Quản lý dạy thêm, học thêm cần chế tài chặt chẽ

GD&TĐ - Chế tài chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội là giải pháp được đưa ra trong quản lý dạy-học thêm.

Học sinh Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Học sinh Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Những điểm mới đáng chú ý

Nhận định dự thảo Thông tư về quản lý dạy thêm, học thêm, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang nhận định: Dự thảo cơ bản vẫn giữ nguyên các nguyên tắc như quy định hiện hành, song nội dung có nhiều điểm mới thông thoáng hơn, cụ thể:

Nguyên tắc dạy thêm, học thêm trên tinh thần tự nguyện của học sinh với sự đồng ý của cha mẹ học sinh, người giám hộ. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Thời lượng và địa điểm dạy-học thêm phù hợp với tâm sinh lý của học sinh. Không cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, trường dạy 2 buổi/ ngày không được tổ chức dạy thêm. Nguyên tắc này cơ bản vẫn như quy định hiện hành.

Nhu cầu học thêm là nhu cầu thực tế, không thể cấm việc học thêm chính đáng của học sinh, do vậy để công tác tổ chức dạy thêm học thêm đáp ứng nhu cầu thực tế này, dự thảo đưa ra các nội dung thay đổi tạo sự thông thoáng hơn so với Thông tư 17. Có hai hình thức tổ chức như trước đây là dạy thêm trong nhà trường và dạy thêm ngoài nhà trường.

Dạy thêm trong nhà trường, dự thảo quy định về thời lượng không quá 35 tiết mỗi tuần với cấp tiểu học, 42 tiết với THCS và 48 tiết với THPT. Mức thu tiền được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định. Thông tư hiện hành nêu không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Dự thảo mới đã bỏ điều này.

Đối với dạy thêm ngoài nhà trường, Thông tư 17 quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa của mình, nếu chưa được hiệu trưởng cho phép. Dự thảo mới giáo viên chỉ cần cần báo cáo và lập danh sách gửi hiệu trưởng, đồng thời cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép các em học thêm. Giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.

Việc tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường cơ sở dạy thêm đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, công khai các môn sẽ dạy cùng thời lượng, học phí, thời gian, địa điểm và danh sách giáo viên trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm. đặc biệt dự thảo cho phép Hiệu trưởng tham gia dạy thêm ngoài nhà trường nếu được Phòng GD&DT (cấp THCS), Giám đốc sở GD&ĐT (cấp THPT) đồng ý. Mức thu tiền do sự thỏa thuận đồng ý giữa người tổ chức và người học.

Việc tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường thuộc phạm vi quản lý, cấp THPT do Sở GD&ĐT, cấp THCS do phòng GD&ĐT. Đối với dạy thêm ngoài nhà trường, cấp quản lý chủ trì tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra về hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Xử lý vi phạm, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định.

Đánh giá chung, dự thảo mới có nhiều điểm thông thoáng hơn đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội, tạo điều kiện cho nhu cầu học tập học sinh, giảng dạy của giáo viên, tuân thủ theo nguyên tắc nhất định, không gây khó cho các trường và các cơ sở tổ chức dạy thêm. Tuy nhiên công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra cần có sự kiểm soát tốt để nhu cầu chính đáng này đúng theo quy định của pháp luật.

hs.jpg

Chế tài chặt chẽ, xử lý thật nghiêm vi phạm

Thầy Lê Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị bày tỏ hoàn toàn nhất trí với quan điểm: Quản lý nhà nước về vấn đề này cần theo hướng cấm những hiện tượng tiêu cực trong dạy học thêm; không cấm nhu cầu có thực, chính đáng của người dạy, người học.

Góp ý giải pháp ngăn chặn tiêu cực trong dạy, học thêm, thầy Lê Văn Hòa cho rằng, quá trình thực hiện Thông tư 17/2012/BGDĐT cho thấy dạy thêm trong nhà trường được quản lý và phát huy hiệu quả khá tốt. Tuy nhiên, dạy thêm ngoài trường trăm hoa đua nở, rất khó quản lý. Vì vậy, nên tập trung cho việc quản lý dạy thêm ngoài nhà trường theo hướng quy định cụ thể và kèm theo các biện pháp quản lý mạnh, chặt chẽ.

Hiện, dự thảo của Bộ GD&ĐT đã quy định, tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với Hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định về các nguyên tắc dạy thêm, học thêm…

Theo thầy Lê Văn Hòa, trường hợp kê khai không trung thực cần xử lý nặng, trường hợp Hiệu trưởng dung túng cũng cần xử lý nghiêm.

Ngoài ra, Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị cũng nhấn mạnh việc cần thường xuyên quan tâm giáo dục tư tưởng, đạo đức và pháp luật cho đội ngũ nhà giáo. Đây là giải pháp quan trọng, bởi nhà giáo thường có lòng tự trọng cao. Sau mỗi lần được học tập, quán triệt, nhắc nhở họ sẽ tự vấn, tự soi, tự sửa.

Đồng thời, tăng cường hiệu quả thực chất của công tác thanh tra, kiểm tra. Trong đó, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm là cần thiết. Phát huy vai trò trách nhiệm quản lý dạy thêm học thêm của Hiệu trưởng là giải pháp rất hiệu quả, vì không ai nắm rõ và có quyền xử lý trực tiếp các tiêu cực như Hiệu trưởng nhà trường.

“Đặc biệt, cần phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội. Kênh này nếu làm tốt sẽ phát huy tác dụng cao. Muốn giám sát được, phản biện đúng thì phải thực hiện công khai rõ ràng, chi tiết. Học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp là kênh giám sát tốt nhất, nhưng lại ngại phản biện. Để phát huy được, phải tạo ra cơ chế để người giám sát có thể dễ dàng trong phản biện, thông tin đến người có thẩm quyền. Kênh người dân tham gia giám sát, phản biện cũng có tác dụng tốt, nhưng phải tạo cơ chế để họ biết mà giám sát”, thầy Lê Văn Hòa góp ý.

Cần bổ sung quy định hình thức dạy thêm trực tuyến

Ông Nguyễn Duy Tiến, Phó phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hòa Bình nhận định: Dự thảo Thông tư về quản lý dạy thêm, học thêm là hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để giáo viên tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện công tác dạy thêm; tạo cơ hội cho giáo viên được dạy thêm chính đáng dưới sự quản lý chặt chẽ của các cấp, tạo đồng thuận trong phụ huynh, học sinh cũng như của xã hội.

Chia sẻ mong muốn, đề xuất liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm, ông Nguyễn Duy Tiến cho rằng, dạy thêm, học thêm không thể cấm hoàn toàn, mà phải có các quy định cụ thể, quản lý chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu của học sinh và vì quyền lợi của học sinh.

Bên cạnh đó, việc dạy thêm trực tuyến với số lượng học sinh đông, phạm vi lớn chưa có sự quản lý chặt chẽ. Bộ GD&ĐT cần bổ sung quy định hình thức dạy thêm trực tuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ