Quảng Bình yêu cầu kiểm điểm cán bộ không chấp hành lệnh sơ tán

GD&TĐ - Kiểm tra tại huyện Minh Hóa, ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch UBND Quảng Bình yêu cầu kiểm điểm trường hợp cán bộ không chấp hành lệnh sơ tán.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cùng đoàn công tác kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở cao. Ảnh: X.P.
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cùng đoàn công tác kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở cao. Ảnh: X.P.

Ngày 19/9, ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đã kiểm tra công tác phòng, chống bão số 4 tại huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa.

Ông Đoàn Ngọc Lâm yêu cầu chính quyền các địa phương tích cực triển khai phương án "4 tại chỗ", thường xuyên kiểm tra các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở đất và chủ động phương án ứng phó kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị chính quyền địa phương, nhất là lực lượng công an, tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tiếp tục vận động các hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở di dời đến nơi an toàn, cử cán bộ thường xuyên túc trực, bảo vệ tài sản cho nhân dân.

bo-doi-bien-phong.jpg
Bộ đội Biên phòng Quảng Bình vận động người dân di dời khỏi khu vực nguy hiểm.

Đáng chú ý, khi kiểm tra khu vực có nguy cơ sạt lở cao dưới chân núi Cây Sường (thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa), đoàn phát hiện một số hộ dân vẫn sinh hoạt trong nhà, mặc dù những hộ dân này đã được di dời trước đó.

Đặc biệt, trong những hộ này có gia đình bà T.T.B., Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Minh Hóa.

Ông Đoàn Ngọc Lâm lập tức chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thực hiện di dời khẩn cấp gia đình bà B. Đồng thời yêu cầu kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quá trình di dời người dân.

Trả lời sự việc trên, bà T.T.B. cho rằng, sau khi nhận thông báo di dời, bà cùng chồng đã đến địa điểm sơ tán. Nhưng vì muốn lấy giấy tờ quan trọng nên chồng bà đã quay trở về nhà và gặp đoàn công tác.

UBND tỉnh Quảng Bình cũng có Công văn về việc sơ tán người dân đến nơi an toàn để ứng phó bão, mưa lũ.

Công văn nêu, cương quyết sơ tán người dân tại những điểm không an toàn. Những trường hợp không tuân thủ chỉ đạo về phòng chống thiên tai có thể tiến hành cưỡng chế.

Cùng với đó, kiểm điểm trách nhiệm với trường hợp là cán bộ, công chức không chấp hành lệnh sơ tán của địa phương.

Tỉnh Quảng Bình đã sơ tán 238 hộ dân với gần 1.000 người ra khỏi khu vực nguy hiểm. Theo thống kê, tại Quảng Bình ghi nhận 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, biển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ