Quảng Bình: Nông dân bị phong tỏa, “lúa vẫn về tận nhà”

GD&TĐ - Một số địa phương của tỉnh Quảng Bình đang bước vào vụ mùa thu hoạch lúa nhưng lại bị phong tỏa do dịch Covid-19. Tuy nhiên người dân đã đỡ phần lo lắng bởi chính quyền đã hỗ trợ, giúp họ thu hoạch vụ mùa.

Chính quyền địa phương và các đoàn thể như Hội nông dân, Đoàn thanh niên... đã hỗ trợ người dân thu hoạch vụ mùa.
Chính quyền địa phương và các đoàn thể như Hội nông dân, Đoàn thanh niên... đã hỗ trợ người dân thu hoạch vụ mùa.

Nông dân bớt lo lắng cho vụ mùa

Giống như nhiều nông dân ở xã Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa), giờ đây ông Trần Văn Thành mới thở phào nhẹ nhõm khi những sào lúa chín của gia đình cũng đã được thu hoạch.

Ông Thành cho hay, sau khi thôn bị phong tỏa, khiến gia đình ông hết sức lo lắng bởi gần 5 sào ruộng đã đến kỳ thu hoạch. Cùng với đó việc tận dụng thu, gom rơm khô cho đàn bò ăn vào mùa đông cũng không thể thực hiện được.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại thì ông đã bớt lo lắng và yên tâm hơn khi chính quyền địa phương đã giúp gia đình ông và nhiều hộ dân khác thu hoạch lúa đúng thời vụ. Hiện, gia đình ông còn hơn 2 sào nữa chưa thu hoạch được vì 2 ngày qua trời mưa.

Địa phương huy động lực lượng, giúp người ở các khu vực bị phong tỏa thu hoạch mùa vụ.

Địa phương huy động lực lượng, giúp người ở các khu vực bị phong tỏa thu hoạch mùa vụ.

“Nếu 2 ngày nay trời không mưa, thì chắc bây giờ lúa đã nằm trong nhà hết cả rồi. Nhưng thôi, dịch bệnh Covid-19, cả thôn lại bị phong tỏa mà người dân chúng tôi không phải lo về việc hạt lúa vẫn ở ngoài đồng, thế là mừng lắm rồi”, ông Thành chia sẻ.

Trong mấy tháng nay, sau cả quá trình dày công chăm sóc, người nông dân Quảng Bình đang mong chờ để thu hoạch thành quả từ những hạt “ngọc vàng”. Thế nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp buộc người dân phải chấp hành các biện pháp để phòng, chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Ông Cao Ngọc Hoa, Trưởng thôn Bắc Hóa cho biết, thời điểm thôn bị phong tỏa, người dân và Ban Cán sự thôn rất lo lắng, bởi chỉ còn ít ngày nữa là nông dân bước vào thu hoạch vụ mùa hè thu. Hơn 20ha lúa không chỉ là cái "túi cơm" cho người dân trong thôn, mà nguồn phụ phẩm như rơm rạ còn là thức ăn dự trữ cho hơn 300 con trâu, bò vào mùa mưa rét.

“Trước đó mấy ngày, thôn đã chuẩn bị kế hoạch thu hoạch vụ hè thu đâu vào đấy cả rồi. Thế mà, đùng một cái, trên địa bàn thôn có ca F0 bị nhiễm dịch bệnh. Toàn thôn phải thực hiện quy định phong tỏa, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Vì thế việc thu hoạch lúa bị đảo lộn. Cũng may, trong dịch bệnh, người dân bị phong tỏa, nhưng hạt lúa ngoài đồng cũng được chính quyền địa phương tổ chức thu hoạch kịp thời”, ông Hoa chia sẻ.

Các lực lượng hỗ trợ người dân tập kết các bao lúa đến khu vực thuận lợi để vận chuyển về nhà.

Các lực lượng hỗ trợ người dân tập kết các bao lúa đến khu vực thuận lợi để vận chuyển về nhà.

Không chỉ riêng xã Mai Hóa mà nhiều xã trên địa bàn huyện Tuyên Hóa nói riêng và toàn tỉnh Quảng Bình nói chung cũng đã có phương án và hỗ trợ người dân thu hoạch mùa vụ do bị phong tỏa. Nỗ lực trên vừa đảm bảo phòng chống dịch theo quy định và thu hoạch lúa đúng mùa vụ giúp người dân.

Tổ chức gặt lúa giúp người dân

Chủ tịch UBND xã Mai Hóa Nguyễn Anh Tuấn cho hay: “Việc lúa chín nhưng không thể thu hoạch đó không chỉ là nỗi lo của người nông dân mà còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Yêu cầu đặt ra cho chính quyền địa phương đó là vừa phải tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch, vừa huy động các lực lượng để giúp dân thu hoạch lúa. Sau khi có chỉ đạo của huyện, xã Mai Hóa đã họp bàn phương án gặt lúa giúp cho người dân”.

Theo đó, xã Mai Hóa đã liên hệ thuê 2 máy gặt đập liên hợp và tổ chức lực lượng để thu hoạch lúa. Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng các thôn đứng ra điều tiết quá trình gặt. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, quá trình thu hoạch lúa được thực hiện cuốn chiếu theo từng khoảnh ruộng, khu vực cánh đồng.

Những người dân ở vùng không bị phong tỏa giúp đỡ phơi rơm rạ khi thời tiết thuận lợi.

Những người dân ở vùng không bị phong tỏa giúp đỡ phơi rơm rạ khi thời tiết thuận lợi.

Các gia đình chỉ cần chuẩn bị sẵn bao bì đựng lúa (có ghi tên, số điện thoại) để tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng thôn đến lấy. Sau khi lúa gặt xong, tổ sẽ gọi điện cho từng hộ gia đình ra ruộng vận chuyển lúa về nhà.

Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên xã đã kêu gọi lực lượng “tình nguyện viên” ở các thôn, xóm không bị phong tỏa trên địa bàn đến thu hoạch lúa và phơi rơm rạ giúp người dân.

Không chỉ riêng huyện Tuyên Hóa, nhiều huyện của tỉnh Quảng Bình cũng đã tổ chức giúp dân gặt lúa, hầu hết các địa phương đều đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch thu hoạch lúa hè thu nếu dịch bệnh xảy ra.

Huyện Bố Trạch, là địa phương đang thuộc diện phong tỏa theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thế nên tại xã Vạn Trạch, đông đảo đoàn viên thanh niên của địa phương đã tổ chức ra đồng thu hoạch lúa cho người dân.

Sau khi thu hoạch, địa phương sẽ gọi điện cho người dân theo số điện thoại ghi trên bao bì để ra chở lúa về nhà.

Sau khi thu hoạch, địa phương sẽ gọi điện cho người dân theo số điện thoại ghi trên bao bì để ra chở lúa về nhà.

Địa phương huy động 1 máy gặt đập liên hợp, 2 xe ô tô vận chuyển và đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn tổ chức thu hoạch lúa hè thu, sau đó đưa về cho từng hộ gia đình.

Anh Hoàng Thái Sơn - Bí thư Xã Đoàn Vạn Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, việc thu hoạch lúa đúng mùa vụ giúp đảm bảo năng suất và sản lượng, tránh những thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai. Đồng thời, giúp người dân yên tâm thực hiện việc cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.