Có lần tôi viết rằng: “Công việc nào cũng cần sự chuyên nghiệp. Sau 1 tuần có thể chúng ta bỡ ngỡ, những sau 40 giờ lao động mà chúng ta chưa kịp thời thay đổi thì thật sự đáng báo động”.
Hôm nay, tôi muốn viết về vai trò của quản lý. Sự thực thì những dữ liệu chúng tôi có được cho thấy có kha khá tiết học, lớp học, trường học triển khai dạy học bằng những phương pháp tích cực nhưng chưa thành công. Trong đó, khâu quản lý đóng vai trò rất lớn trong nguyên nhân của “sự thất bại” này.
1.
Không đầu tư hệ thống. Hệ thống ở đây là bao gồm công nghệ (phần mềm, nền tảng, cơ sở dữ liệu…) hạ tầng, cơ sở vật chất… huấn luyện đội ngũ (người dạy, người quản lý, người học…) và cả sự đồng thuận của con người (phụ huynh, nhân viên nhà trường, học sinh).
Không ít hiệu trưởng khá tích cực để chuyển đổi, yêu cầu triển khai dạy học tích cực cho trường mình. Tuy nhiên, họ chỉ biết “có công cụ, dễ dùng”, giáo viên triển khai được những giờ học sôi nổi là thành công. Trong khi họ quên mất rằng, “nếu không có hệ thống” thì không thể “giám sát”, “hỗ trợ” lẫn nhau được.
Vì thế mới có những tai nạn dở khóc, dở cười như truyền thông đã đưa và còn nhiều trường hợp khác nữa mà người trong cuộc biết, cũng ngậm bồ hòn làm ngọt. Chẳng hạn, với dạy học online, kết hợp offline, Hệ thống đòi hỏi chúng ta phải đầu tư phần mềm chuyên dụng, nâng băng thông… và đầu tư “sản xuất nội dung”, huấn luyện bằng được giáo viên kĩ năng dạy học. Như thế, không thể thờ ơ và bằng lòng với việc dạy online tức là có máy tính/ smartphone và Internet là được.
Hơn nữa, ở Việt Nam, đầu tư và đảm bảo điều kiện thực hiện cho nhà trường thuộc về địa phương. Rồi có bao nhiêu giáo viên được tập huấn mà sau đó họ giúp học sinh thực sự thành thục để thực hiện? Hay chếnh choáng vì tập huấn nhưng lại thành “phổ biến kiến thức” với hàng trăm người nghe, còn rất ít người hướng dẫn họ thực làm…?
Thế nên, trên thực tế, để nhà quản lý yên tâm, không ít giáo viên chỉ cố để làm được 1 lần (dù đi thuê làm hộ), mà không thể cố để làm được nhiều lần vì ở trường học thiếu tính hệ thống triển khai các phương pháp dạy học mới.
Ảnh minh họa. |
2.
Giám sát, đánh giá. Nhà quản lý không thể nới lỏng việc giám sát chuyên môn. Theo chân một vài hiệu trưởng đi dự giờ chúng ta mới thấy rõ điều đó. Một người dự giờ lập tức sẽ phát hiện ra giáo viên có làm đúng, làm đủ những gì cần phải tuân thủ hay không, rồi ở một mức độ “hiểu biết” “khách quan”, nhà quản lý phát hiện những lỗ hổng trong việc dạy học để điều chỉnh hệ thống của mình.
Ngay cả ở hệ thống trường có bộ phận chuyên nghiệp về đào tạo giáo viên, bộ phận kiểm soát chất lượng cũng không ngừng phải dự giờ. Chẳng hạn, khi họ dự được gần 50% tiết học trực tiếp, phát hiện ra 1 giờ học giáo viên đã “cắt bớt 1 bước dạy”, “1 giáo viên khác thụ động điều khiển học trò, không cùng thực hiện”, họ đã thấy áy náy. Và đặc biệt, họ nhận ra, họ phải cải tiến nhiều “tài nguyên” để giáo viên dễ dùng hơn khi dạy học.
Tiếc là, không phải nhà quản lý nào cũng quan tâm đến điều này. Tôi có nhận được những phản hồi của phụ huynh vì họ thấy có những giáo viên dạy đến tiết thứ 3 của con họ mà cũng không hề thay đổi phương pháp, nhà trường cũng chưa hề tác động gì đến giáo viên để họ thay đổi.
3.
Quản lý còn có một vai trò nữa, đó là điều phối sự phối hợp gia đình – nhà trường trong giáo dục. Chúng tôi cố tìm ra những “thông báo, nội quy… mới, đặc sắc riêng” của nhà trường khi triển khai dạy học bằng phương pháp mới – khác với những gì từng thực hiện, nhưng chúng tôi tìm được rất ít.
Nhiều gia đình lúng túng khi không biết phải thiết lập không gian học, tài liệu học, hỗ trợ con học, giám sát con học thế nào. Và giáo viên cũng vậy, đôi lúc họ thấy bơ vơ, một mình một ngựa rong ruổi chinh phục, đôi lúc bị hoài nghi khi thực hiện việc dạy với một cách mới.