Quản lý nhà thuốc bằng công nghệ: Hết thời mua thuốc “dễ như mua rau”?

GD&TĐ -Theo ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, đến cuối năm 2018 việc nối mạng hệ thống nhà thuốc sẽ được triển khai đồng loạt ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước để góp phần giám sát việc bán thuốc theo đơn, kiểm soát giá thuốc và chất lượng thuốc, đặc biệt là tình trạng mua bán thuốc kháng sinh “dễ như mua rau”.

Quản lý nhà thuốc bằng công nghệ: Hết thời mua thuốc “dễ như mua rau”?

Cách quản lý thời 4.0

Từ ngày 4/1/2018, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin đối với nhà thuốc tại 4 tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc với gần 22.000 danh mục thuốc, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương số

20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng trong đó có nội dung về “Tập trung quản lý hệ thống bán buôn, bán lẻ, các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn. Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, đảm bảo kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc”.

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế): Việc triển khai thí điểm ứng dụng CNTT đối với nhà thuốc nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát được thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn.

Các nhà thuốc trong quá trình hoạt động, ngoài việc định kỳ phải kiểm tra thẩm định việc đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc 3 năm 1 lần, còn phải chịu sự kiểm tra đột xuất, hoặc kiểm tra theo kế hoạch của các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý thị trường… Vì vậy, các nhà thuốc nào không chấp hành là vi phạm quy định và sẽ bị xử lý.

Trên cơ sở này, ngày 22/1/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 02/2018/TT-BYT quy định về Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc và Thông tư 03/2018/TT-BYT ngày 9/2/2018 quy định về thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc (các Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 26/3/2018).

Theo đó, tất các các cơ sở bán buôn thuốc phải có máy tính kết nối Internet và thực hiện quản lý hoạt động phân phối thuốc bằng phần mềm vi tính. Có cơ chế chuyển thông tin về việc phân phối thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà sản xuất với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý khi được yêu cầu.

Đối với nhà thuốc, đến 1/1/2019 phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Đối với quầy thuốc: Đến 1/1/2020 phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra.

Nhà thuốc và quầy thuốc phải có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quản lý liên quan khi được yêu cầu.

Đối với tủ thuốc trạm y tế xã: Đến 1/1/2021 phải có thiết bị và thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra.

Chỉ công nghệ là chưa đủ

Phân tích về mục đích của việc nối mạng hệ thống nhà thuốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, việc này không chỉ kiểm soát việc kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn mà còn góp phần kiểm soát được giá thuốc, việc thu hồi thuốc và hạn chế được tình trạng kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc tại các nhà thuốc.

Theo đó, phần mềm quản lý việc kê đơn chỉ cho phép tất cả những thuốc đã quản lý trong phần mềm mới được bày bán, như vậy vừa quản lý được chất lượng thuốc, tránh được thuốc giả, thuốc kém chất lượng tràn vào, đồng thời kiểm soát được giá thuốc.

Phần mềm này cũng sẽ quản lý được việc bán và dùng kháng sinh bừa bãi của cả người bán lẫn người mua thuốc. Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, việc kết nối mạng này giúp hạn chế được tình trạng một người bán hàng chỉ có trình độ sơ cấp hay trung cấp dược mà tự ý tư vấn bán thuốc kháng sinh cho người mua, theo kiểu gợi ý đổi loại thuốc tên thuốc vì cửa hàng mình không có loại kháng sinh đã kê đơn như hiện nay.

Tuy nhiên, Cục Quản lý Dược cho rằng, hiện nay, trên toàn quốc có 41.394 cơ sở bán lẻ, trong đó 12.734 nhà thuốc tư nhân; 1.200 nhà thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh; 12.425 quầy thuốc, 7.300 đại lý.

Do đó, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng đối với các nhà thuốc có thể gặp khó khăn một số khó khăn. Chẳng hạn như, sự thiếu thiện chí, bất hợp tác của các nhà thuốc khi phải tăng chi phí để trang bị máy tính và các máy tính này phải được kết nối mạng; nhân sự của cơ sở cần được đào tạo, tập huấn; để có hiệu quả thì việc triển khai kết nối trong lĩnh vực dược cần được đồng bộ với các lĩnh vực khác như: Thuế khoán, thanh kiểm tra.

“Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn là nhiệm vụ rất cấp bách bởi nếu chậm trễ thì người dân và ngành Y tế sẽ chịu hậu quả nặng nề do sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh” - Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ