Cư dân hai bên sông nổi tiếng với những làn điệu dân ca quan họ êm ả, mượt mà, những làng quan họ cổ “có lề lối”, với “khuôn vàng thước ngọc”. Nhưng lâu nay quan họ phía mạn Bắc (Bắc Giang) ít được mọi người biết đến bởi năm 2009 UNESCO công nhận dân ca quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể.
Nuôi dưỡng những mạch nguồn dân ca
Du khách đến vùng Bắc sông Cầu vào mỗi độ Giêng Hai, được đắm mình trong không gian của hội hè đình đám, của sắc xuân phơi phới để rồi say đắm với khúc hát ân tình.
Chắc hẳn sẽ chẳng thể nào quên hình ảnh thấp thoáng bên từng cổng làng, con ngõ nhỏ là những tà áo tứ thân, nón quai thao thướt tha, hoặc bắt gặp một ánh mắt lúng liếng trao gửi tình tứ, e thẹn của những anh hai, chị hai quê tôi giữa độ xuân thì. Những câu hát thực sự đã làm rung động trái bao người mỗi độ xuân sang.
Trong bất giác tôi chợt nhớ về câu hát: “Làng quan họ quê tôi, tháng Giêng mùa hát hội/Những đêm trăng hát gọi, con sông Cầu làng bao xanh”.
Quê tôi đến hẹn lại lên, không biết bao mùa lễ hội trôi qua, trái tim tôi lại thổn thức, ai có về Kinh Bắc tháng Giêng mới thấy hết cái không khí náo nức, hồ hởi của một miền hội hát như dập dìu, mời gọi. Những liền anh, liền chị quê tôi như đã giũ bỏ được cái vẻ lam lũ, vất vả thường ngày bên ruộng đồng để như lạc vào thế giới của thần tiên.
Anh hai, chị hai quê tôi trẩy hội từ làng này, sang xã khác, rồi vượt sông Cầu sang giao lưu bên quan họ bạn ở phía Nam sông Cầu. Họ hát để thay cho nói, tâm sự gửi cả vào câu hát, đó cũng là cái tình của người quan họ đã thấm thía, lan tỏa vào từng vỉa đất, mạch nước.
Có đi sâu vào tận cùng những mạch nguồn, dòng chảy ấy mới hiểu hết cái hay, cái đẹp và sâu lắng của người quan họ. Bởi bao đời nay, người dân đôi dòng sông Cầu vẫn quan niệm, đã chơi quan họ thì phải “tinh mới tường”, tức là phải hiểu, phải chơi có lề lối, thanh cao và phải hát bằng cả trái tim, giữ gìn được bản sắc truyền thống.
Cũng bởi thế người quan họ mới có câu: Xưa kia nam nữ trẻ già/ Ai mà ca được ắt là hiển vinh/ Ngẫm xem các giọng cho tinh/ Ai mà ca được hiển vinh muôn đời.
Ở mạn Bắc sông Cầu có những nghệ nhân cao tuổi vẫn say mê câu hát, họ là những “báu vật sống” đang tự nguyện truyền dạy vốn văn hóa dân tộc cho thế hệ sau, như làng Trung Đồng, xã Vân Trung, làng Đình Cả, xã Quảng Minh hay Tam Tầng, xã Quang Châu (Việt Yên)... có câu lạc bộ quan họ toàn những nghệ nhân U70 đến U90. Các cụ biết hát quan họ từ khi “Răng non trắng tựa như ngà - Đến nay trơ lợi vẫn ca rõ nhời” và vẫn thuộc cả trăm bài quan họ cổ, “biết đủ lối, thuộc đủ câu”.
Thế nhưng, trong cái chung vẫn có nét riêng. Quan họ truyền thống không có nhạc đệm, liền anh, liền chị chỉ hát “chay” mà đã thể hiện được tâm sự, nỗi lòng, cái da diết, khôn nguôi, khắc khoải của người quan họ. Ở Bắc sông Cầu cũng có những làng quan họ cổ với sinh hoạt độc đáo đến mức có thể xem là “độc nhất vô nhị”.
Như Thổ Hà - nơi duy nhất vẫn giữ được lối hát canh cổ truyền, nơi có cảnh hát đón bạn trên sông Cầu mà khắp vùng Kinh Bắc không đâu có được, nghệ nhân Phú Hiệp ở làng này vẫn nằm lòng vanh vách mấy trăm bài đối đáp cổ.
Đứng bên bến đò Thổ Hà, du khách cảm nhận được không gian trên bến dưới thuyền mênh mang sóng nước. Cảnh vật, con người đó khiến nhiều người liên tưởng đến các làn điệu quan họ cổ như Gọi đò, Ngồi tựa mạn thuyền, Giã bạn... ra đời từ chính không gian ấy.
Hay làng Trung Đồng có một số bài quan họ cổ độc đáo, không chỉ khác về lời mà còn cả nhịp điệu chậm hơn.
Nếu quan họ có bài “Giã bạn” thì ở riêng Trung Đồng có bài “Dặn bạn” hay như một số bài quan họ lạ chỉ có ở đây như: Ông lang Nhẫn ngồi tu trên núi; Nó đi tìm cảnh nó chơi; Vợ chồng chẳng mấy ai bằng; Lên chùa tìm cảnh mà chơi; Lên đền Thượng; Anh hai tài tử; Ai lên xứ Lạng; Đi tìm bạn... Cái hay của quan họ nơi đây đã được người xưa đúc kết bằng thơ: “Vẳng nghe tiếng hát Trung Đồng/Phượng Hoàng cũng muốn sổ lồng mà ra”.
Tất nhiên, dù mỗi làng quan họ có những thế mạnh, phong cách và “chất” riêng nhưng tựu chung lại vẫn không thể khác được khi phải thể hiện các điệu: Hừ la, la rằng, la bạn, giọng vặt, giọng kết, giọng giã, hát đối, hát canh, hay “vang, rền, nền, nảy”...
Trước đây, có một số nhà nghiên cứu từng đi tìm nghĩa ngữ để giải thích cho hai từ “quan họ”. Người thì bảo rằng, quan họ là tiếng hát làm quan quân khi nghe thấy cũng phải dừng lại (họ lại), có nơi thì quan niệm, đó là tiếng hát kết chạ, kết nghĩa họ hàng giữa hai làng.
Lại có người nói, “quan họ là họ nhà quan”, nghĩa là tiếng hát ấy chỉ dành cho giới quý tộc, những người làm quan trong triều đình phong kiến xưa kia... Thậm chí, có nhà nghiên cứu dày công đi tìm nguồn gốc của loại hình dân ca ấy những đến giờ vẫn chưa có một lời giải thoả đáng.
Về vấn đề này, PGS. TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hoá, Nghệ thuật Việt Nam từng phát biểu trong một tham luận của mình rằng: Có lẽ cách hiểu phạm vi không gian “hẹp” trong cụm từ “Quan họ Bắc Ninh” tương ứng với địa phận tỉnh Bắc Ninh là một trong những nguyên nhân khiến các nhà sưu tâm, nghiên cứu quan họ chỉ dừng lại và chủ yếu tập trung tìm hiểu các làng quan họ phía Nam sông Cầu.
Ông cho rằng, chắc chắn quan họ vốn không bó hẹp trong phạm vi của 49 làng. Bằng chứng là sau hơn 2 tháng điền dã, đoàn đã ghi âm được khoảng 50 bài quan họ cổ chưa từng được công bố trước đó (ở Bắc sông Cầu).
Sức lan toả ngàn đời
Nhạc sĩ tài hoa Phó Đức Phương từng viết: “Trên quê hương quan họ, một làn nắng cũng mang điệu dân ca”. Đúng thế, có hòa mình vào những canh hát quan họ ở Kinh Bắc mới cảm nhận, thấm thía mạch nguồn của dòng chạy văn hóa quan họ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Hàng loạt các làng quan họ thuộc Bắc sông Cầu có tục kết chạ với các làng quan họ thuộc tỉnh Bắc Ninh (Nam sông Cầu): Làng Thổ Hà kết chạ với làng Diềm; làng Trung Đồng kết chạ với Thượng Đồng và Hạ Đồng; làng Nội Ninh kết chạ với làng Hàn, Diềm; làng Mai Vũ kết chạ với Chấp Bút; làng Hữu Nghi kết chạ với Cao Lôi; làng Tiên Lát kết chạ với Bịu Sim…
Chính nhờ mối kết chạ này, các nghệ nhân quan họ từ hai phía có sự gắn bó, giao lưu và sáng tạo trong sinh hoạt văn hoá. Dân ca ấy đã từ làng bước ra thế giới để trở thành di sản của nhân loại. Bao đời nay, nó đã và đang được các liền anh, liền chị đôi bờ nuôi dưỡng, chắt chiu gìn giữ và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho đến hôm nay.
CLB Văn hóa quan họ tỉnh Bắc Giang quy tụ được đông đảo lớp người trung niên, cao tuổi đam mê truyền dạy di sản... Điều này thêm khẳng định những giá trị văn hóa độc đáo của dân ca quan họ có sức hấp dẫn và lan tỏa mạnh mẽ, trở thành nhu cầu tự thân trong cộng đồng. Quan họ Bắc sông Cầu cũng có những nghệ nhân, nghệ sĩ vinh dự được mời tham gia biểu diễn tại các nước châu Âu nhằm giới thiệu, quảng bá di sản tới bạn bè thế giới.
Đặc biệt, năm 2012 nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) tổ chức tại Paris (Pháp) với phần trình diễn văn hóa phi vật thể của hơn 160 quốc gia, đại diện cho đoàn Việt Nam - cặp hát Phú Hiệp - Đăng Nam (làng Thổ Hà) đã được mời biểu diễn.
Tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chương trình bảo tồn như: Nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu quan họ cổ, mở lớp truyền dạy, hỗ trợ thành lập các CLB, hỗ trợ tăng âm loa đài, xây dựng nhà văn hóa - nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ… Không chỉ những làng quan họ gốc, phong trào hát quan họ đã phát triển rộng khắp hầu hết các thôn, làng trong toàn tỉnh.
Người dân hát ở nhiều nơi như hội làng, hội diễn, đám cưới, mừng thọ, lễ kỷ niệm… Một trong những điểm nhấn trong bảo tồn quan họ là duy trì Liên hoan hát quan họ được duy trì hàng chục năm qua tại lễ hội Bổ Đà. Đồng thời góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng với UNESCO trong việc bảo tồn, phát huy có hiệu quả dân ca quan họ.
Mỗi mùa xuân về, câu quan họ xứ Kinh Bắc lại thắp lên những ngọn lửa tình yêu, sưởi ấm những trái tim đa cảm. Và dẫu rằng quan họ phải “rẽ phượng chia loan”, phải Bắc – Nam tách biệt nhưng tình yêu với di sản của người dân Bắc sông Cầu vẫn chưa bao giờ nguội nhạt.