Quản lý an toàn thực phẩm: Quá nhiều bất cập

GD&TĐ - Mấy ngày nay, dư luận hết sức bàng hoàng về quy trình chế biến lợn chết thành đặc sản thịt hun khói tại một lò mổ trên địa bàn xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). 

Quản lý an toàn thực phẩm: Quá nhiều bất cập

Tuy nhiên, đó chỉ là một trong vô vàn những vụ vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) liên tiếp bị phát hiện ở nước ta. Nguy cơ mất ATTP và ngộ độc hiện hữu trên bàn ăn của người dân, trong khi đó, năng lực quản lý ATTP của cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế.

Ám ảnh thực phẩm bẩn trên bàn ăn

Sau khi thông tin được công bố, cơ quan chức năng của tỉnh Cao Bằng đã tiến hành thanh kiểm tra lò mổ trên địa bàn xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), thu giữ 3,5 tấn thịt lợn chết đã tím tái, bốc mùi hôi thối được lưu giữ trong kho lạnh cùng 0,5 tấn thịt lợn hun khói thành phẩm của cơ sở này. Chủ cơ sở khai nhận chuyên thu gom những con lợn chết, lợn bệnh từ các xe chở lợn qua địa bàn với giá rẻ để đưa về giết mổ. Thịt lợn chết sẽ được tẩm ướp gia vị, khử mùi hôi để biến thành thịt lợn hun khói bán ra thị trường.

Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc thực phẩm bẩn “tấn công” bàn ăn của người dân Việt Nam hằng ngày. Theo báo cáo vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, ô nhiễm thực phẩm ở Việt Nam còn tương đối phổ biến.

Thống kê tại Việt Nam có khoảng 80% thịt lợn và 85% rau được bày bán tại các chợ bán lẻ truyền thống và những người sản xuất nhỏ chiếm ưu thế trong chuỗi giá trị, trong đó 76% lợn được giết mổ trong các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ với điều kiện vệ sinh kém. Những kết quả nghiên cứu của WB về các nguy cơ ATTP trong thực phẩm tại Việt Nam diễn ra từ tháng 8/2016 - tháng 2/2017 chỉ ra rằng, mức độ nhiễm mối nguy hại vi sinh vật như salmonella trong thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng vẫn còn tương đối cao (tương ứng khoảng 30% - 40%).

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại kháng sinh tràn lan trên diện rộng cũng tăng nguy cơ để lại tồn dư trong thực phẩm. Một số chất kích thích tăng trưởng, chất cấm trong chăn nuôi cũng được sử dụng làm chất tạo nạc vẫn tương đối phổ biến, chưa kể, nhiễm bẩn kim loại nặng và các chất hữu cơ bền vững trong môi trường, trong đó có dioxin cũng được ghi nhận tại một số địa phương.

Đừng bỏ qua quyền lợi bản thân

Mặc dù truy xuất nguồn gốc thực phẩm đã được đưa vào triển khai tại các hệ thống siêu thị, nhưng người tiêu dùng vẫn thờ ơ với cách kiểm tra thông tin thực phẩm này. Khi mua bất kỳ một loại sản phẩm, thực phẩm nào trên thị trường, người tiêu dùng có thể dễ dàng truy suất thông tin nguồn gốc sản phẩm do đơn vị nào sản xuất, đơn vị nào phân phối. Nơi sản xuất, kinh doanh hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Nghĩa là khi có vấn đề đối với sản phẩm, truy xuất ra là do ai sản xuất, ai cung cấp, ai phân phối... sai ở khâu nào khâu đó chịu trách nhiệm.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, hầu hết nhưng người tiêu dùng khi mua thực phẩm tại các hệ thống siêu thị không ai quan tâm, thậm chí không biết tem dán truy xuất nguồn gốc của sản phẩm được dán… ở đâu (?). Họ cũng không biết tới mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm, số khác biết tới song cũng không mấy mặn mà do chưa tin hoàn toàn vào những thông tin ghi trên các mã này.

Về vấn đề này, bà Lê Thị Hảo - Viện Kiểm nghiệm ATTP quốc gia - nêu quan điểm, mấu chốt của việc truy suất nguồn gốc thực phẩm là kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất, không phải là các thông tin được các doanh nghiệp cung cấp hoặc in trên bao bì sản phẩm. Do vậy, để người tiêu dùng tin tưởng hơn vào quy trình truy suất nguồn gốc, quan trọng nhất là phải có đơn vị kiểm định, chứng nhận quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Bên kiểm định độc lập này sẽ giám sát, điều tra toàn bộ quy trình sản xuất. Nếu đơn vị nào sai phạm sẽ xử phạt thật nặng.

WB khuyến cáo các nhà quản lý Việt Nam cần tiến hành tập trung vào các chiến lược hợp tác hướng tới tuân thủ, dự phòng các vụ ngộ độc và ngành công nghiệp thực phẩm nên áp dụng hình thức tự kiểm tra, kiểm soát các mối nguy hiểm sinh học phổ biến ngay tại trang trại, nơi sản xuất thay vì áp dụng hình thức thanh tra - xử phạt đối với ATTP như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...