Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự, phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương; trong đó có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Đại diện lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND cấp tỉnh dự Hội nghị tại 63 điểm cầu.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, kết quả công tác năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với năm 2022. Trong đó, một số lĩnh vực đạt kết quả nổi bật như: công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật; truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự…
Đến nay, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua tổng số 29 luật, 15 nghị quyết; Bộ Tư pháp đã ban hành theo thẩm quyền 307 Nghị định, nghị quyết; Bộ trưởng các Bộ đã ban hành 1.755 Thông tư, 9 Thông tư liên tịch.
Kết quả Thi hành án dân sự năm sau cao hơn năm trước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thi hành xong trên 211 nghìn tỷ đồng; trong đó gần 40,5 nghìn tỷ là kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Năm 2024, toàn ngành Tư pháp sẽ tập trung 9 nhiệm vụ trọng tâm. 1 trong 9 nhiệm vụ là nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tư pháp trong sạch, chuyên nghiệp, bản lĩnh, ngang tầm nhiệm vụ tinh thần các Nghị quyết của Đảng và yêu cầu của Chính phủ.
Chú trọng triển khai Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TPHCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”; Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời chú trọng triển khai Chương trình tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân Luật giai đoạn 2023-2030; Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu, xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng lộ trình đã đề ra…