Quan chức Mỹ tin rằng Israel sẽ không bao giờ tiêu diệt được Hamas

GD&TĐ -Các quan chức an ninh Mỹ tin rằng Hamas bị thiệt hại nặng nề do các cuộc tấn công của Israel nhưng Tel Aviv sẽ không bao giờ tiêu diệt được.

Binh lính Israel hoạt động tại Rafah, phía Nam Dải Gaza, vào ngày 22 tháng 7 năm 2024.
Binh lính Israel hoạt động tại Rafah, phía Nam Dải Gaza, vào ngày 22 tháng 7 năm 2024.

Sputnik đưa tin, ngày càng nhiều quan chức an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh rằng mặc dù Hamas đã bị thiệt hại nặng nề do các cuộc tấn công của quân đội Israel nhưng Tel Aviv "sẽ không bao giờ có thể tiêu diệt hoàn toàn nhóm này".

Các nguồn tin cũng lập luận rằng các cuộc ném bom liên tục của Lực lượng Phòng vệ Israel chỉ làm tăng thêm rủi ro cho dân thường Gaza trong khi khả năng làm suy yếu Hamas đã giảm đi.

Tướng Joseph L. Votel, cựu giám đốc CENTCOM của Mỹ nói với New York Times rằng: "Israel đã có thể phá vỡ Hamas, giết chết một số thủ lĩnh của họ và giảm đáng kể mối đe dọa đối với Israel vốn tồn tại trước ngày 7 tháng 10". Ông cũng cho rằng, Hamas "đã giảm sút”.

Ralph Goff, cựu quan chức cấp cao của CIA từng phục vụ ở Trung Đông, nói với tờ Times rằng: "Hamas phần lớn đã bị suy yếu nhưng chưa bị xóa sổ, và Israel có thể sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu tiêu diệt hoàn toàn Hamas".

Những quan chức Mỹ và phóng viên, biên tập viên chiến trường nổi tiếng tham gia vào bài báo của tờ Times cho rằng, Hamas đã phải chịu một đòn giáng mạnh khi Israel xâm chiếm thành phố Rafah, cực nam của Dải Gaza vào tháng 5, phong tỏa tuyến đường buôn vũ khí chính của nhóm này.

Đến nay, Hamas đang bị cản trở đến mức phải nhượng lại quyền kiểm soát dân sự đối với Gaza sau lệnh ngừng bắn theo thỏa thuận.

Các quan chức Mỹ tin rằng, Hamas sẵn sàng làm như vậy trong bao lâu tùy thuộc vào diễn biến của các sự kiện và những gì Israel nhượng bộ. Các quan chức Mỹ và phương Tây khác cho biết những gì xảy ra sau Hamas vẫn là "ẩn số lớn nhất đối với cả Israel và người Palestine".

Các nhà phân tích được tờ Times trích dẫn mô tả chiến lược của Israel chống lại những gì còn sót lại của Hamas như một trò chơi “Đập chuột chũi”. Các quan chức Mỹ tỏ ra nghi ngờ rằng chiến lược này sẽ không đạt được nhiều thành quả. Thực tế là Hama đã bám vào chiến lược sinh tồn kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Dana Stroul, cựu quan chức chính sách Trung Đông hàng đầu tại Lầu Năm Góc nói: "Hamas là một tổ chức khủng bố — đối với họ, chỉ cần sống sót là chiến thắng. Họ sẽ tiếp tục tái lập và xuất hiện sau khi IDF tuyên bố đã giải tỏa một khu vực không có kế hoạch tiếp theo về an ninh và quản lý ở Gaza.”

Đánh giá của các quan chức Mỹ dường như đồng tình với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, người đầu tuần này được cho là đã gọi lời phát biểu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu về "chiến thắng hoàn toàn" trước Hamas là "vô nghĩa".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã trao đổi với người đồng cấp Israel Gallant đầu tuần này về mối đe dọa từ Iran và Hezbollah, ủng hộ quan điểm rằng một thỏa thuận sẽ vì lợi ích tốt nhất của Israel.

Những tuyên bố này được đưa ra sau khi Hamas tuyên bố sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán gián tiếp về lệnh ngừng bắn ở Gaza và thỏa thuận thả con tin dự kiến sẽ được nối lại tại Doha, Qatar vào ngày 15 tháng 8.

Nhóm Palestine tuyên bố rõ ràng rằng họ muốn có lộ trình thực hiện thỏa thuận và sẽ "không tham gia đàm phán chỉ vì mục đích đàm phán để tạo cớ cho Israel tiếp tục chiến tranh."

Mỹ, Qatar và Ai Cập đã thúc giục Israel và Hamas nối lại các cuộc thảo luận khẩn cấp để "thu hẹp mọi khoảng cách còn lại" và bắt đầu thực hiện thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza mà không "trì hoãn thêm nữa".

Thành viên văn phòng chính trị Hamas Husam Badran trong một phỏng vấn với Sputnik ngày 15/8 khẳng định, phong trào Hamas của Palestine không từ chối đàm phán với Israel, nhưng yêu cầu ngừng bắn hoàn toàn ở Dải Gaza.

Bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải dựa trên một kế hoạch rõ ràng về cách thực hiện các hành động đã thỏa thuận, quan chức Hamas này cho biết. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng Israel sẽ cản trở các cuộc đàm phán để có thể tiếp tục các hành động quân sự trong vùng đất này.

"Phong trào này tin rằng rào cản thực sự đối với lệnh ngừng bắn là việc Israel liên tục né tránh và sự ủng hộ vô điều kiện của chính quyền Mỹ dành cho lệnh ngừng bắn, vì điều này gắn liền với lập trường của [Thủ tướng Israel Benjamin] Netanyahu" - ông Badran khẳng định.

Vị quan chức này cho biết thêm, Hamas đã nhiều lần phản hồi các sáng kiến ngừng bắn quốc tế, bao gồm đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

"Tuy nhiên, lực lượng chiếm đóng [Israel] vẫn tiếp tục từ chối đưa ra một thỏa thuận cụ thể và khăng khăng tiếp tục các tội ác của mình ở Dải Gaza, phớt lờ mọi lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh... Bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm lệnh ngừng bắn hoàn toàn, rút quân hoàn toàn khỏi Dải Gaza, trả lại những người phải di dời và tái thiết, cũng như trao đổi tù nhân", ông Badran khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ