Quận Hoàn Kiếm thuộc diện sáp nhập, cần cân nhắc yếu tố đặc thù của Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều chuyên gia cho rằng Hoàn Kiếm là quận lâu đời lại là trung tâm của Thủ đô, nên việc sáp nhập phải cân nhắc rất kỹ.

Quận Hoàn Kiếm nhìn từ trên cao.
Quận Hoàn Kiếm nhìn từ trên cao.

Xây dựng phương án tổng thể

Ngày 1/8, liên quan đến thông tin đang xôn xao trên mạng xã hội về việc TP Hà Nội có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, TP Hà Nội mới báo cáo về mặt rà soát và chưa có quyết định.

Theo ông Thành, về quy trình, Hà Nội phải xây dựng phương án tổng thể, sau khi được duyệt mới làm từng phương án cụ thể.

Ông Thành nhấn mạnh, xét về tiêu chí sắp xếp, ngoài tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên còn có yếu tố đặc thù.

Ví dụ như: Đơn vị hành chính ổn định từ năm 1945, liên quan đến văn hóa, lịch sử truyền thống, dân tộc thì sẽ nghiên cứu xem xét. Hiện qua rà soát mới đánh giá quận Hoàn Kiếm theo tiêu chí dân số, diện tích tự nhiên.

Ngoài ra còn yếu tố đặc thù, được nêu cụ thể trong Nghị quyết số 35/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, sẽ làm căn cứ để quyết định có sáp nhập hay không.

Còn PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, đối với TP Hà Nội, việc áp dụng các tiêu chí theo Nghị quyết số 35/2023, nếu tính theo yếu tố diện tích thì rất khó để đảm bảo được tiêu chí này. "Tuy nhiên, tính đặc thù của Thủ đô có chính quyền đô thị, đặc thù trong Luật Thủ đô phải tính đến những yếu tố đó".

"Việc sắp xếp phải tính đến quy hoạch của phố cổ vì nó đã rất lâu đời rồi, thậm chí là trước đấy nữa, quy hoạch phố cũ từ thời Pháp. Tính đến các yếu tố này để thuận lợi về giao thương, điều kiện văn hóa và đặc biệt là việc sinh sống của người dân.

Thêm vào đó, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính rất phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên nên tính đến lộ trình cho Thủ đô. Bởi Hà Nội là Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước", PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh nói.

Nhấn mạnh việc sắp xếp không thể nằm ngoài chủ trương theo nghị quyết của Quốc hội, nhưng cần phải tính đến yếu tố cụ thể và yếu tố đặc thù, PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh cho rằng, sáp nhập quận Hoàn Kiếm không đơn giản như việc sáp nhập 2 trường học vào với nhau. Chỉ riêng việc sáp nhập 2 trường với nhau lấy tên gì đã là một sự bàn luận lớn.

“Giờ sáp nhập quận Hoàn Kiếm với quận bên cạnh thì lấy tên quận nào cũng là cả một vấn đề đặt ra. Vì Hoàn Kiếm là quận lâu đời lại là trung tâm của Thủ đô, nên phải cân nhắc rất kỹ…”, PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) thông tin với báo chí.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) thông tin với báo chí.

Vì sao trong diện sáp nhập?

Trước đó (ngày 31/7), tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất của TP thuộc diện phải sáp nhập giai đoạn 2023 - 2025.

Đây là 1 trong 4 quận nội đô của Hà Nội. Hoàn Kiếm có 18 phường, rộng 5,29km2, dân số gần 156.000 người. Đây là quận có diện tích nhỏ nhất Thủ Đô.

Quận Hoàn Kiếm giáp quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và sông Hồng.

Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35km2, dân số 150.000 người. Trong 2 năm tới, các đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập.

Đối chiếu quy định này, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số, nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập.

Hoàn Kiếm là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô, có 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích nổi tiếng, tiêu biểu như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Quảng trường 19-8, Nhà thờ Lớn, quần thể di tích Hồ Gươm - đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, tượng đài Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội...

Giai đoạn 2019 - 2021, Hà Nội đã sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 xã và 6 phường.

Hiện Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã) và 579 đơn vị hành chính cấp xã (383 xã, 175 phường, 21 thị trấn).

Cùng với quận Hoàn Kiếm, cấp xã có 176 đơn vị của TP cũng thuộc diện phải sáp nhập từ nay đến 2025.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết, chính quyền TP sẽ tổ chức tuyên truyền để các tầng lớp Nhân dân ủng hộ, sau đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện.

“Tại Hội nghị triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, công tác chỉ đạo, điều hành quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các cấp phải quyết liệt, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính một cách linh hoạt, hợp lý; bảo đảm bộ máy hành chính vẫn hoạt động trơn tru.

Tinh thần là tinh giản bộ máy, nhưng phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm hệ thống hoạt động tốt, mang lại hiệu quả chung cho đất nước, Nhân dân.

Đây là việc khó, nhưng không thể không làm. Trong lãnh đạo, điều hành phải hết sức quyết liệt, phải linh hoạt, phù hợp, tránh xáo trộn, ảnh hưởng, làm sao tinh gọn nhưng phải phù hợp với tình hình và nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ