(GD&TĐ) - Thực phẩm chức năng có mặt ở Việt Nam trên dưới 10 năm nhưng cho đến nay hành lang pháp lý để quản lý sản phẩm này chưa rõ ràng. “Lỗ hổng” trên giúp nhiều công ty thổi phồng tác dụng của thực phẩm chức năng thành thần dược, chữa được cả bệnh nan y. Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo Thực phẩm chức năng và công tác quản lý do Bộ Y tế tổ chức.
Thực phẩm chức năng: Trăm hoa đua nở
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế), thực phẩm chức năng xuất hiện trên thế giới từ những năm 70,80 của thế kỷ trước ở các nước phát triển và trở thành sản phẩm hỗ trợ, nâng cao sức đề kháng cho con người, được bày bán rộng rãi ở các siêu thị. Tác dụng rõ nhất của thực phẩm chức năng là bổ sung vi chất dinh dưỡng, phục hồi, đảm bảo chức năng nào đó của cơ thể.
Các gian hàng thực phẩm chức năng len lỏi vào các hội chợ thương mại. Ảnh: Phan Hải |
Tại Việt Nam, thị trường thực phẩm chức năng mới phát triển khoảng 10 năm trở lại đây. Đến nay đã có 10.000 sản phẩm, trong đó nhập khẩu chiếm 40%. Chỉ trong vòng 3 năm gần đây, đã có thêm gần 1.800 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng.
Theo khảo sát của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm năm 2011: 50% số người lớn tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sử dụng thực phẩm chức năng. Tuy nhiên phần đông người tiêu dùng trong nước vẫn chưa nhận thức đúng công dụng và tầm quan trọng của thực phẩm chức năng dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với bệnh tật và sức khỏe.
Đưa thực phẩm chức năng vào vòng kiểm soát
Sự phát triển của các doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng trong những năm gần đây cho thấy người dân có sự tin tưởng và ưa chuộng sản phẩm này. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là ở nước ta, “vẫn còn tình trạng nhiều nhà sản xuất, kinh doanh muốn bán nhiều sản phẩm, lợi dụng việc còn chưa nắm được quy định, quảng cáo quá mức.
Khi thanh kiểm tra, chúng tôi phát hiện có những sản phẩm nâng cao sức đề kháng nhưng quảng cáo chữa cả HIV, ung thư…”, ông Phong cho biết. Cũng theo ông Phong, về nguyên nhân, tôi có thể khẳng định, đối với những nội dung chúng tôi quản lý cho phép quảng cáo, hầu như không có nội dung sai so với công bố.
Tuy nhiên, cũng có tình trạng, một số cơ quan báo chí vẫn cho phát nội dung không đúng với quy định của cơ quan chức năng. Chúng tôi đề nghị bên cạnh việc thanh kiểm tra, nâng cao kiến thức người tiêu dùng, cũng phải có luật với cơ quan quảng cáo để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Thực phẩm chức năng hiện diện với đủ loại nhãn mác theo kiểu nhập ngoại. Ảnh T.L |
Sản phẩm một đằng, quảng cáo một nẻo là tình trạng phổ biến hiện nay. Hiện tượng tình trạng kinh doanh đa cấp, lôi kéo nhiều người, thành phần tham gia tạo ra những kênh phân phối bát nháo, thậm chí lừa đảo. Nhiều thực phẩm chức năng đã bị thổi phồng khiến người tiêu dùng ngộ nhận là thuốc. Điều này cho thấy hành lang pháp lý về quản lý thực phẩm chức năng tại Việt Nam chưa rõ ràng, thậm chí còn bất cập.
Thống kê của Cục ATVSTP, năm 2009 chỉ xử phạt được 1 trường hợp quảng cáo quá mức công dụng, năm 2011 cũng chỉ xử phạt được 29 trường hợp và 3 tháng đầu năm 2012 xử phạt được 17 trường hợp. Ngay với Bộ Y tế, đây cũng là một trong những hội nghị hiếm hoi của cơ quan quản lý bàn luận về tác dụng cũng như việc quản lý thực phẩm chức năng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng: "Quản lý thực phẩm chức năng là vấn đề hết sức nóng bỏng. Vai trò của nó trong việc tăng cường sức khỏe là không thể chối cãi, quan trọng là đánh giá như thế nào cho đúng về vai trò của nó trong đời sống, nhất là với công tác chăm sóc sức khỏe". Còn theo Cục trưởng Cục ATVSTP Trần Quang Trung, thực phẩm chức năng là một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại. Nó giúp con người tăng cường sức khỏe, miễn dịch, sức đề kháng thông qua việc bổ sung một số vi chất mà bữa ăn hàng này không có.
Tuy nhiên, để thực phẩm chức năng phát huy hết tác dụng thì cần phải có sự hướng dẫn của ngành y. Tuy nhiên, hiện nay, các quy định vẫn cấm BS kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc trong khi khoa học đã chứng minh nếu phải dùng thuốc dài ngày thì việc bổ dung vi chất là cần thiết để giảm bớt tác dụng phụ của thuốc lên hệ tiêu hóa, gan, thận…
Ông Trung cho rằng, đã đến lúc cơ quan chức năng phải nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản về quản lý cũng như hướng dẫn cách dùng thực phẩm chức năng để người tiêu dùng nhận thức đúng được tác dụng, tầm quan trọng của thực phẩm chức năng.
V.Văn