Các kênh giám sát để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế
Thứ trưởng có thể cho biết tình hình chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay?
- Tới giờ phút này, tất cả công tác chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh vào ĐH, CĐ 2014 đã hoàn tất. Các cụm thi liên trường ở Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn, Cần Thơ cũng như tất cả các Hội đồng thi trên cả nước đã sẵn sàng đón thi sinh vào thi đợt 1.
Các địa phương cũng rất tích cực chỉ đạo các sở ngành, các tổ chức đoàn thể tham gia hỗ trợ thí sinh và người nhà. Cùng với đó, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên tổ chức các đoàn sinh viên tình nguyện giúp thí sinh yên tâm thi cử.
Bộ GD&ĐT đã tổ chức các đoàn thanh tra lưu động phối hợp với đoàn thanh tra các Bộ ngành, các trường ĐH, các địa phương để thực hiện công tác thanh tra ở các điểm thi cũng như các hội đồng thi. Ban đề thi của Bộ cũng đã hoàn thành kế hoạch giao đề thi đến các địa điểm in sao theo đúng kế hoạch dự kiến.
- Thưa Thứ trưởng, năm nay, lực lượng này sẽ được bố trí như thế nào và có điểm gì mới so với những năm trước để đảm bảo kỷ luật thi?
Kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT tổ chức những đoàn thanh tra lưu động đến bất cứ nơi nào và không báo trước. Đặc biệt, như đã nói ở trên, Bộ có kết hợp với thanh tra các bộ ngành khác, thanh tra của các địa phương để nâng cao hiệu quả làm việc cũng như mở rộng thêm khu vực tác nghiệp. Vì nếu chỉ có thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ không thể quán xuyết hết các địa điểm thi .
Bên cạnh thanh tra trực tiếp, từ 2 năm nay, Bộ GD&ĐT đã cho phép thí sinh mang vào phòng thi các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác để có thể tham gia quá trình chống tiêu cực.
Đó cũng là một kênh giúp giám sát việc thực hiện nghiêm túc của kỳ thi năm nay.
Giám sát chặt chẽ thi kèm, thi hộ và gian lận thi cử
- Là một kỳ thi mang tính cạnh tranh cao, có thể xuất hiện những hiện tượng như thi hộ, thi kèm, Bộ GD&ĐT đã có những chuẩn bị, chỉ đạo để phát hiện sớm những hình thức tiêu cực này?
Việc phát hiện thi hộ, thi kèm và những hành vi gian lận khác không chỉ trong kỳ thi này mà trong suốt quá trình học, ngay cả thí sinh đã tốt nghiệp ra trường, đi làm, nếu bị phát hiện thi kèm, thi hộ, vi phạm quy chế vẫn bị xử lý. Nếu cấp bằng sẽ bị thu hồi bằng, đang học có thể cho thôi học…
Việc thi kèm, thi hộ nếu không chú ý sẽ rất khó phát hiện. Do đó, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Hội đồng thi tập huấn giám thị rất kỹ trong việc này.
Cụ thể, Bộ yêu cầu các Hội đồng thi phải có danh sách ảnh để kiểm tra; khi thí sinh vào phòng thi, phân công giám thị đối chiếu ảnh trong thẻ dự thi, trong chứng minh nhân dân với danh sách ảnh và người thật của thí sinh. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, ảnh qua photoshop chỉnh sửa …, giám thị phải báo điểm thi để tiếp tục làm rõ và xử lý.
Đối với tình huống thi kèm, các giám thị trong phòng thi cần lưu ý, nếu thấy số báo danh, tên thí sinh không bình thường cần bố trí những thí sinh đó ngồi cách xa nhau.
Ví dụ, thường chúng ta bố trí ngồi gần nếu thí sinh có số báo danh gần nhau và tên giống nhau, thì giờ cho ngồi cách xa để tránh thi kèm.
Đối với thí sinh, cần ghi nhớ: Việc phát hiện thi hộ, thi kèm và những hành vi gian lận khác không chỉ trong kỳ thi này mà trong suốt quá trình học, ngay cả thí sinh đã tốt nghiệp ra trường, đi làm, nếu bị phát hiện thi kèm, thi hộ, vi phạm quy chế vẫn bị xử lý. Nếu cấp bằng sẽ bị thu hồi bằng, đang học có thể cho thôi học…
Do đó, các em không nên có ý nghĩ gian lận trong thi cử vì hậu quả của nó sẽ rất nặng nề.
- Thưa Thứ trưởng, kỳ thi năm 2013, Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy có phát hiện một loại đồng hồ có thể giúp thí sinh gian lận rất tinh vi. Loại đồng hồ này cũng như những thiết bị công nghệ cao khác có thể giúp thí sinh gian lận trong thi cử có được Bộ GD&ĐT phổ biến đến các Hội đồng thi?
Bộ GD&ĐT đã gửi hình ảnh, nhắc các Hội đồng thi phổ biến cho giám thị biết những thiết bị công nghệ cao thí sinh có thể sử dụng gian lận.
Các Hội đồng thi cũng rất thận trọng trong việc này; nhiều Hội đồng cẩn thận phô tô ảnh các thiết bị đó để cho giám thị nhận dạng, cảnh giác.
Tuy nhiên, những thiết bị công nghệ cao như vậy rất đa dạng, giám thị có thể không nhận dạng hết, nên khi vào phòng thi, nếu thấy thí sinh có thiết bị đáng ngờ không nhận dạng được, giám thị báo với điểm thi để được xác minh.
Đồng thời, còn phải quan sát đến những động thái không bình thường của thí sinh. Có thể nói, vai trò giám thị trong phát hiện những thiết bị công nghệ cao có thể giúp gian lận thi cử là rất quan trọng.
Lời nhắn tới giám thị, thí sinh
- Chỉ còn một ngày trước khi kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm nay chính thức bắt đầu, Thứ trưởng có điều gì muốn chia sẻ tới Hội đồng thi và các thí sinh trong thời điểm này?
Với các Hội đồng thi, việc tập huấn giám thị hết sức quan trọng. Năm nào cũng có những giám thị bị xử lý do không nắm vững quy chế trong quá trình làm việc.
Năm nay Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Hội đồng thi quán triệt đến giám thị những thiết bị công nghệ cao đối với thí sinh có thể mang vào phòng thi để gian lận trong thi cử; lưu ý đến vấn đề thi hộ, thi kèm…
Vấn đề bóc đề thi cũng cần hết sức lưu ý. Đợt 1, số đề thi ít nhưng đợt 2 và 3 nhiều môn thi nên phải hết sức cẩn trọng, tránh bóc nhầm đề.
Khi bóc đề thi, giám thị phải thực hiện đúng quy trình của Bộ GD&ĐT theo quy định tại quy chế để tránh nhầm lẫn.
Đối với thí sinh, thời gian này, các em nên nghỉ ngơi để giữ gìn sức khỏe, ổn định chỗ ở, đặc biệt là những em từ xa đến các thành phố lớn. Khi các em bình tĩnh, tự tin, các em sẽ làm bài tốt.
Một điều cần ghi nhớ, đề thi ĐH, CĐ có tính phân loại cao nên có phần dễ và khó. Các em tập trung làm phần dễ trước, khó sau để đỡ tốn thời gian.
Khi vào phòng thi, tuyệt đối không được mang các thiết bị bị cấm, nhất là điện thoại di động, vì năm nào cũng có rất nhiều thí sinh bị đình chỉ thi vì mang điện thoại di động vào phòng thi.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!