Hò khoan Lệ Thủy là một loại hình dân ca của cư dân sông nước tại huyện Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình. Hò khoan thường được người dân hát trong các dịp chèo đò, giã gạo và các lễ hội làng bên sông Kiến Giang.
Hò khoan có đặc trưng sử dụng những lời ăn tiếng nói mộc mạc trong cuộc sống hàng ngày để bày tỏ nỗi lòng cũng như đối đáp. Thông thường các đội hò khoan thường được chia làm hai phe (nam nữ hoặc hai làng khác nhau) để thi đối đáp.
Ngày nay, như nhiều làn điệu dân ca khác Hò khoan Lệ Thủy đang bị mai một dần. Hò khoan Lệ Thuỷ được nhạc sĩ Hoàng Vân nhắc đến trong bài hát Quảng Bình quê ta ơi…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp nơi có Di sản văn hóa phi vật thể được công nhận lần này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn sẽ thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với Di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa.
Cũng trong đợt này có 12 di sản mới được bổ sung vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia lần này thuộc 04 loại hình: Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Nghệ thuật trình diễn dân gian.
Ngoài Hò khoan Lệ Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), các Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đợt này gồm:
Lễ hội Xa Mã - Rước kiệu Đình Hoàng Châu (xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng)
Hội Minh thề thôn Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng)
Nghề sơn mài Cát Đằng (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định)
Lễ hội Điện Trường Bà (thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi)
Lễ hội Tiên Công (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh)
Lễ hội Lồng tồng của người Tày (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên)
Nghi lễ Cấp sắc của người Nùng (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên)
Nghệ thuật Khèn của người Mông (huyện Phú Lương, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên)
Nghệ thuật Rô-bam của người Khmer (tỉnh Trà Vinh)
Lễ hội Trò Ngô làng Giàng (xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn)
Múa sư tử của người Tày, Nùng (tỉnh Lạng Sơn).