Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ về Kinh tế Quốc tế Daleep Singh mới đây cho biết, các thành viên G7 không có sự đồng thuận về cách giải quyết các tài sản bị đóng băng của Nga, RT đưa tin.
Mỹ muốn tịch thu các quỹ nhà nước bị đóng băng của Nga và giao chúng cho Ukraine, nhưng đối với một số quốc gia thành viên G7, đó là “ranh giới đỏ”.
Washington và các đồng minh đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của Moscow vào tháng 2 năm 2022. Quốc hội Mỹ gần đây đã trao cho Tổng thống Joe Biden quyền tịch thu hoàn toàn số tiền đó.
“Đó sẽ là lựa chọn hiệu quả và mạnh mẽ nhất cho tất cả chúng ta trong G7" - ông Singh nói khi phát biểu tại một sự kiện do Viện nghiên cứu Brookings tổ chức hôm 28/5.
"Việc nắm giữ số tiền gốc là ranh giới đỏ đối với nhiều đối tác G7 của chúng tôi" - ông Singh nói.
Vị quan chức Mỹ cho biết: "Dù sử dụng lý thuyết về các biện pháp trừng phạt hay lý thuyết pháp lý về 'bù đắp' - trong đó Ukraine thiết lập yêu cầu bồi thường, chuyển nó sang phần tài sản của Nga được nắm giữ tại các quốc gia G7, chúng tôi ứng trước số tiền đó như một trách nhiệm tập thể do Nga thực hiện - thì chúng tôi cũng không có sự đồng thuận ở G7."
Ông Singh cũng cho hay Mỹ thúc đẩy khoản trích ra 50 tỷ USD cho Ukraine từ tài sản bị đóng băng của Nga song điều này cũng không được các thành viên thuộc Liên minh EU ủng hộ.
“Nếu chúng ta có cách hành động đoàn kết, tốc độ và ở quy mô đáng kể – mà tôi định nghĩa là ít nhất 50 tỷ USD – thì đó là điều cần phải làm” - ông Singh nhận định.
Vị Phó cố vấn nói rằng, phương Tây không thể ngồi yên chờ đợi vì Ukraine đang ở trong tình thế “nghiêm trọng” trên chiến trường.
Nhà Trắng hy vọng điều này sẽ xảy ra tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Ý, không chỉ để tài trợ cho Ukraine mà còn gửi “một tín hiệu tới Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng chúng tôi sẽ không mệt mỏi, bất kể điều gì xảy ra trong thời gian còn lại của năm.”
Đầu tháng 5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bà có kế hoạch thúc giục G7 đối tác cùng nhau tìm cách giải phóng giá trị tài sản thuộc chủ quyền của Nga vì lợi ích của Ukraine. Vấn đề này dự kiến sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở vùng Apulia của Ý từ ngày 13-15/6.
Ngoài Mỹ, G7 còn có Canada, Pháp, Ý, Nhật Bản, Anh và EU. Hơn 80% tài sản bị phong tỏa của Nga do EU nắm giữ, EU không muốn để cơ quan thanh toán bù trừ của mình phải chịu sự trả đũa của Moscow.
Ước tính khoảng 300 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga đang bị đóng băng trong các tài khoản phương Tây. Nga đã cam kết sẽ đáp trả tương xứng với bất kỳ hành vi “ăn trộm” nào từ phương Tây.
Điện Kremlin khẳng định bất kỳ nỗ lực nào nhằm tịch thu tài sản của Nga đều vi phạm luật pháp quốc tế.