Bộ trưởng Y tế: Nhiều ý kiến ủng hộ cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, nhiều ý kiến ủng hộ việc cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, nhưng cần có nghị quyết của Quốc hội liên quan việc cấm hay không.

Bộ trưởng Bộ Y tế đưa vào nghị trường các mẫu thuốc lá "bắt mắt" để cảnh báo.
Bộ trưởng Bộ Y tế đưa vào nghị trường các mẫu thuốc lá "bắt mắt" để cảnh báo.

Tham gia chất vấn chiều 11/11, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) nêu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang là mối nguy hiểm cho sức khoẻ con người, nhất là đối với thanh thiếu niên.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đánh giá về thực trạng này và giải pháp kiểm soát tình hình.

thuoc-la2.jpg
Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông).

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã triển khai hơn 10 năm. Thời điểm đó chưa có thuốc lá mới, thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử.

Gần đây, Bộ Y tế cũng đã giải trình liên quan việc quản lý các loại thuốc lá này, cũng như điều tra tình hình sử dụng thuốc lá.

Theo đó, tỉ lệ sử dụng đang tăng nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là giới trẻ. Điều tra tại 34 tỉnh, thành vào năm 2020, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18%.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, những ảnh hưởng và tác hại thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đã được báo cáo đánh giá tác động chi tiết trình Chính phủ.

Bộ giao các đơn vị chuyên môn phối hợp Tổ chức Y tế thế giới, tổng hợp căn cứ khoa học để có đánh giá tác động.

Qua đó, cho thấy sử dụng thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử rất nhiều chất có hại, làm ảnh hưởng sức khỏe người dân và những người sử dụng chủ yếu là giới trẻ.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong bối cảnh có 40.000 người một năm mắc bệnh hoặc ảnh hưởng bởi thuốc lá bình thường, thì với thuốc lá điện tử sẽ có nguy cơ rất cao, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Việc thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng vẫn còn trôi nổi trên thị trường dù chưa có quy định bán, là do quảng cáo tiếp thị của các công ty bán thuốc lá và nhập lậu.

Vì vậy, là cơ quan bảo vệ sức khỏe cho người dân, thời gian tới Bộ sẽ phải có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề thuốc lá điện tử ảnh hưởng tới giới trẻ.

Tuy nhiên, vẫn cần có nghị quyết của Quốc hội liên quan tới cấm thuốc lá điện tử và nung nóng, trước khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá được sửa đổi và Quốc hội thông qua.

Tại phiên họp Quốc hội giả định, 100% học sinh tham gia phiên họp đã đồng ý việc cấm sử dụng thuốc lá điện tử. Từ đó, Bộ trưởng đề xuất Quốc hội có nghị quyết cấm với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) chất vấn Bộ trưởng Y tế về việc nhiều nước đã cấm bán thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Còn ở Việt Nam, Bộ Y tế đang nghiên cứu trình Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết cấm buôn bán, nhập khẩu thuốc lá điện tử.

“Đến nay Bộ Y tế đã làm được những gì trong phần việc này”, đại biểu đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp với ngành Giáo dục và các cơ quan tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Với đặc điểm hấp dẫn, bắt mắt như của thuốc lá điện tử hiện nay, truyền thông rất quan trọng để có thời gian điều chỉnh hành vi.

Cũng chất vấn về tình trạng gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) hỏi về những công việc Bộ Y tế sẽ làm để hạn chế thực trạng này.

Đại biểu hỏi quan điểm của Bộ trưởng về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm thuốc lá mới.

“Bộ Y tế nhất quán quan điểm đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Rất mong đại biểu Quốc hội khi thảo luận cân nhắc nội dung liên quan tính thuế. Thu được một đồng thuế liên quan thuốc lá phải mất 5 đồng giải quyết vấn đề liên quan sức khỏe, tinh thần và thể chất của người dân”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ