Tuy nhiên, dường như mối quan tâm đến vấn đề tái chế thủy tinh chưa thực sự tương xứng. Nói vậy là bởi, tỷ lệ tái chế thủy tinh của nước ta hiện nay rất thấp và truyền thông về rác thủy tinh cũng khiêm tốn hơn rất nhiều so với rác thải nhựa.
Trong Báo cáo tựa đề “Tái chế thủy tinh tại Việt Nam: Thách thức và đề xuất chính sách” mới công bố, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á cho biết, khối lượng rác thải rắn của nước ta tăng đáng kể, từ 10% - 16% mỗi năm và TP Hồ Chí Minh là nơi tạo ra nhiều nhất. Thành phần chính của rác thải đô thị là rác hữu cơ, chiếm 67% và rác từ thủy tinh chiếm 4% tổng trọng lượng rác thải rắn đô thị.
Báo cáo cũng dẫn nghiên cứu năm 2022 của Eunomia Research & Consulting - Công ty Tư vấn quản lý môi trường và chất thải tại Anh, theo đó, bao bì bằng thủy tinh trên thị trường đồ uống chiếm 11% trong tổng số lượng và 62% tổng trọng lượng.
Bao bì đồ uống chiếm khoảng 20% tổng lượng rác bao bì được tạo ra tại Việt Nam, nhưng tỷ lệ thu gom hiện tại khá thấp và dao động theo loại vật liệu. Trong khi lon nhôm có tỷ lệ tái chế cao hơn 70% do giá trị kinh tế cao hơn, chai nhựa có tỷ lệ tái chế tổng thể thấp hơn, dao động từ 32% đến 45%. Tỷ lệ tái chế cho chai thủy tinh là thấp nhất, ước tính chỉ 15%.
Nghiên cứu của Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á chỉ ra rằng, chất thải rắn, đặc biệt là rác thải thủy tinh, thường không được phân loại tại nguồn. Chai, lọ thủy tinh không màu chủ yếu được thu gom bởi các công nhân của công ty thu gom rác tư nhân hoặc doanh nghiệp về công ích môi trường đô thị và được bán lại cho vựa ve chai để tăng thêm thu nhập. Một số ít vỏ chai rượu được thu thập lại cho mục đích sưu tầm, trang trí hoặc tái sử dụng vỏ chai.
Người lao động trong chuỗi thu gom cũng không quan tâm đến việc thu mua rác thủy tinh do thu nhập từ loại phế liệu thủy tinh thấp hơn so với các loại phế liệu khác như giấy, nhựa, và nhôm.
Chỉ có 6% vựa phế liệu mua chai lọ thủy tinh đã qua sử dụng; chỉ có 5% người thu mua phế liệu mua thủy tinh; 8% người thu gom rác và người nhặt phế liệu thu gom phế liệu thủy tinh.
Ngoài ra, việc vận chuyển và bốc xếp rác thải thủy tinh thường gặp nhiều khó khăn như dễ vỡ và gây nguy hiểm.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng, một khó khăn lớn trong việc thúc đẩy tái chế, tái sử dụng rác thải thủy tinh đó là chi phí thu gom quá lớn, thậm chí cao hơn chi phí nhập khẩu sản phẩm thủy tinh hoặc nhập khẩu vụn thủy tinh để sản xuất.
Giá của vụn thủy tinh không màu tại những nhà máy thủy tinh này thường dao động từ 2.250 đến 2.500 đồng/kg. Tuy nhiên, nguồn cung cho vụn thủy tinh không màu nội địa không ổn định và tương đối thấp.
Ngược lại, giá vụn thủy tinh không màu nhập khẩu với số lượng lớn lại rẻ hơn, khoảng 1.800 đồng/kg vào năm 2019 và khoảng 2.100 đồng/kg vào năm 2020. Do đó, các nhà sản xuất thủy tinh quy mô lớn lựa chọn nhập khẩu vụn thủy tinh từ nước ngoài do giá đầu vào rẻ hơn.
Thực tế này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần dành mối quan tâm lớn hơn với rác thải thủy tinh. Bên cạnh nỗ lực truyền thông để người dân chú ý hơn đến rác thải thủy tinh, việc quan trọng cần làm đó là thúc đẩy thực hiện hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn. Cùng với đó, phải thiết kế chính sách để thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng tỷ lệ tái sử dụng và tái chế thủy tinh.