Giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn tuyển
Thực hiện Luật Giáo dục ĐH, năm nay Bộ GD&ĐT đã sửa đổi quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ và cho phép các trường có đề án tuyển sinh phù hợp với quy chế được quyền tuyển sinh riêng. Hiện có 62 trường được Bộ GD&ĐT xác nhận có đề án phù hợp và đã chính thức thực hiện tuyển sinh riêng.
Trước những băn khoăn về chất lượng nguồn tuyển của các trường này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Trong mỗi Đề án tuyển sinh riêng, Bộ GD&ĐT bắt buộc các trường phải công bố ngưỡng tối thiểu để xét tuyển.
Hầu hết những trường thực hiện tuyển sinh riêng năm nay sử dụng kết quả học tập và kết quả thi phổ thông và đều xác định ngưỡng tối thiểu để nhận hồ sơ. Ví dụ, với trường ĐH, điểm trung bình là 6,0 trở lên; CĐ là 5,5 trở lên, các trường không thể lấy thấp hơn mức đó.
“Bên cạnh đó, các đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành kiểm tra việc tuyển sinh riêng của các trường dựa trên Đề án đã công bố. Như vậy, sẽ có sự giám sát rất chặt chẽ chất lượng nguồn tuyển chứ không phải các trường tuyển sinh riêng muốn tuyển thế nào cũng được” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Đánh tránh nhiệm với người đứng đầu
Bộ GD&ĐTsẽ quản lý ngưỡng tối thiểu để đảm bảo chất lượng đầu vào. Từ ngưỡng đó trở lên, các trường có thể đặt ra những điều kiện riêng giúp “lọc” được thí sinh phù hợp nhất.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết: Khi Bộ GD&ĐT giao cho các trường tự chủ tuyển sinh, trách nhiệm của Hội đồng Tuyển sinh và đặc biệt là Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh rất quan trọng.
Nếu như mọi năm chỉ đề cập đến vấn đề xử lý nhà trường nếu có vi phạm, thì quy chế tuyển sinh năm nay quy định rõ những hình thức xử lý không chỉ với trường mà cả bản thân người đứng đầu Hội đồng tuyển sinh.
Do đó, Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh phải nghĩ cách nào đó để kiểm tra, kiểm soát quá trình tuyển sinh, không xảy ra tiêu cực, đảm bảo công bằng, chính xác.
Ví dụ, Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh phải lựa chọn người ra đề thi, người phỏng vấn, người thực hiện các công đoạn kiểm tra khác có uy tín, tin cậy, đảm bảo độ trung thực. Bởi nếu cán bộ làm công tác thi không đúng, bản thân Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh phải chịu trách nhiệm.
Như vậy, một mặt chúng ta tin tưởng vào các cơ sở và tin vào việc thực hiện quyền tự chủ của họ, nhưng đồng thời cũng có sự giám sát nhất định và rất chặt chẽ để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, không tiêu cực.
Tiến đến một kỳ thi quốc gia
Cách đây hơn 1 tháng, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Trong đó nêu rõ: Cần đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh CĐ, ĐH, tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đào tạo CĐ, ĐH.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga trước vấn đề này nhận định: Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay cũng sẽ tiệm cận dần với hướng đổi mới mà kỳ thi THPT vừa qua đạt được.
Khi ra đề thi tiệm cận như vậy sẽ có 2 phần, một phần kiểm tra những kiến thức cơ bản của học sinh, phần khác nâng cao để phân loại thí sinh.
Một đề thi có sự kết hợp phần cơ bản và nâng cao như vậy, nếu chúng ta tổ chức một kỳ thi quốc gia có thể đạt được 2 mục tiêu là đánh giá kết quả tốt nghiệp THPT và sử dụng nó để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Thứ trưởng cho biết thêm: Hiện nay, thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu phương án để tổ chức một kỳ thi quốc gia với 2 mục đích như trên.
Khi chuẩn bị tương đối hoàn chỉnh, Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra công luận xin ý kiến rộng rãi. Nếu được dư luận xã hội đồng tình, chúng ta có thể áp dụng sớm.
"Tất cả những đổi mới trong công tác tuyển sinh năm nay đều được Bộ GD&ĐT đưa ra tham khảo ý kiến công luận từ rất sớm. Khi được dư luận xã hội đồng tình, Bộ GD&ĐT mới đưa vào quy chế. Chính vì được chuẩn bị chu đáo như vậy nên Ban chỉ đạo tuyển sinh năm nay rất yên tâm.
Những đổi mới năm nay liên quan đến các trường tuyển sinh riêng, thay đổi cách xác định điểm sàn, điều chỉnh khu vực ưu tiên, công tác đề thi cũng có những thay đổi phù hợp.
Ví dụ đề thi mở, không bắt thí sinh phải nhớ nhiều chi tiết một cách máy móc; yêu cầu vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn; phát triển năng lực của thí sinh. Tất cả những điều chỉnh ấy đều có lợi cho thí sinh và giúp các trường lựa chọn được thí sinh phù hợp".
Thứ trưởng Bùi Văn Ga