Quân đội Australia chia lửa chống khủng bố

GD&TĐ - Trước nguy cơ khủng bố gia tăng, chính phủ Australia đã sửa đổi luật để quân đội gánh thêm sứ mệnh chống khủng bố. Tuy nhiên, chính sách này cũng đặt ra mối băn khoăn về việc quân đội mất tập trung vào nhiệm vụ chính là bảo vệ an ninh lãnh thổ, trong khi đó không khai thác được hết sức mạnh của lực lượng cảnh sát…

Quân đội Australia chia lửa chống khủng bố

Quân đội gánh vác vai trò mới

Theo luật sửa đổi mới được Thủ tướng Malcolm Turnbull công bố, quân đội Australia sẽ được điều động đối phó với những vụ khủng bố trong nước. Chính quyền bang và lãnh thổ có thể yêu cầu quân đội trợ giúp bất cứ khi nào xuất hiện “tình huống khủng bố”.

Trước đây, quân đội chỉ được điều động trong trường hợp cảnh sát thừa nhận không thể xử lí được tình huống khủng bố.

Thủ tướng Turnbull cho biết, việc sửa đổi chính sách chống khủng bố nội địa là nhằm “đón đầu mối đe dọa khủng bố gia tăng” và “bảo đảm có sự phối hợp và hợp nhất đối phó với khủng bố”.

Andrew Greene, phóng viên chuyên trách về an ninh nội địa và quốc phòng của hãng thông tấn ABC phân tích: “Những sửa đổi này thực sự mang tính cải cách vai trò của Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF) trong hơn 1 thập kỉ qua đối phó với những tình huống an ninh nội địa”.

Việc cải cách an ninh ở Australia diễn ra sau một loạt vụ tấn công, vốn làm tăng thêm lo ngại về nguy cơ xảy ra các sự vụ do các chiến binh thánh chiến trở về từ Trung Đông thực hiện. Cảnh sát chống khủng bố đã ngăn chặn 12 vụ tấn công khủng bố trong vài năm qua. Tuy nhiên, một số vụ tấn công lẻ tẻ vẫn xảy ra, trong đó có vụ khủng bố và bắt cóc con tin ở quán cà phê Lindt Chocolat tại trung tâm thành phố Sydney năm 2014, làm 2 con tin thiệt mạng.

Mờ nhạt vai trò cảnh sát

Tuy nhiên chính sách mở rộng vai trò quân đội tham gia chống khủng bố của chính phủ Australia khiến nhiều chuyên gia quân sự băn khoăn và hoài nghi về tính hiệu quả.

Trong 25 năm qua, ADF đã có nhiều thay đổi trong phân bổ địa lí căn cứ cũng như nhân sự. Phần lớn quân đội được chuyển lên phía Bắc nơi tập trung khu vực huấn luyện. Vì vậy mà hiện tại, nhiều thành phố lớn cũng không có sự hiện diện của các binh sĩ ADF.

Thậm chí các đơn vị đặc nhiệm quân đội (TAG) cũng chỉ đóng quân tại Sydney và Perth. Đặt giả thuyết cần điều gấp một đơn vị TAG tới Melbourn hay Brisbane cũng mất vài giờ đồng hồ.

Trong khi đó hoạt động khủng bố hiện nay vô cùng bài bản và chớp nhoáng. Thực tế các vụ tấn công khủng bố tại các quốc gia phương Tây thời gian vừa qua diễn ra trong thời gian chớp nhoáng, dữ dội và cơ động. Nếu như với vụ tấn công quán cà phê ở Sydney năm 2014, việc cầm giữ con tin diễn ra trong thời gian dài, thì việc điều động ADF là phù hợp – nhưng những năm gần đây sách lược của khủng bố đã thay đổi với kiểu tấn công bất ngờ chớp nhoáng và gây thương vong lớn ngay lập tức như lao xe vào người đi bộ hay xả súng vào đám đông…

Nhiều ý kiến cũng lo ngại khi quân đội phải chia sẻ trách nhiệm bảo vệ an ninh nội địa sẽ dẫn tới sao lãng nhiệm vụ chính là bảo vệ lãnh thổ và tham gia bảo đảm an ninh khu vực và quốc tế. Theo ý kiến một số chuyên gia về an ninh nội địa thì điều cần làm là tăng năng lực đối phó với khủng bố của lực lượng cảnh sát. Cảnh sát cần được trang bị và đào tạo sử dụng súng hiện đại hơn; đặc biệt cần được huấn luyện đối phó với những cách thức khủng bố phổ biến, cụ thể như ngăn chặn xe cộ được khủng bố sử dụng làm vũ khí…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.