Tại cuộc họp đầu tiên với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Trump đồng ý với giải pháp hai nhà nước và một quốc gia. Ông chấp nhận phương án, theo đó, cả hai bên của cuộc xung đột đều hài lòng. Tuyên bố của Trump, theo các chuyên gia sẽ làm phức tạp hơn trong việc tìm kiếm công thức hòa bình.
Phủ nhận chính sách “hai quốc gia”
Trên thực tế, trách nhiệm hỗ trợ giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine thông qua sự hình thành hai quốc gia từ lâu đã là trụ cột của chính sách Mỹ ở Trung Đông.
Tuy nhiên, ông Trump từ chối chính sách này. Một hoặc hai nhà nước không quan trọng. Ông thích điều mà cả người Israel và người Palestine đều thích. “Tôi có thể sống với bất kỳ quyết định nào” - Donald Trump khẳng định.
Trump hứa sẽ nỗ lực để đảm bảo rằng Israel và Palestine sẽ ký một thỏa thuận hòa bình, nhưng đòi hỏi họ phải đồng ý với một thỏa hiệp. Vì vậy, để xác định điều kiện cuối cùng, họ phải tự quyết định.
Buổi họp báo chung của Trump và Netanyahu được tổ chức tại Washington vào đêm trước cuộc đàm phán. Tuy nhiên, những tuyên bố của Donald Trump khiến không chỉ cộng đồng quốc tế mà cả các vị khách được phen bối rối.
Người đứng đầu chính quyền Mỹ nói với Netanyahu: “Tôi muốn bạn ngừng mở rộng các khu định cư”. Chia sẻ với báo giới, Thủ tướng Israel chỉ nói một câu gọn lỏn: Sửng sốt!
Điều làm các nhà phân tích ngạc nhiên rằng quan điểm về khu định cư Do Thái của ông Trump đi ngược lại với những tuyên bố của ông hồi vận động tranh cử. Netanyahu cho rằng các khu định cư Do Thái “không phải là nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột”.
Ông Netanyahu không cam kết giảm thiểu việc xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây, nhưng sau đó nói với các phóng viên rằng ông hy vọng sẽ đạt được một sự hiểu biết với Trump về vấn đề này.
Donald Trump kêu gọi người Palestine công nhận Israel là một nhà nước Do Thái và ngừng chống lại Israel. Tổng thống Mỹ hứa sẽ thúc đẩy hòa bình, tìm ra giải pháp tốt nhất cho việc giải quyết xung đột. Tuy nhiên, ông không đề cập đến sự mất lòng tin sâu sắc giữa các bên và những trở ngại khác.
Dư luận phản ứng trước những tuyên bố của Donald Trump
Tuyên bố của Donald Trump gây ra phản ứng tiêu cực trong phần lớn cộng đồng thế giới. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres lên tiếng chống lại việc bác bỏ ý tưởng hai quốc gia và nhấn mạnh rằng không thể có giải pháp khác thay thế cho nó. Nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố rằng ông vẫn cam kết ủng hộ giải pháp hai nhà nước và luật pháp quốc tế.
Martin Indyk, cộng tác viên của Viện Brookings ở Washington và là nhà đàm phán về Trung Đông dưới thời chính quyền Obama đã mô tả sự từ chối một nhà nước Palestine độc lập không khác gì “thêm một cái đinh đóng vào quan tài của tiến trình hòa bình, trong khi trong quan tài đã đầy đinh”.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia về Trung Đông của Nga, bà Irina Mokhova nói: “Từ chối nguyên tắc hai quốc gia cho đến nay vẫn chỉ là lời nói, cũng như việc Trump bày tỏ mong muốn di chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem. Qua đó, Trump đã gửi một tín hiệu cho Israel rằng Mỹ không can thiệp tích cực vào chính sách di dân của Israel.
Điều này sẽ được Israel coi như sự hỗ trợ gián tiếp để tiếp tục bỏ qua Nghị quyết 2334 về chấm dứt các hoạt động định cư, được thông qua vào tháng 12/2016 của Hội đồng Bảo an LHQ”.
Trong số những người tiền nhiệm của Donald Trump, không ít Tổng thống đã cố gắng nhưng thất bại trong việc đảm bảo một thỏa thuận hòa bình cho Palestine và Israel.
Theo Reuters, nếu Donald Trump từ chối mong muốn của người Palestine trong việc thành lập nhà nước riêng của họ sẽ khiến họ tức giận và không quay trở lại bàn đàm phán.