Quan chức LHQ nêu nguyên nhân phát sinh khủng bố

GD&TĐ - Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ tại Tây Phi và Sahel, ông Leonardo Santos Simao đã nêu vấn đề phát sinh ra khủng bố.

Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ tại Tây Phi và Sahel Leonardo Santos Simao.
Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ tại Tây Phi và Sahel Leonardo Santos Simao.

Trong một cuộc phỏng vấn với TASS, ông Leonardo Santos Simao cho rằng nghèo đói và thiếu các nguồn tài nguyên như nước đã sinh ra khủng bố ở nhiều quốc gia.

Ông nhấn mạnh rằng việc chống đói nghèo là điều cần thiết để các nỗ lực chống khủng bố đạt hiệu quả.

“Tất cả các điều kiện cần thiết để chống đói nghèo phải kết hợp với nhau, kết hợp ở mỗi quốc gia đó, để cải thiện điều kiện sống của người dân. Khi đó, khủng bố sẽ không có mảnh đất màu mỡ để tuyển người” – ông cho hay.

Ông cũng lưu ý biến đổi khí hậu là một lý do khác khiến con người phải cầm súng vì nó gây ra tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu như nước.

"Nước là vấn đề trọng yếu. Do đó, việc nguồn nước bị thu hẹp và chính phủ thiếu khả năng cung cấp nước cũng làm trầm trọng thêm xung đột trong cộng đồng” – ông Simao nói.

Theo ông Simao, cộng đồng không có nước phải tới các cộng đồng khác để lấy nước. Điều này tạo ra xung đột.

Ông cho biết việc có được vũ khí ở Sahel khá dễ dàng và cộng đồng địa phương đang trang bị vũ khí để bảo vệ lợi ích của họ trong cuộc chiến giành tài nguyên.

Người chăn nuôi đi cùng gia súc của họ. Vì vậy, vào thời điểm này trong năm, họ ở nơi này, thời điểm khác họ đến nơi khác để tìm đồng cỏ và nước.

Do đó, nơi nào khan hiếm nước cũng có xung đột giữa nông dân và người chăn nuôi. Tất cả những điều này cùng nhau tạo điều kiện cho khủng bố - ông nói thêm.

Ngoài ra, theo ông Simao, nghèo đói là nguyên nhân của một số cuộc đảo chính quân sự ở các nước trong khu vực trong những năm gần đây.

Ông giải thích, sự bất mãn lan rộng trong người dân về tình trạng thiếu tiến bộ kinh tế và xã hội. Rất ít quốc gia có thể cung cấp các dịch vụ cơ bản cho toàn bộ người dân trên lãnh thổ, như nước uống sạch, chăm sóc sức khỏe và giáo dục cơ bản.

Hết cuộc bầu cử này đến cuộc bầu cử khác nhưng tình hình không thay đổi. Điều này không chỉ tạo ra sự bất mãn mà còn tạo ra sự thù địch giữa người dân và chính phủ của họ.

Trong bối cảnh này, ông lưu ý rằng người dân địa phương thường cảm thấy rằng chính phủ của họ chưa làm đủ để giải quyết vấn đề.

Họ thấy mình bị chính phủ bỏ rơi và dẫn đến nghèo đói. Vì vậy, nghèo đói là một trong những nguyên nhân sâu xa của điều này. Nghèo đói cũng liên quan đến sự hoạt động sai chức năng của các thể chế, các tổ chức nhà nước.

Theo TASS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ