Thành phố thủ phủ của quần đảo là Longyearbyen hiện là nhà của các công dân đến từ hơn 50 nước khác nhau.
Những ngọn núi phủ tuyết trắng xóa là hình ảnh đầu tiên mà du khách nhìn thấy từ cửa sổ máy bay khi họ tới thăm Svalbard. Vùng đất lạnh giá này một năm chia thành hai nửa trái ngược, trong đó 6 tháng chỉ có ban ngày với Mặt trời rọi sáng giữa nửa đêm và 6 tháng chìm trong bóng tối với Bắc Cực quang huyền ảo thường xuất hiện.
Quần đảo Svalbard nằm cách đất liền Na Uy 800 km về phía Bắc và nằm giữa vùng biển Bắc Bắc Dương. Nơi này sở hữu hàng loạt những thứ độc nhất vô nhị như khu định cư xa nhất về phía Bắc Trái đất, nơi có nhà máy bia, nhà thời và trường đại học nằm ở nơi hẻo lánh nhất hành tinh và là một trong số rất ít những nơi mà bất cứ ai cũng có thể đến sinh sống tự do. Theo quy định của Na Uy, công dân mọi quốc gia đều được chào đón tới định cư tại Svalbard mà không cần thị thực miễn là họ có một công việc và một nơi để ở tại đây.
Theo truyền thuyết, những người đầu tiên đặt chân lên khám phá Svalvard là bộ tộc Vikinh vào khoảng năm 1200. Tuy nhiên, các nhà thám hiểm Hà Lan là những người đầu tiên ghi chép về chuyến đi tới quần đảo này khi họ đang cố tìm một con đường tới Trung Quốc từ phía Đông Bắc vào năm 1596. Những thế kỷ sau đó, các thợ săn cá voi và hải tượng từ Anh, Đan Mạch, Pháp, Na Uy, Thụy Điển và Nga bắt đầu kéo tới đây nhiều hơn.
Năm 1906, doanh nhân người Mỹ John Munro Longyear khai thác mỏ than đá đầu tiên trên quần đảo và biến nó thành ngành công nghiệp chính của Svalbard trong suốt thế kỷ 20. Ngày nay, việc khai mỏ đã chấm dứt và hoạt động chính của quần đảo hiện là du lịch và nghiên cứu về môi trường, hệ sinh thái.
Từ khi có người tới định cư cho đến năm 1920, quần đảo Svalbard gần như phát triển tự do mà không chịu sự quản lý của chính phủ nào. Sau Thế chiến Thứ nhất, một hiệp ước được 9 nước ký kết đã trao chủ quyền vùng đất này cho Na Uy. Ngày nay đã có 46 nước ký vào thỏa thuận xác lập chủ quyền này, trong đó quy định rõ không được sử dụng quần đảo vào mục đích quân sự và Na Uy có trách nhiệm bảo tồn môi trường tự nhiên tại đây.
Điều khoản trong hiệp ước tạo ra sự độc nhất vô nhị cho Svalbard, quy định không có sự phân biệt giữa người Na Uy và các công dân khác sinh sống tại đây. Trong số các khu vực có người ở, thủ phủ Longyearbyen là nơi đa phần mọi người chọn sinh sống khi tới Svalbard với dân số 2.400 người. Giữa các khu dân cư không có con đường nào kết nối, mọi người buộc phải di chuyển bằng phương tiện tàu thuyền vào mùa hè và xe trượt tuyết vào mùa đông.
Khi ra ngoài xa nơi dân cư, người Svalbard thường mang theo một khẩu súng săn để phòng đối mặt với gấu bắc cực vì số lượng loài này còn nhiều hơn số dân, với khoảng 3.000 con so với 2.926 dân toàn quần đảo. Dù ai cũng có thể tới Svalbard sinh sống nhưng nơi này thực sự không thích hợp cho việc sinh đẻ hay qua đời. Lý do là không có bệnh viện phụ sản nào trên quần đảo và khi có ai qua đời thì chính quyền sẽ yêu cầu chuyển thi thể về đất liền Na Uy chôn cất.
Việc an táng trên đảo bị cấm kể từ những năm 1950 do nơi này có nền đất đóng băng vĩnh cửu quanh năm khiến thi thể không thể phân hủy. Nhưng chính điều kiện lạnh giá với nhiệt độ cao nhất vào mùa hè chỉ 7 độ C, Svalbard trở thành nơi lý tưởng để xây dựng hầm lưu trữ hạt giống toàn cầu. Căn hầm nằm cách thành phố Longyearbyen 3km này ra đời năm 2008, đang lưu giữ hơn 980.000 hạt giống được gửi tới từ khắp nơi trên thế giới nhằm bảo đảm loài người luôn có hạt giống dự trữ sau bất cứ thảm họa nào.
Tuy có nhiệt độ lạnh giá quanh năm, quần đảo Svalbard cũng chịu chung tình trạng của vùng Bắc Cực khi đang phải đối mặt với tình trạng ấm lên toàn cầu. Nhiệt độ trung bình tại nơi này đã tăng tới 4 độ C so với năm 1971, cao gấp 5 lần so với những nơi khác trên Trái đất. Hiện sau nhiều tuần đóng cửa hoàn toàn với bên ngoài để phòng dịch Covid-19, chính phủ Na Uy sẽ cho mở cửa trở lại quần đảo Svalbard cho du khách đến thăm kể từ ngày 1/6/2020.