Bắt nhịp cùng “chuyển mình” của công nghệ
Phát biểu khai mạc, TS Phùng Thị Lý Hằng – Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục nhận định, khi công nghệ và dữ liệu trở thành nền tảng cốt lõi cho sự phát triển của các tổ chức, thì văn hóa tổ chức cũng phải thích nghi và thay đổi để đáp ứng yêu cầu mới.
Trước sự “chuyển mình” của công nghệ, TS Phùng Thị Lý Hằng nhìn nhận, bên cạnh làm quen với các công cụ, nền tảng kỹ thuật số, chúng ta phải đối mặt với sự thay đổi về cách thức làm việc, cách giao tiếp và cách duy trì những giá trị cốt lõi của tổ chức. “Những thách thức này đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt và cần chiến lược quản trị văn hóa tổ chức phù hợp” - TS Phùng Thị Lý Hằng nêu vấn đề.
Thay đổi để thích ứng
Nhấn mạnh, chuyển đổi số là một trong những xu hướng quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TS Lê Thị Ngọc Thuý - Trưởng Khoa Quản lý, Học viện Quản lý giáo dục trao đổi, công nghệ số đã làm thay đổi một cách đồng bộ và toàn diện các yếu tố của tổ chức, từ chiến lược, lãnh đạo, quy trình, vận hành, đội ngũ… cho đến văn hoá tổ chức.
Theo đó, công tác quản trị văn hoá tổ chức cần thay đổi để tiếp tục duy trì các giá trị, đặc trưng riêng biệt của mình và thích ứng với bối cảnh mới. Văn hóa tổ chức, vốn là "linh hồn" và "bản sắc" của một đơn vị, cần được quản trị một cách linh hoạt, hiệu quả để thích ứng và phát triển mạnh mẽ trong môi trường số hóa.
TS Lê Thị Ngọc Thuý cho rằng, quản trị văn hoá tổ chức trong thời kỳ chuyển đổi số không đơn giản là nhiệm vụ về mặt quản lý, mà là hành trình mang tính chiến lược, bao gồm việc định hình tư duy, thay đổi quy trình và thúc đẩy sự đồng thuận trong toàn bộ nhân sự. Qua đó, giúp các tổ chức không chỉ tồn tại mà còn tiến xa hơn trên con đường số hóa, từ đó mang lại giá trị bền vững cho cả tổ chức và cộng đồng.
Tham luận tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến - giảng viên cao cấp, Học viện Quản lý giáo dục nhìn nhận, chuyển đổi số đang làm rung chuyển và tác động đến mọi mặt kinh tế, xã hội, cuộc sống của nhân loại. Đây là xu thế và thực tế không thể cưỡng lại. Vì vậy, càng nhận thức sớm vấn đề để thay đổi, thích ứng thì càng sớm mang lại hiệu quả như mong muốn!
Đối với lĩnh vực giáo dục, GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến cho rằng, chuyển đổi số đang dần chứng minh những tác động tích cực về bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, về nâng cao chất lượng dạy và học….
Khi chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ, không chỉ cần tập trung vào các yếu tố kỹ thuật, mà còn phải chú trọng đến các khía cạnh xã hội và văn hóa để đảm bảo một môi trường số lành mạnh, văn minh, an toàn.
Trong đó, chuyển đổi văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp hiệu quả và hợp tác trong môi trường số là vấn đề rất đáng quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục và xã hội ngày càng phụ thuộc vào công nghệ.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận các vấn đề lý luận về xây dựng, phát triển và quản trị văn hoá tổ chức trong bối cảnh chuyển đổi số; cơ hội, thách thức từ bối cảnh chuyển đổi số tác động tới văn hoá tổ chức; văn hoá tổ chức trong mối quan hệ với văn hóa vĩ mô, văn hóa nghề nghiệp và văn hoá vi mô;
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến, bài viết đề cập đến xu hướng mới, các bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế về xây dựng, phát triển và quản trị văn hoá tổ chức trong bối cảnh chuyển đổi số; Tác động của chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số tới văn hoá tổ chức; ứng dụng các công nghệ số trong quản trị tổ chức và quản trị văn hoá tổ chức; thay đổi văn hoá tổ chức và chuyển đổi văn hoá tổ chức;
Các ý kiến cũng tập trung thảo luận về quản trị sự thay đổi và chuyển đổi văn hoá tổ chức; quản lý sự đa dạng; sự thay đổi vai trò và phong cách của người lãnh đạo; các năng lực cần thiết để ứng phó và thích ứng với sự thay đổi và chuyển đổi văn hoá tổ chức; sự hình thành văn hoá số trong tổ chức, các quá trình đổi mới và sáng tạo trong tổ chức.