Quan chức Đức thừa nhận buồn về kỷ nguyên năng lượng giá rẻ

GD&TĐ - Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức thông tin, kỷ nguyên năng lượng giá rẻ ở nước này đã qua, không thể phục hồi như khi Nga cung cấp.

Giám đốc Cơ quan Mạng lưới Liên bang, Klaus Mueller.
Giám đốc Cơ quan Mạng lưới Liên bang, Klaus Mueller.

Người đứng đầu Cơ quan Mạng lưới Liên bang, Klaus Mueller trong cuộc phỏng vấn mới đây đã thừa nhận, giá năng lượng sẽ còn tăng cao trong bối cảnh các nguồn cung giá rẻ đã hạn chế.

Ông Klaus Mueller nói trong một cuộc phỏng vấn với Rheinische Post: “Kỷ nguyên năng lượng giá rẻ đã qua!"

Như vậy, các hộ gia đình ở Đức sẽ tiếp tục phải vật lộn với chi phí điện và sưởi ấm cao trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Ông cho biết, mặc dù giá điện bán buôn đã “giảm đáng kể” so với năm 2022, nhưng mức giá vẫn cao hơn so với trước khi bắt đầu xung đột Ukraine và nói thêm rằng “sẽ không có gì thay đổi trong tương lai gần”.

Người đứng đầu Cơ quan quản lý năng lượng Đức lưu ý rằng, một hộ gia đình trung bình 4 người sẽ phải trả thêm 120 euro (133 USD) mỗi năm do quyết định của chính phủ loại bỏ khoản trợ cấp 5,5 tỷ euro cho ngành năng lượng.

Ông Mueller dự đoán rằng các nhà khai thác mạng lưới năng lượng sẽ chuyển mức tăng giá sang cho khách hàng: “Sớm hay muộn, chi phí sẽ đến tay tất cả người tiêu dùng”.

Các nhà khai thác hệ thống truyền tải của Đức được cho là đã thông báo vào giữa tháng 12 rằng phí lưới điện sẽ tăng từ 3,12 cent/kWh vào năm 2023 lên 6,43 cent vào năm tới.

Đức, quốc gia phụ thuộc 40% nhu cầu khí đốt của Nga trước năm 2022, là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do việc Nga cắt giảm nguồn cung năng lượng vào năm ngoái.

Việc giao khí đốt đã bị hạn chế đáng kể và bị dừng hoàn toàn sau khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow để phản đối cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như vụ việc đường ống Dòng chảy phương Bắc cung cấp khí đốt của Nga đến Đức bị nổ tung một cách bí ẩn.

Trong tuyên bố mới đây, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết rằng doanh số bán dầu của Nga sang EU đã giảm xuống còn 1/10 so với mức trước đây do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tính đến cuối năm 2023, tỷ trọng dầu thô giao cho khối trong tổng xuất khẩu của Moscow đã giảm từ 40-45% trước xung đột Ukraine xuống còn 4-5% hiện nay. Thị phần của châu Âu trong xuất khẩu dầu thô của Nga đã giảm 90% trong hai năm qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ