Giữ mãi giọng hò khoan…
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lý (62 tuổi, xã Phong Thủy, Lệ Thủy) đã dành gần nửa thế kỷ để trao trọn tâm huyết của mình cho điệu hò quê hương.
Tình yêu hò khoan ăn sâu vào máu thịt khi bà còn là một cô bé 12 tuổi đã được đắm chìm trong từng câu hò, điệu hát từ đó nuôi dưỡng tình yêu, sự say mê của bà đối với hò khoan Lệ Thủy và tình yêu tha thiết này không chỉ trong tâm hồn bà mà biết bao thế hệ của những người con Lệ Thủy.
Gần 50 năm gắn bó với hò khoan, bà Nghĩa đã tham gia biểu diễn ở nhiều hội diễn, liên hoan dân ca ở Hà Nội, Bắc Ninh, Huế... cùng với đó là số lượng không nhỏ các lứa học trò được bà truyền dạy, đặc biệt ở các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện Lệ Thủy.
Với nỗi niềm đau đáu không để hò khoan Lệ Thủy bị mai một, từ năm 1994 bà đã bắt đầu thành lập câu lạc bộ hò khoan để làm cầu nối trao truyền kho tàng văn hóa phi vật thể quý báu này cho thế hệ mai sau.
Ngoài việc truyền dạy, hiện nay, một đam mê nữa của nghệ nhân Nguyễn Thị Lý là soạn lời mới, dàn dựng các tiết mục biểu diễn hò khoan cho các em học sinh. Và, trên mảnh đất này, còn có rất nhiều người như bà Lý vẫn lặng thầm cống hiến cho điệu hò quê hương.
Nhằm bảo tồn và phát huy một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống có từ lâu đời trên vùng quê lúa, huyện Lệ Thủy đã có nhiều giải pháp bảo tồn những làn điệu hò khoan.
Một trong những giải pháp thiết thực, bền vững là đưa hò khoan Lệ Thủy vào giảng dạy trong trường học. Đây là giải pháp quan trọng trong công tác bảo tồn hò khoan Lệ Thủy đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 của huyện.
Mang điệu hò đến với lớp học...
Đối với người dân Lệ Thủy, điệu Hò khoan Lệ Thủy gần như ăn sâu vào trong máu của mỗi người và tự ý thức của mỗi người dân họ đều luôn đau đáu câu chuyện bảo tồn điệu hò này. Chính vì vậy, phong trào hát Hò khoan Lệ Thủy thường xuyên được tổ chức ở tất cả các sự kiện từ thôn xóm, làng xã đến cấp huyện...
Với sự quan tâm của lãnh đạo huyện và các ban, ngành liên quan, trong những năm qua ngành GD&ĐT huyện Lệ Thủy đã tổ chức các lớp tập huấn về hò khoan Lệ Thủy cho toàn thể giáo viên dạy môn Âm nhạc, đại diện học sinh của tất cả các trường học trên địa bàn toàn huyện, đây là những hạt nhân để xây dựng phong trào hát hò khoan trong mỗi đơn vị trường học.
Đặc biệt trong các dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Phòng GD&ĐT cũng đã tổ chức liên hoan “Em hát dân ca” dành cho học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở hay liên hoan “Cô và cháu hát hò khoan Lệ Thủy” dành cho cấp mầm non.
Cho đến thời điểm này, các buổi liên hoan đang được duy trì thường niên và đạt hiệu quả cao làm dấy lên phong trào hát dân ca của học sinh nói riêng và trong đời sống văn hóa cộng đồng của người dân Lệ Thủy nói chung.
Điều đáng mừng chính là việc hiện tại tất cả các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện Lệ Thủy đều đã thành lập câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy và hoạt động nền nếp.
Nhiều câu lạc bộ được thành lập từ sớm và hoạt động có hiệu quả như ở Trường Mầm non Hoa Mai, Trường Tiểu học số 1 Hồng Thủy, Trường THCS Mỹ Thủy…
Có thể nói, việc dạy hát dân ca và thành lập câu lạc bộ hò khoan trong trường học là việc làm bổ ích, cần thiết nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ biết trân quý “kho báu” của quê hương.
Mỗi giờ học, điệu Hò khoan Lệ Thủy còn vang vọng thì có thể tin rằng dòng chảy văn hóa quê hương vẫn liền mạch từ trong đời sống hôm nay và mai sau.
Chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Ông Vũ Khiêm – Giám đốc Sở VHTT tỉnh Quảng Bình – tâm sự: Khi hò khoan Lệ Thủy được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đây là niềm vinh dự, tự hào của tỉnh Quảng Bình nói chung và huyện Lệ thuỷ nói riêng.
Niềm vinh dự này cũng là trách nhiệm phải bảo tồn, phát huy giá trị di sản ngày càng tốt hơn, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể mang tính tiêu biểu cho quốc gia.
Để bảo tồn được Hò khoan Lệ Thủy thì trước hết đó chính là sự quan tâm cả cộng đồng xã hội, các nghệ nhân và người dân Lệ Thủy cần có trách nhiệm trực tiếp đối với di sản văn hóa này tránh không để mai một mà ngày càng nhân rộng, phát huy hiệu quả hơn.
Để làm được điều này trước hết huyện Lệ Thủy cũng cần có những kế hoạch cụ thể đồng thời phối hợp với các cơ quan ban ngành và đặc biệt là Sở VHTT nhằm thường xuyên tôn vinh các nghệ nhân, có những chính sách cụ thể hỗ trợ hoạt động mô hình câu lạc bộ có thể dùng ngân sách nhà nước hoặc từ nguồn xã hội hoá tùy theo từng địa phương
Đặc biệt, việc tổ chức các hội diễn có thể khám phá thêm những nét đặc sắc của Hò khoan Lệ Thủy, ở đó các nghệ nhân có thể thỏa sức thể hiện sự sáng tạo của con người đối với điệu hò quê hương và cũng là cách nhằm quảng bá thúc đẩy phong trào này trong các hoạt động đời sống, tinh thần của toàn cộng đồng…
Việc huyện Lệ Thủy đã đưa Hò khoan Lệ Thủy vào trường học từ những năm trước thể hiện sự quyết tâm của địa phương trong việc bảo tồn văn hoá phi vật thể có đặc thù khác hẳn với các loại văn hoá khác. Nó tồn tại trong ý thức, hệ tư tưởng tính ngưỡng của người dân vì thế việc làm này là phương án tối ưu có thể trao truyền cho thế hệ trẻ…