Chủ tịch UBND không thể kiểm soát hết mọi vấn đề
Băn khoăn về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND đặc khu, đại biểu Võ Thị Như Hoa – đoàn TP Đà Nẵng phân tích, tại điểm a khoản 3 Điều 69 dự thảo quy định: Chủ tịch UBND đặc khu có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật bằng hình thức quyết định để thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo thẩm quyền.
Đại biểu đề nghị xem xét lại quy định này, vì theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Chủ tịch UBND không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Mặc dù theo nguyên tắc áp dụng tại Luật này thì thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật có thể khác với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 nhưng Chủ tịch UBND là người quản lý, điều hành và chấp hành pháp luật, do đó việc giao cho Chủ tịch UBND ban hành văn bản quy phạm pháp luật là không cần thiết và sẽ xung đột với quyền hạn của UBND đặc khu. Đại biểu đề nghị quy định theo hướng không giao cho Chủ tịch UBND đặc khu ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - đoàn Quảng Bình bày tỏ đồng tình với việc tăng quyền lực cho Chủ tịch UBND. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần phải xem xét, rà soát lại các điều luật để điều chỉnh giảm bớt quy định cho Chủ tịch UBND và giao cho Ủy ban ủy quyền trách nhiệm cho Phó Chủ tịch và một số ban, ngành chuyên môn.
“Theo dự thảo quá nhiều nội dung Chủ tịch UBND ký, cấp quyết định, trong đó có những nội dung cụ thể như: Chủ tịch Ủy ban đặc khu cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện đặc khu cấp, đổi giấy phép kinh doanh, cấp, đổi, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của các chi nhánh văn phòng đại diện... Chủ tịch UBND không thể có đầu óc điện tử để kiểm soát hết mọi vấn đề, việc gì Chủ tịch cũng ký thì không có thời gian để lo việc lớn.
Theo như dự thảo thì vị trí Chủ tịch đặc khu rất dễ bị vi phạm khuyết điểm. 100 việc làm tốt, chỉ cần 1 việc làm sai thì đã không còn gì nữa rồi, cho nên rất nguy hiểm” - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương lo lắng.
Nên bỏ quy định miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt
Liên quan đến chính sách thuế, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - TP Hà Nội cho rằng, nhiều vấn đề cần phải cân nhắc lại để đảm bảo tính khả thi của các quy định.
Đại biểu đề nghị: Thứ nhất, bỏ quy định về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dịch vụ liên quan dịch vụ kinh doanh casino, dịch vụ kinh doanh đặt cược, dịch vụ kinh doanh trò chơi điện tử. Mặc dù có tiếp thu phương án áp dụng mức thuế suất là 15%, mức thuế hiện hành là 35%.
“Ở đây không phải là miễn giảm ít hay nhiều mà là bản chất của thuế. Thuế tiêu thụ đặc biệt gánh trên mình nhiệm vụ là điều tiết tiêu dùng, định hướng tiêu dùng, chúng ta chỉ áp dụng theo lộ trình là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhiều nước trên thế giới khi áp dụng chính sách ưu đãi cũng không áp dụng ưu đãi đối với thuế tiêu thụ đặc biệt. Để phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo phù hợp bản chất thuế nên bỏ quy định miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt” - đại biểu Lưu Mai đề nghị.
Thứ hai, liên quan đến quy định miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm đầu và giảm 50%, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, việc khuyến khích thuế thu nhập cá nhân là cần thiết. Tuy nhiên về bản chất khi có thu nhập bắt buộc phải chịu thuế. “Chúng ta đặt ra miễn thuế thu nhập cá nhân thật sự chưa phù hợp. Tôi nghĩ nên giữ ở mức giảm 50% thuế đối với các đối tượng là các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao” - đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề xuất.
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, vấn đề là tiêu chí xác định đối tượng được miễn giảm. Theo quy định của dự thảo Luật, nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao được xác định bởi UBND đặc khu quy định về việc này.
“Ở đây không phải là xác định khái niệm thế nào là nhà khoa học, là chuyên gia có trình độ chuyên môn cao mà ở đây là tiêu chí để chúng ta xác định đối tượng được miễn giảm thuế. Vì vậy, việc chúng ta giao cho UBND cấp huyện quy định tiêu chí miễn giảm thuế chưa phù hợp. Đề nghị nếu không thể luật hóa, nếu như cần phải đảm bảo tính linh hoạt thì phải quy định bởi một văn bản quy phạm pháp luật, ít nhất cấp Chính phủ là nghị định hoặc thông tư, chứ không giao cho ủy ban như vậy” - đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu quan điểm.
Chia sẻ với ý kiến của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Lê Thu Hà - đoàn Lào Cai đề nghị cân nhắc việc áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 15% trong thời hạn 10 năm đối với các dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử và đặt cược. Bởi vì, đây là lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận rất lớn, khác với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt tính trên doanh thu, tức là trừ đi số trả thưởng. Vì vậy ưu đãi giảm đi 15% đến 20% thuế suất là rất lớn so với mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cũng theo đại biểu Lê Thu Hà, dự thảo thu hẹp đáng kể diện được miễn thuế tiền thuê đất cả đời của dự án. Tuy nhiên, mức miễn tiền thuê đất tối đa 30 năm áp dụng cho toàn bộ nhà đầu tư chiến lược, bao gồm các dự án bất động sản, khu du lịch nghỉ dưỡng, kinh doanh giải trí, casino, các dự án kinh doanh trong lĩnh vực chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao, kể cả lĩnh vực không thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu cần được cân nhắc để loại bỏ.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, theo đại biểu Thu Hà, mặc dù cơ quan thẩm tra có một số điều chỉnh trong dự thảo, tuy vậy nội dung mức độ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp về cơ bản vẫn giữ như dự thảo đã trình tại Kỳ họp thứ 4.
Đặc biệt mức thuế 10% trong vòng 30 năm cho mọi dự án của nhà đầu tư chiến lược kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, giải trí, casino, các lĩnh vực chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các dự án không thuộc danh mục ngành nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu theo điểm d mục 5 Điều 3 là quá lớn, chưa thỏa đáng.
“Việc có quá nhiều ưu đãi thuế có thể làm mất đi tính trung lập, công bằng của chính sách thuế. Ưu đãi quá lớn lại được áp dụng cho các lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao, không được xã hội khuyến khích sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài kiếm lời ngắn hạn, không thu hút được nhà đầu tư chất lượng dài hạn, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu công bằng, làm phát sinh tiêu cực như: Lách luật, trốn thuế, chuyển lợi nhuận, chuyển giá gây khó khăn cho quản lý, làm thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội của đất nước”. Đại biểu Lê Thu Hà