Quảng Nam: Bố trí đủ giáo viên cốt cán cho chương trình - SGK lớp 2, lớp 6

GD&TĐ - Sở G&ĐT Quảng Nam chủ trương quy hoạch độ tuổi trong bố trí đội ngũ giáo viên (GV), CBQL triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Bắc Trà My, Quảng Nam) tham gia hoạt động ngoại khóa.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Bắc Trà My, Quảng Nam) tham gia hoạt động ngoại khóa.

Ưu tiên tuyển đủ giáo viên

Ông Nguyễn Thanh Tú – Trưởng phòng GD&ĐT huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết: “Do chất lượng đường truyền của một số điểm trường lẻ không đảm bảo cho GV đại trà thực hiện các khóa học trực tuyến nên gần như thứ 7, chủ nhật nào, các trường Tiểu học trên địa bàn của huyện cũng tập trung GV về điểm trường chính.

Học trực tuyến nhưng lại phải tập trung tại điểm trường chính, đó cũng là đặc thù của địa phương. Với cách làm này, vừa đảm bảo được chất lượng đường truyền, GV không bị gián đoạn trong giờ học trực tuyến, vừa có thể nhận được sự hỗ trợ, trao đổi của GV cốt cán ngay trong thời gian học”.

Qua rà soát tình hình đội ngũ, Phòng GD&ĐT Bắc Trà My thiếu 1 GV cốt cán môn Khoa học do chuyển trường về đồng bằng. “Chúng tôi đã đề xuất Sở GD&ĐT Quảng Nam bổ sung GV cốt cán và hỗ trợ cho GV này tập huấn bổ sung để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng đội ngũ GV cốt cán” – ông Tú thông tin.

Phòng GD&ĐT Nam Trà My tổ chức sinh hoạt chuyên đề cho các trường Tiểu học.
Phòng GD&ĐT Nam Trà My tổ chức sinh hoạt chuyên đề cho các trường Tiểu học.

Ngoài thời gian tập huấn trực tiếp và trực tuyến theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Quảng Nam, Phòng GD&ĐT Bắc Trà My đẩy mạnh việc sinh hoạt chuyên đề theo cụm trường, tổ chuyên môn của trường. Trong sinh hoạt chuyên môn của các trường, Phòng GD&ĐT luôn lưu ý GV khi triển khai dạy học thực tế phải hướng đến hiệu quả chứ không thể áp dụng hết tất cả các bước như các tiết dạy mẫu đã được dựng thành video. GV phải dạy học dựa trên năng lực thực tế của HS để có thể lựa chọ phương pháp, hình thức dạy học phù hợp.

Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam chia sẻ: “Quảng Nam vừa hoàn thành kỳ thi tuyển viên chức GV năm 2020 với 1.200 thí sinh trúng tuyển. Số GV này đã có quyết định phân công công tác, nhận nhiệm sở. Trong 583 chỉ tiêu còn thiếu của năm 2020 thì chủ yếu là GV bậc mầm non và tiểu học. Sở GD&ĐT đang phối hợp với Sở Nội vụ và các địa phương xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành GD cho năm 2021.

Mục tiêu là đến 15/8, số GV mới tuyển dụng mới kịp nhận nhiệm sở, tiếp cận công việc để sẵn sàng cho một năm học mới. Những GV mới tuyển dụng sẽ được bố trí dạy các lớp đang thực hiện chương trình phổ thông hiện hành. Những GV dạy khối lớp 1, lớp 2, lớp 6 đều phải được tham gia tập huấn đầy đủ các mô đun theo yêu cầu”.

Trong chuẩn bị đội ngũ GV, CBQL thực hiện chương trình – SGK mới, Quảng Nam yêu cầu Phòng GD&ĐT các địa phương trong rà soát phải chú ý đến độ tuổi của đội ngũ. “Chúng tôi cho rằng sẽ rất lãng phí cả tiền bạc, công sức và thời gian nếu nhà giáo chỉ trực tiếp tham gia chương trình giáo dục phổ thông mới một, hai năm rồi nghỉ. Do vậy, cần thiết nên quy hoạch độ tuổi để tham gia trực tiếp vào việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phải ưu tiên bố trí những GV, CBQL đủ tuổi tham gia ít nhất một chu kỳ của việc thay sách. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, SGK của từng lớp, chắc chắn sẽ có những điều chỉnh cần thiết về nội dung, phương pháp qua từng năm để phù hợp với thực tế. Do vậy, đòi hỏi phải có sự tham gia của những người trực tiếp tham thực hiện và nắm chắc nội dung của cả chương trình” – ông Quốc phân tích.

Trong thách thức có thuận lợi

Trong bộ SGK lớp 6 sẽ được dùng trong năm học tới, các môn Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Lịch Sử, Địa Lý sẽ được tích hợp thành 2 môn Khoa học tự nhiên. Nhiều GV vốn chỉ dạy đơn môn lâu nay có không ít băn khoăn khi chuyển sang dạy tích hợp. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết, các GV sẽ được tham gia tập huấn đầy đủ cả nội dung và phương pháp để GV đủ khả ăng dạy các chủ đề chung của môn học, không phải theo kiểu bổ sung kiến thức Sinh học do GV dạy môn Hóa học.

Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết, về mặt đội ngũ, hầu như ngành GD các địa phương đã chủ động gỡ khó, ưu tiên nguồn lực cho lớp 1, lớp 2 và lớp 6 để đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả chương trình – sách giáo khoa mới.

Ông Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú  (PTDTBT) Tiểu học và THCS Trà Nam (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My) chia sẻ: “Chúng tôi chỉ có 4 lớp ở bậc THCS nên nếu tuyển đủ GV cho các bộ môn thì sẽ không thể bố trí đủ tiết theo yêu cầu. Chính vì vậy, lâu nay nhà trường vẫn dùng phương án bố trí GV dạy trái môn. Như GV dạy Lịch sử sẽ đảm nhiệm dạy thêm môn Địa Lý, GV Vật Lý kiêm nhiệm thêm môn Công nghệ và GV Hóa dạy trái môn môn Sinh học. Trường và Phòng GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho những GV này đủ để kiêm nhiệm mà vẫn đảm bảo chất lượng môn học. Chính vì vậy, đội ngũ GV THCS của nhà trường sẽ không gặp nhiều vướng mắc khi triển khai dạy học tích hợp”.

Để GV và HS bắt nhịp với chương trình – SGK mới, các trường học ở Quảng Nam đã chủ động trong đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Ngay tại địa bàn vùng núi cao như Bắc Trà My, một số trường THCS đã chủ động đưa STEM vào trường học. Từ những vật dụng đơn giản như bìa các – tông, vỏ chai… HS Trường THCS Nguyễn Huệ đã thiết kế mô hình nhà nổi chống lũ trên cơ sở vận dụng bài học sự nổi và lực đẩy Acsimet để ứng dụng vào thực tế.

Giờ học STEM của HS trường THCS Nguyễn Huệ (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam).
Giờ học STEM của HS trường THCS Nguyễn Huệ (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam).

Các GV Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trà Nam, trong hoạt động dạy học, đều được yêu cầu phải xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng HS. “Ngoài quan tâm, giúp đỡ HS yếu bằng cách giao việc phù hợp, động viên, tạo cơ hội cho HS yếu, GV phải chú trọng đến công tác mũi nhọn của nhà trường. Phải chuẩn bị riêng cho HS khá, giỏi những bài tập khó để các em không bị nhàm chán trong giờ học.

Vì với những HS này, các bài tập ở SGK các em đều làm được. Thế nên, trong khi GV hướng dẫn cho những HS yếu thì các em sẽ phải ngồi chờ. Nếu cứ lặp đi lặp lại thì sẽ gây ức chế hung phấn học tập của HS. Đây là điều GV phải chú ý trong dạy học theo hướng cá nhân hóa” – thầy Chín chia sẻ kinh nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...