Quản lý thuốc lá điện tử: Cần giải pháp mạnh

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh về số người sử dụng.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan đưa vào nghị trường một số sản phẩm thuốc lá điện tử. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Đào Hồng Lan đưa vào nghị trường một số sản phẩm thuốc lá điện tử. Ảnh: Media Quốc hội

Trả lời chất vấn đại biểu tại Kỳ họp Quốc hội thứ 8, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh về số người sử dụng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng cao

Qua điều tra tại 34 tỉnh, thành phố vào năm 2020 ở người trưởng thành cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), trong đó tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi.

Kết quả điều tra liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo các nhóm tuổi thấy rằng, nhu cầu và việc sử dụng trong giới trẻ, đặc biệt là đối với trẻ em gái cũng tăng lên. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong nhóm học sinh từ 13 - 17 tuổi cũng tăng 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng phân tích về những tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đặc biệt là đối với giới trẻ. Trong đó, có nhiều tác hại làm ảnh hưởng đến tim, gan, phổi… đặc biệt là ảnh hưởng đến vấn đề loạn thần.

Năm 2023, đã có 1.234 người điều trị bệnh liên quan thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng... Cả nước cũng ghi nhận khoảng 40.000 người mỗi năm mắc các bệnh ảnh hưởng tới sức khoẻ do thuốc lá thường.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề xuất có nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá được Quốc hội xem xét và sửa đổi trong thời gian tới.

Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tác hại đến sức khỏe người dân, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam đã tham gia vào Công ước khung phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Bên cạnh giảm thiểu tác hại của thuốc lá thông thường, với những hình thức xuất hiện mới của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ngành y tế cũng đã có rất nhiều giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng.

Trong đó, tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ Y tế phối hợp với ngành Giáo dục, các cơ quan liên quan tăng cường truyền thông và phòng chống tác hại thuốc lá nói chung, trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, qua lấy ý kiến của các bộ, ngành đa phần rất ủng hộ đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội có những giải pháp cấm sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Bộ Y tế cũng đã tổ chức đánh giá tác động làm căn cứ khoa học; đã tổ chức công bố tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.

Đây là những giải pháp mang tính chất căn cơ để cung cấp các bằng chứng, căn cứ pháp lý. Qua đó, để Chính phủ quyết định các giải pháp phòng chống tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trình tại Kỳ họp thứ 8 cũng đã đề xuất đến nội dung tính thuế đối với thuốc lá mới trong phần tổ chức thực hiện. Bộ Y tế đã liên tục có đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

“Trên cơ sở đánh giá của Hiệp hội kinh tế y tế, nếu thu được một đồng thuế liên quan tới các loại thuế này, chúng ta phải mất 5 đồng để giải quyết các vấn đề liên quan tới sức khỏe, chưa kể các hệ lụy gây ra đối với sức khỏe tinh thần, thể chất của người dân”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế đã mang đến một số sản phẩm thuốc lá điện tử, được làm rất bắt mắt, có sức hút rất lớn đối với trẻ em. “Ai có thể hình dung đây là một điếu thuốc lá điện tử không ạ? Những sản phẩm này được đưa ra thị trường, tính hấp dẫn và thu hút giới trẻ rất nhiều”, giơ cao một số sản phẩm để Quốc hội, cử tri thấy rõ, bà Đào Hồng Lan đặt câu hỏi.

Tránh “khoảng trống” pháp lý

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, vừa qua Bộ Công Thương đã chỉ đạo quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý việc kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử. Bộ thống nhất đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành chính sách quản lý chặt chẽ sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để tránh khoảng trống pháp lý.

Trong khi chưa có luật, chưa sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ trưởng Diên cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý việc buôn bán, vận chuyển các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

“Các vi phạm với thuốc lá truyền thống hay sản phẩm thuốc lá mới đều chủ yếu do nhập lậu, nên cần ngăn chặn ngay từ cửa khẩu”, ông Diên nói. Bên cạnh đó, ông đề nghị tăng cường thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Vừa qua, Bộ Y tế đã tiến hành nghiên cứu tổng hợp và phân tích các nghiên cứu, báo cáo của quốc tế và trong nước về tác hại của thuốc lá mới, đề xuất các biện pháp ngăn chặn thuốc lá mới.

Theo Bộ Y tế, các tuyên bố của ngành công nghiệp rằng “thuốc lá điện tử giảm hại hơn 95% so với thuốc lá điếu thông thường” là thiếu bằng chứng khoa học vững chắc. Thông tin giảm hại này dựa trên ý kiến của một nhóm nhỏ các chuyên gia và một bài báo được tài trợ bởi ngành công nghiệp thuốc lá, không được xác thực.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, không có bằng chứng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít hại hơn thuốc lá điếu. Cả hai đều chứa nicotine gây nghiện và có hại, đặc biệt với não bộ trẻ em. Một số sản phẩm thuốc lá điện tử chứa các chất độc hại ở mức bằng và cao hơn thuốc lá điếu thông thường. Đối với thuốc lá điện tử, một phân tích tổng hợp từ 107 nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ và rối loạn chuyển hóa giữa người sử dụng thuốc lá điện tử và người hút thuốc lá điếu là tương đương. Đối với thuốc lá nung nóng, Hiệp hội Hô hấp Châu Âu đã phản bác nhận định thuốc lá nung nóng ít hại hơn thuốc lá truyền thống. Ngoài ra, WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện. Trong khi đó, có bằng chứng rằng việc hút thuốc lá điện tử có thể kéo dài tình trạng nghiện nicotine và cản trở việc cai thuốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.