Quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá HS theo định hướng phát triển năng lực

GD&TĐ - Đổi mới kiểm tra đánh giá HS phổ thông cần đặt trong định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông theo hướng đầu tư nhiều hơn cho đánh giá quá trình, nhưng phải tập trung vào đánh giá năng lực của người học; đặc biệt phải chú trọng đến đánh giá hiệu quả các hoạt động GD. TS Phạm Xuân Hùng - giảng viên chính khoa Quản lý (Học viện Quản lý GD) - trao đổi với báo GD&TĐ về giải pháp thực hiện hiệu quả những yêu cầu này.

Kiểm tra đánh giá là bộ phận không thể tách rời của quá trình dạy học, là động lực để thúc đẩy sự đổi mới  phương pháp dạy học và đổi mới quản lý
Kiểm tra đánh giá là bộ phận không thể tách rời của quá trình dạy học, là động lực để thúc đẩy sự đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới quản lý

Thay đổi nhận thức về kiểm tra, đánh giá

- Theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện được yêu cầu đổi mới kiểm tra đánh giá (KTĐG) từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực?

Theo tôi, để thực hiện được những yêu cầu đổi mới KTĐG từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, điều quan trọng nhất là sự thay đổi nhận thức của giáo viên, của lãnh đạo về kiểm tra đánh giá theo Chương trình GD phổ thông mới, vừa là quá trình phân hóa trong dạy học, vừa là kênh thông tin điều chỉnh nội dung phương pháp dạy học.

Chừng nào còn giữ nguyên thói quen đánh giá theo kiểu cũ, đánh giá dựa trên sự học thuộc, bài làm của HS viết theo khuôn mẫu thì GD vẫn “chạy” theo bệnh thành tích. Rất khó mà hình thành năng lực ở người học. Theo chúng tôi, các cơ sở GD&ĐT, cần khẩn trương xây dựng chương trình đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GD ba nội dung cơ bản về đánh giá phát triển đánh giá thực tiễn và đánh giá sáng tạo, cụ thể:

Đánh giá phát triển gồm đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết hay còn gọi đánh giá chung cuộc; đánh giá thực tiễn (bao gồm mọi hình thức và phương pháp KTĐG được thực hiện với mục đích KTĐG các năng lực cần có trong cuộc sống hằng ngày và được thực hiện trong bối cảnh thực tế); đánh giá sáng tạo (đánh giá sáng tạo nhấn mạnh sự mới mẻ, đa dạng và sáng tạo của những cách thức KTĐG).

Tăng hiệu quả đánh giá bằng nhận xét

- Ngoài hình thức đánh giá bằng điểm số, đánh giá động viên và đánh giá nhận xét là hai hình thức có tác dụng khuyến khích, dẫn dắt, hỗ trợ và nâng đỡ sự tiến bộ và mức độ “tăng tiến”. Đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là lương tâm nghề nghiệp của nhà giáo. ông có gợi ý gì giúp thực hiện tốt hình thức đánh giá động viên và đánh giá nhận xét?

Đánh giá động viên là hình thức sử dụng điểm số hoặc nhận xét bằng lời hoặc những phương pháp khác để kích thích tinh thần, cảm xúc của HS, từ đó thôi thúc HS thực hiện các nhiệm vụ kế tiếp tốt hơn, với sự phấn đấu cao hơn. Nói cách khác, đánh giá động viên là cách tác động làm nảy sinh những “suy nghĩ tích cực” và “suy nghĩ cần thiết”, loại bỏ suy nghĩ tiêu cực và suy nghĩ lãng phí trong mỗi HS về việc học của mình.

Đánh giá động viên cần kịp thời, không nên chậm trễ, lời động viên không nên bóng gió, úp mở thể hiện sự đồng cảm hay ý nghĩ chân thành của giáo viên thay vì là đưa ra những lời nhận định đầy uy quyền. Lời lẽ nhận xét của giáo viên càng nhẹ nhàng, sâu sắc thì càng có sức thuyết phục. Không nên đánh giá nhận xét cho HS sai hay không tốt khi các em chưa trả lời đáp ứng được những yêu cầu hay mục đích mà giáo viên đề ra.

Đánh giá nhận xét là hình thức sử dụng phương thức quan sát các hành vi của mỗi HS trong học tập theo những tiêu chí được cho trước, làm căn cứ để ghi thành các nhận xét. Để thực hiện yêu cầu này, giáo viên cần chú ý thu thập thông tin đủ phù hợp và tránh định kiến với HS. Trước khi bắt đầu đưa ra một nhận xét hay nhận định, cần xem xét: Thông tin thu thập được có thích hợp không? Thông tin thu thập đã đủ chưa? Với nhận xét dựa trên các tiêu chí học tập rèn luyện, phải xem xét xem những yếu tố nào khác ngoài bài thực hành hay kiểm tra có thể ảnh hưởng đến kết quả thực hiện của HS.

Nhà trường cũng cần đưa ra tiêu chí rõ ràng giúp giáo viên chủ nhiệm cũng như tất cả giáo viên bộ môn tham chiếu tiêu chí đó để viết nhận xét.

Xem kiểm tra đánh giá như một phương pháp dạy học

- Quan điểm của ông như thế nào về việc coi hoạt động KTĐG như một phương pháp dạy học?

Chúng ta có quan niệm KTĐG định hướng cho dạy học (tùy theo ngữ cảnh có thể chưa đúng hoàn toàn). Trong thực tiễn hoạt động KTĐG có mối quan hệ tương tác giữa dạy học, các hoạt động GD. Có thể nhận thấy, để có một đánh giá chung cuộc cần phải tích lũy bởi nhiều kết quả KTĐG; và để có một kết quả KTĐG, người giáo viên vừa phối hợp/điều chỉnh các phương pháp giảng dạy phù hợp yêu cầu về năng lực của mỗi người học (hiệu quả giảng dạy)… Mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố trên tạo thành một qui trình - phương pháp. Nếu bỏ qua một yếu tố nào đó thì KTĐG vẫn có thể được xảy ra, nhưng ở mức độ giản đơn hơn.

KTĐG vừa là mục tiêu, vừa là công cụ dạy và học; nếu KTĐG không xảy ra thì giáo viên sẽ không biết năng lực của đối tượng HS đang ở đâu, để từ đó xác định phương pháp dạy học phù hợp. Lúc này, KTĐG sẽ trở thành một phương pháp dạy học. Vì thế, tôi cho rằng, KTĐG vừa là bộ phận không thể tách rời của quá trình dạy học, vừa là động lực để thúc đẩy sự đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới quản lý liên tục xảy ra.

Tuy nhiên, hiện nay việc KTĐG ở nhiều trường phổ thông mới chỉ dừng lại tập trung hướng đến “làm đúng mục tiêu”. Mục tiêu chủ yếu là kết quả các kỳ thi như thi tốt nghiệp, tuyển sinh, HS giỏi. Việc đo lường năng lực HS chủ yếu dựa vào điểm số các bài thi, trong khi những tiêu chí rất quan trọng như hệ giá trị: Niềm tin, sự trải nghiệm sáng tạo, sức khỏe, kỹ năng sống, các phẩm chất… lại rất ít được đưa vào đánh giá.

Với quan niệm như trên, chỉ khi nào chúng ta xem KTĐG như một phương pháp dạy học, lúc đó mọi hoạt động của nhà trường sẽ không còn đặt trọng tâm vào các kỳ thi, mà phải chú trọng vào các hoạt động GD khác nhằm rèn luyện đạo đức, nâng cao sức khỏe, nâng cao kỹ năng sống. Nhà trường sẽ không còn những hệ lụy như dạy thêm, học thêm tràn lan, HS chỉ chú trọng học một số môn để thi, và coi thường các môn học lịch sử, xã hội, nhân văn.

- Xin cảm ơn ông!

Quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá HS theo định hướng phát triển năng lực ảnh 1TS Phạm Xuân Hùng
 
 “Hiện nay, có không ít người hiểu nhầm kiểm tra đồng nhất với đánh giá rằng khi người học được kiểm tra - được gán một điểm số nhất định thì đánh giá đã xảy ra. Thật ra, hiểu như thế mới chỉ là một phần của quá trình đánh giá. Kiểm tra và đánh giá kết quả GD có mối tương quan: Kiểm tra là cách thức, là công cụ; đánh giá kết quả là mục đích. Trên thực tế, đánh giá thường được dùng như một hình thức gọi ngắn của thuật ngữ kiểm tra đánh giá. Và nhiều khi từ “đánh giá” được dùng thay thế để chỉ hoạt động kiểm tra”. TS Phạm Xuân Hùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ