Tăng cường quản lý
Theo thông tin từ Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT), tỷ lệ HS Việt Nam đi du học nói chung tăng khoảng 10% mỗi năm. Nếu năm 2012 có khoảng 100.000 người, thì năm 2019 có trên 190.000 lưu học sinh Việt Nam học tập tại nước ngoài, trong đó có trên 6.000 LHS đi học theo diện học bổng có sử dụng ngân sách Nhà nước (chiếm khoảng 4%).
Công tác quản lý LHS Việt Nam đang học tập tại nước ngoài được Bộ GD&ĐT ứng dụng công nghệ thông tin một cách triệt để. Công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị trước khi đi học; theo dõi, quản lý trong thời gian học tập, nghiên cứu của LHS ở nước ngoài có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa Bộ GD&ĐT với Đảng ủy ngoài nước, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài.
Thực tế cho thấy, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quyết định trong việc việc quản lý LHS, đặc biệt là LHS diện tự túc kinh phí.
Theo quy định, LHS học tập từ 6 tháng liên tục trở lên có trách nhiệm cung cấp thông tin để giúp các cơ quan quản lý nhà nước có đầy đủ dữ liệu phục vụ công tác hoạch định chính sách đối với công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài và bảo hộ quyền lợi hợp pháp.
Thông tin do công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập đăng ký vào Hệ thống do Cục Hợp tác Quốc tế cung cấp là cơ sở để Bộ GD&ĐT xem xét việc công nhận tương đương văn bằng do nước ngoài cấp.
Việc đăng ký thông tin của LHS được chia ra từng đối tượng: LHS là ứng viên đã trúng tuyển học bổng thông qua Bộ GD&ĐT học bổng ngân sách Nhà nước, hiệp định, học bổng các đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; LHS đi học theo chương trình tự túc kinh phí…
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, việc đăng ký của LHS ở nước ngoài với các cơ quan đại diện ngoại giao còn gặp khó khăn, do nhiều LHS khi du học không đăng ký thông tin với cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước sở tại.
Bộ Ngoại giao đề xuất Bộ GD&ĐT hỗ trợ để tất cả LHS, nhất là LHS đi theo diện du học tự túc đăng ký thông tin đầy đủ với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao mong muốn Bộ GD&ĐT cùng có những giải pháp, để phối hợp với phía cơ quan ngoại giao thực hiện tốt vấn đề này.
Quan tâm và bảo hộ
Mới đây, trong buổi trao đổi thông tin với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Trưởng đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định: “Thời gian qua, ngành ngoại giao và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài làm tốt nhiệm vụ bảo hộ công dân.
Tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT mong muốn các trưởng đại diện ngoại giao Việt Nam ở địa bàn có nhiều LHS đang học tập, sinh sống tiếp tục quan tâm, hỗ trợ bảo hộ công dân; đồng thời cùng Bộ GD&ĐT giới thiệu tới LHS những phương thức và khả năng đào tạo trong nước, tạo điều kiện cho LHS về nước có nơi học tập phù hợp”.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, hầu hết cơ sở đào tạo nước ngoài cho HS, SV nghỉ học và dạy học online, Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, đối tác nước ngoài để hỗ trợ LHS trong giai đoạn này.
“Các cơ quan ngoại giao đã nỗ lực trong việc đưa LHS về nước, tuy nhiên do dịch còn diễn biến phức tạp, số lượng LHS được đưa về nước chưa đáp ứng được hết nhu cầu” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết.
Trước thực trạng trên, Bộ GD&ĐT cho rằng trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tăng cường hỗ trợ công tác quản lý LHS và bảo hộ công dân Việt Nam, nhất là những địa bàn không có cán bộ chuyên trách về hợp tác GD.
Bộ GD&ĐT yêu cầu cán bộ phụ trách GD, kể cả cán bộ kiêm nhiệm thường xuyên cập nhật tình hình, chính sách GD của nước sở tại, gửi báo cáo định kỳ 6 tháng về Bộ.
Với LHS trở về và có nguyện vọng tiếp tục học tập tại các cơ sở GD ĐH tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các cơ sở GD trong nước xem xét, tiếp nhận các LHS Việt Nam và SV quốc tế có nhu cầu, đủ điều kiện tiếp tục học tập vào các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.