Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng đồng thời ảnh hưởng đến chuyện gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.
Trong chuyến kiểm tra tình hình chấp hành các quy định khi khai thác cá trên biển, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã nghe đại diện tỉnh Quảng Ngãi báo cáo. Theo đó, số tàu buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình ở địa phương này đạt tỷ lệ 99,46% trong tổng số 3.206 tàu.
Cũng báo cáo trên, từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi phát hiện có trên 500 tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình. Cơ quan chức năng đã xử lý 256 trường hợp.
Có đủ lý do để “mất liên lạc”, tức là cơ quan chức năng trên đất liền không biết số tàu cá đó đang ở tọa độ nào, vĩ độ nào, có xâm phạm lãnh hải các nước không, có khai thác hải sản bất hợp pháp không… Cũng có tàu cá, thiết bị giám sát được gắn trên tàu vẫn hoạt động nhưng trong đất liền thì không theo dõi được.
Lý do được nhà mạng VNPT - nơi cung cấp thiết bị cho rằng, tình trạng nhiễu sóng, mất kết nối do mạng yếu… là có, song theo quy định của cơ quan chức năng, nếu tàu cá nào có dấu hiệu mất kết nối thì phải gọi điện về báo cáo ngay cho cơ quan chức năng chuyên giám sát hành trình hoặc cho tàu về lại đất liền để khắc phục.
Còn các chủ tàu có thiết bị gặp sự cố thì bảo, ra khơi chưa đánh cá được bao nhiêu, giờ phải quay về để khắc phục thiết bị giám sát thì tốn phí quá, lỗ nặng nên “ở ráng” hết phiên biển rồi tính sau!
Dĩ nhiên, bộ phận chuyên trách của các cơ quan giám sát sẽ biết tàu nào thì thiết bị giám sát “chập chờn”, còn tàu nào cố ý ngắt kết nối để ở nhà không theo dõi được.
Các tàu cố tình vi phạm sẽ bị phạt rất nghiêm chứ không du di “cho qua” như những năm trước. Sở dĩ phải làm nghiêm vì đây là thời điểm nhạy cảm nhất để Ủy ban châu Âu gỡ thẻ vàng mà họ đã phạt cảnh cáo Việt Nam từ năm 2017 đến nay.
Từ nhiều năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc chấp hành nghiêm các quy định của EC trong việc xuất khẩu thủy sản sang châu Âu.
Tinh thần “phấn đấu để gỡ thẻ vàng” đã được Chính phủ cùng Bộ NN&PTNT triển khai ở tất cả 28 tỉnh, thành phố có tham gia khai thác hải sản trên biển suốt nhiều năm qua, song qua một số đợt kiểm tra thực tế của EC, việc chấp hành của ngư dân ở nhiều tỉnh, thành vẫn chưa nghiêm, trong đó nổi cộm nhất là tàu cá không có gắn thiết bị giám sát hành trình.
Tình trạng ngư dân khai thác hải sản xâm phạm chủ quyền của các nước và bị bắt trong những năm qua đã nói lên tính nghiêm minh của luật pháp quốc tế.
Vì bị thẻ vàng nên việc nhập khẩu hải sản của Việt Nam vào châu Âu gặp khó khăn. Từ vị trí thứ 2, sau khi dính thẻ vàng, Việt Nam tụt xuống thứ 5. Nếu không thực hiện nghiêm những quy định của EC, họ sẽ rút thẻ đỏ cảnh cáo và cấm nhập khẩu hải sản vĩnh viễn từ Việt Nam. Mỗi năm chúng ta sẽ mất hàng tỷ đô la từ việc cấm nhập khẩu sang EU. Cần quản lý chặt hành trình tàu cá cũng vì lý do này.