Quan trọng là thay đổi về “chất”...

GD&TĐ - Chuyện bụng to bụng nhỏ, người béo, người gầy... có nhiều nguyên nhân như “do cơ địa”, “do tự nhiên, đến tuổi này nó thế”... là bình thường, chẳng mấy ai “đặt thành vấn đề”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhưng với những người thực thi nhiệm vụ, hàng ngày, hàng giờ phải tiếp xúc trực tiếp với người dân, với du khách quốc tế, đôi khi lại “thành chuyện”. Ví như ngành công an, cụ thể là cảnh sát giao thông.

Cách đây hơn 4 năm, tại một buổi tổng kết, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội đã yêu cầu các đội rà soát, chấn chỉnh hình ảnh, trang phục của cảnh sát đang làm nhiệm vụ điều khiển giao thông. Đặc biệt, những cán bộ chiến sĩ thấp bé, bụng phệ chuyển sang làm công tác văn phòng thay vì điều tiết giao thông để xây dựng hình ảnh đẹp của cảnh sát Thủ đô.

Về việc này, đội trưởng một đội cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội khi đó cho rằng, quy định này không phải là mới mà đã làm thường xuyên từ nhiều năm nay; là việc cần thiết để hình ảnh cảnh sát giao thông không phản cảm trong mắt người dân.

Cảnh sát giao thông ngoại hình nhỏ quá thì những người vi phạm hoặc tội phạm không sợ, không ngại. Bệ vệ quá thì người ta nhìn vào đó hình ảnh cũng không hay, sẽ chậm chạp hơn. Đặc biệt, Hà Nội là Thủ đô nên cảnh sát giao thông phải xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt người dân cũng như bạn bè quốc tế...

Sau “phát súng lệnh” này, mới đây nhất, tại buổi thông tin về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (C08), Bộ Công an cho biết, Cục sẽ nghiên cứu, đưa ra các bài kiểm tra sức khỏe, năng lực, các tiêu chí về cân nặng, chiều cao và số đo vòng 2 của các chiến sĩ cảnh sát giao thông trước khi tuyển chọn làm nhiệm vụ ngoài đường.

“Anh” nào vòng 2 to không cho ra đường, sẽ kiểm tra kiến thức từng cán bộ một... Dù chưa thống kê nhưng trong thực tế đang có cán bộ, chiến sĩ vòng bụng to làm nhiệm vụ điều tiết, xử lý vi phạm trên đường. Việc này sẽ dẫn đến khó khăn trong những tình huống khẩn cấp như truy bắt tội phạm, giải cứu người gặp nạn hay giải quyết các công việc cần sức bền và sự nhanh nhạy.

Dự kiến, Cục Cảnh sát giao thông sẽ điều chuyển những cán bộ, chiến sĩ không đủ điều kiện làm nhiệm vụ ngoài đường do vòng bụng to đến làm công việc văn phòng hoặc vị trí khác phù hợp hơn. Khi được ban hành, quy định này sẽ áp dụng trên toàn quốc.

Chức năng của cảnh sát giao thông là tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, phân làn, xử phạt... Nhưng phải thẳng thắn rằng, trong quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông còn có “điều tiếng”, thậm chí không ít những vụ việc tiêu cực...

Cũng bởi vậy việc người dân ít có thiện cảm với cảnh sát giao thông là điều dễ hiểu chứ không hẳn do bụng to hay nhỏ. Cảnh sát giao thông dù bụng to nhưng cách xử lý công việc hàng ngày “đi vào lòng người” như đã từng có ở Đà Nẵng thì vẫn rất thiện cảm, vẫn hoàn thành nhiệm vụ đấy chứ.

Đã từng có thời điểm, không chỉ có Công an TP Hà Nội, một số địa phương khác đã “đưa” nữ cảnh sát giao thông tham gia điều tiết giao thông trong các khung giờ cao điểm. Việc này bước đầu đã có hiệu quả, làm “dịu” đi phần nào những “bức xúc”, “nỗi niềm” của người tham gia giao thông.

Nay, thêm một biện pháp nữa có thể được áp dụng, nhưng cái chính ở đây, ngoài cải thiện hình ảnh bề ngoài, cần thiết phải có những thay đổi về “chất”: Giải quyết những tồn tại gây bức xúc cho người dân, gây dư luận không tốt mới là quan trọng chứ không chỉ riêng bề ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.