên Lãnh) có hành vi tàn phá rừng nhưng có thể làm theo sự chỉ đạo của người khác, vì đối tượng này không có khả năng tự phá rừng được. Qua điều tra ban đầu, ông Bảy khai nhận từ tháng 5, ông đã thuê người vào khu vực trên dùng cưa lốc, rựa để chặt hạ một khu vực rừng với diện tích khoảng hơn 3.000 m2, trữ lượng thiệt hại gỗ khoảng 16 m3.

Xử lý vụ việc nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị cơ quan Công an khẩn trương củng cố hồ sơ để khởi tố bị can đối với vụ phá rừng tại tiểu khu 556; xem xét tính chất vụ án, có thể rút hồ sơ lên tỉnh để xử lý. Các cơ quan chức năng phải khẩn trương tìm ra đối tượng chủ mưu để xử đúng người đúng tội. Bên cạnh đó, cần đưa vụ án này ra xử làm án điểm để tăng tính răn đe, giáo dục; góp phần lập lại trật tự trong việc quản lý, bảo vệ rừng.

Theo Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam Phan Tuấn, từ năm 2010 đến ngày 15/9, trên địa bàn xã Tiên Lãnh đã xảy ra 54 vụ phá rừng để lấy đất sản xuất, gây thiệt hại hơn 124 ha rừng tự nhiên, trạng thái rừng nghèo (bao gồm 87,913 ha rừng phòng hộ và 36,908 ha rừng sản xuất).

Rừng đầu nguồn bị chặt phá ở xã Tiên Lãnh (Tiên Phước).
 Rừng đầu nguồn bị chặt phá ở xã Tiên Lãnh (Tiên Phước).

Được biết, trong tổng số diện tích rừng thiệt hại ở xã Tiên Lãnh có hơn 68 ha rừng đã được Ban quản lý trồng rừng huyện Tiên Phước giao cho nhóm hộ và hơn 49 ha ngoài diện tích giao khoán bảo vệ rừng (do UBND xã Tiên Lãnh quản lý).

Riêng trong năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện 10 vụ vi phạm, với diện tích rừng thiệt hại hơn 24 ha rừng chức năng phòng hộ, vụ lớn nhất xảy ra tại khu vực Dội Lớn, khoảnh 5, tiểu khu 556 thuộc xã Tiên Lãnh. Hiện Hạt Kiểm lâm nam Quảng Nam đang phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương điều tra, xử lý.

Qua kiểm tra hiện trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhận định: Dù đi chưa hết các khu vực rừng bị phá nhưng qua kiểm tra đã phát hiện tình trạng phá rừng phòng hộ ở đây rất nghiêm trọng. Qua kiểm tra thực tế nhận thấy các đối tượng phá rừng cơ bản mục đích không phải lấy gỗ vì khu vực này không có những cây gỗ quý. Mục đích phá rừng để lấy đất trồng keo là chính, tuy nhiên đây là rừng khu vực đầu nguồn, phải bảo đảm hệ sinh thái, đa dạng sinh học nên công tác bảo vệ phải được tăng cường.

Qua việc phá rừng tại xã Tiên Lãnh cho thấy, UBND xã Tiên Lãnh có dấu hiệu buông lỏng quản lý, lãnh đạo xã nắm bắt thông tin chưa kịp thời và phối hợp xử lý chưa thỏa đáng. Đối với, lực lượng kiểm lâm xử lý vi phạm về rừng chậm, biện pháp xử lý không đủ sức răn đe.

Phó Chủ tịch Lê Trí Thanh lưu ý, huyện Tiên Phước cần tăng cường phối hợp với cơ quan kiểm lâm để xác định chính xác diện tích rừng bị phá (xác định chính xác diện tích rừng phòng hộ, rừng trồng); tiến hành rà soát nhu cầu của người dân cũng như thực tiễn tại địa phương để xem xét cấp đất cho người dân, cấp sổ đỏ cho dân để họ yên tâm sản xuất, bảo vệ rừng; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng cần thực hiện công tác nghiệm thu, chi trả dịch vụ môi trường rừng kịp thời để người dân yên tâm bám rừng.

Những năm gần đây, tại Quảng Nam đã liên tiếp xảy ra những vụ phá rừng quy mô lớn và đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi vụ phá rừng pơ-mu ở huyện Nam Giang đang được chuẩn bị đưa ra xét xử thì lại xảy ra vụ phá rừng quy mô lớn ở xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) gây bức xúc trong nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ