'Quả ngọt' từ mầm xanh

GD&TĐ - Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, những người lính biên phòng còn đồng hành giúp đỡ học sinh nghèo, khuyến học.

Những người lính Biên phòng tại lớp học tình thương thị trấn Bến Lức luôn nỗ lực để học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Những người lính Biên phòng tại lớp học tình thương thị trấn Bến Lức luôn nỗ lực để học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, những người lính biên phòng còn thực hiện hiệu quả các chương trình, mô hình giúp đỡ học sinh nghèo, khuyến học. Những việc làm ý nghĩa đó đã kịp thời giúp cho nhiều trẻ em tiếp tục được tới trường thực hiện ước mơ của mình.

Lớp học tình thương bên sông Vàm Cỏ

Tiết học của trẻ tại lớp học tình thương thị trấn Bến Lức.

Tiết học của trẻ tại lớp học tình thương thị trấn Bến Lức.

Ngoài truyền thụ kiến thức, chúng tôi còn trang bị cho các em kỹ năng sống, giáo dục các em không sa vào các tệ nạn, góp phần phòng, chống trẻ vi phạm pháp luật. Sau một thời gian đến lớp tình thương, học sinh không chỉ biết đọc, biết viết, mà còn ứng xử rất lễ phép với bố mẹ, người lớn. Nhờ đó mà gia đình các em luôn tạo điều kiện để con mình theo học tại lớp đầy đủ. Đại úy Trần Văn Cảnh

Gần 3 năm nay, với sự quan tâm của chính quyền thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức (Long An), cùng sự đồng hành hỗ trợ của những người lính biên phòng, lớp học tình thương của trẻ em nghèo tại thị trấn Bến Lức đã chuyển từ khu nhà trọ Duy Quý đến địa điểm mới.

Điểm trường mới này trước đây là trạm y tế thị trấn Bến Lức nhưng đã được cải tạo lại thành 4 phòng học và 1 phòng đọc sách với thiết kế khang trang, thoáng mát.

Ngược lại khoảng thời gian cách đây hơn 10 năm, thời điểm đó nhiều người dân từ các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu,... về thị trấn Bến Lức tạm trú và mưu sinh bằng nghề bán vé số, buôn bán nhỏ, làm thuê hay làm công nhân ở các công ty.

Nhiều em nhỏ cũng theo bố mẹ đến sinh sống tại đây. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh nên nhiều em không được đến trường học như những người bạn cùng trang lứa.

Thấu hiểu sự vất vả đó, năm 2012, ông Nguyễn Văn Lới, chủ một nhà trọ tại khu phố 8, thị trấn Bến Lức thành lập lớp học tình thương để giúp những đứa trẻ nghèo tìm đến con chữ, phép tính. Đến năm 2013, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức đã phối hợp tham gia giảng dạy tại lớp học tình thương này.

Theo chia sẻ của Đại úy Trần Văn Cảnh, cán bộ đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức, người phụ trách lớp học từ năm 2017 đến nay, những năm gần đây phụ huynh biết đến và đăng ký cho con học tại lớp học tình thương ngày càng đông. Từ 7 học sinh thủa mới thành lập lớp, đến nay đã gần 90 em theo học.

Để học sinh theo kịp với chương trình cấp tiểu học, lớp học chia làm 2 ca, từ 13 giờ 45 đến 16 giờ và từ 17 giờ đến 19 giờ, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Ngoài Đại úy Cảnh phụ trách lớp học còn có 2 cán bộ và 1 chiến sĩ đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức và 1 sinh viên tình nguyện tham gia giảng dạy.

Năm 2019, gia đình em Châu Chí Nguyện (sinh năm 2012) từ Bạc Liêu chuyển đến thị trấn Bến Lức sinh sống. Thu nhập chính của bố mẹ là những ngày công làm thợ hồ, nên phải rất tiết kiệm mới trang trải cuộc sống và nuôi 2 đứa con.

Bản thân Nguyện đã quá tuổi đi học, nhưng bố mẹ em lại không đủ điều kiện để con theo học ở trường công lập trên địa bàn. Đến đầu năm học 2021 - 2022, mẹ Nguyện mới đăng ký cho em học lớp 1 tại lớp học tình thương của những thầy giáo quân hàm xanh. Lúc này Nguyện đã học muộn mất 4 năm so với các bạn cùng trang lứa.

Nguyện cho biết: “Từ khi đến học tại lớp học tình thương của các chú bộ đội con vui lắm. Con có nhiều người bạn mới và đã biết đọc, biết viết. Các thầy dạy con biết yêu thương cha mẹ, lễ phép với mọi người, tránh xa thói hư, tật xấu và biết tự bảo vệ bản thân”.

Tiếp lời con trai, chị Nguyễn Thị Thu tâm sự: “May mắn có lớp học tình thương của các anh biên phòng mà cháu nhà tôi mới được đi học, biết đến con chữ phép tính. Đến nay, cháu không chỉ biết đọc, biết viết làm các phép tính mà còn rất ngoan ngoãn và lễ phép với gia đình và mọi người”.

Đại úy Trần Văn Cảnh tâm sự: “Bản thân cảm thấy vui vì từ ý nghĩa thiết thực của lớp học mà nhiều phụ huynh đã quan tâm hơn đến việc học hành của con cái mình.

Đặc biệt, các mạnh thường quân đã tham gia hỗ trợ nhiều phần quà thiết thực, anh em trong đơn vị thường xuyên trích tiền lương để mua bút, tập viết, bánh kẹo, tổ chức trò chơi cho các em sau mỗi buổi học. Có lẽ, chính từ tình cảm quý báu, thân thương đó, các em nhỏ lại có động lực để đến lớp đều đặn hơn”.

Niềm vui những ngày cuối năm học

Hội Phụ nữ bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng nhận đỡ đầu em Sơn Ngọc Mít.

Hội Phụ nữ bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng nhận đỡ đầu em Sơn Ngọc Mít.

3 năm về trước, do ở quê không có việc làm nên gia đình em Sơn Ngọc Mít (sinh năm 2015) trú tại khóm Biển Trên, Phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã lên TPHCM làm thuê.

Năm 2021 bố của Mít không may qua đời vì nhiễm Covid-19. Từ đó, cuộc sống gia đình Mít lại càng vất vả hơn. Để có tiền chăm lo cho các con, mẹ của Mít - chị Hà Thị Thanh sinh (năm 1979) phải làm thuê tại TPHCM, để lại Mít cho người anh trai (năm nay học lớp 8) chăm sóc.

Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn đó, tháng 4/2023, Hội phụ nữ bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ, giúp đỡ Mít theo chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Cũng từ đây cuộc sống của Mít được viết tiếp những trang mới khi em có thêm những người mẹ đặc biệt là cán bộ biên phòng. Từ khi được nhận đỡ đầu, ngoài được tặng sách vở, quần áo, hàng tháng Mít được hỗ trợ 300 ngàn đồng và các nhu yếu phẩm nhân dịp lễ, Tết.

Mít cho biết: “Vừa rồi cô chú biên phòng tặng nhiều quà cho con và anh trai. Mẹ con ở TPHCM cũng gọi điện bảo, từ giờ con đã có thêm những người mẹ chính là các cô bộ đội biên phòng nên con rất vui. Con sẽ nỗ lực để học tập thật giỏi”.

Khi nhắc đến sự giúp đỡ ý nghĩa này, chị Hà Thị Thanh thổ lộ: “Do đang làm ở TPHCM nên nhận tin con được các cô biên phòng nhận đỡ đầu tôi mừng lắm. Ở quê hai anh em tự chăm sóc nhau, cũng may có bà nội ở sát bên nên tôi làm thuê trên này cũng đỡ lo phần nào. Cảm ơn các cô chú biên phòng đã quan tâm giúp đỡ, nhận nuôi để cháu có cuộc sống tốt hơn, được đến trường như bạn bè cùng trang lứa”.

Theo chia sẻ của Thiếu tá Lê Thanh Nhanh, Chủ tịch Hội phụ nữ bộ đội Biên phòng Sóc Trăng, ngay khi triển khai chương trình, thấy được ý nghĩa của việc làm này nên các hội viên trong hội hưởng ứng rất nhiệt tình. Số tiền hỗ trợ hàng tháng cho cháu Mít tuy không nhiều nhưng mong rằng tình cảm đó sẽ động viên, giúp cháu vượt qua khó khăn, nỗ lực vươn lên trong học tập.

“Chúng tôi dự kiến sẽ đỡ đầu cháu đến tháng 4/2025. Chị em trong hội cũng mong thời gian tới sẽ có nhiều tổ chức, đơn vị đồng hành cùng chương trình để giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh”, Thiếu tá Nhanh cho hay.

“Quả ngọt” từ mầm xanh

Nhờ sự hỗ trợ của cán bộ đồn Biên phòng Gành Hào, Duy đã thực hiện được ước mơ vào ngôi trường quân đội.

Nhờ sự hỗ trợ của cán bộ đồn Biên phòng Gành Hào, Duy đã thực hiện được ước mơ vào ngôi trường quân đội.

Hiện tại, đơn vị đang nhận đỡ đầu 2 học sinh theo chương trình “Nâng bước em tới trường”. Ngoài ra, hàng năm, dịp khai giảng năm học mới hay tổng kết năm học, đơn vị đều trích quỹ và kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ các suất quà cho nhiều học sinh khó khăn trên địa bàn để nhằm động viên, tiếp thêm động lực để các em nỗ lực vươn lên trong học tập. Riêng với em Duy, chúng tôi luôn lấy đó là tấm gương sáng để cho các em mà đơn vị đang nhận đỡ đầu noi theo. Thượng úy Lê Nhật Tường

Năm 2016, em Phan Khánh Duy (sinh năm 2002) trú tại huyện Đông Hải (Bạc Liêu) được đồn Biên phòng Gành Hào (bộ đội Biên phòng Bạc Liêu) nhận đỡ đầu theo mô hình “Nâng bước em tới trường”.

Cũng từ đó, những người lính biên phòng như là người cha, người anh hỗ trợ Duy vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, vươn lên trong học tập. Để rồi, thành quả có được là khi Duy chính thức bước vào giảng đường đại học, tiếp tục thực hiện hoài bão của mình.

Hiện tại, Phan Khánh Duy là học viên năm cuối của Trường Sĩ quan Công binh (Bình Dương). Đối với Duy, được học tập và rèn luyện trong một ngôi trường quân đội là đích đến cho sự nỗ lực trong những năm tháng học phổ thông của mình.

Bởi, từ khi được những người lính đồn Biên phòng Gành Hào nhận đỡ đầu, Duy đã ấp ủ ước mơ sẽ trở thành một người lính Cụ Hồ để sau này có thể giúp đỡ những phần đời khó khăn như những người lính đã hỗ trợ em thuở nào. Chính từ suy nghĩ đó đã thôi thúc Duy không ngừng phấn đấu trong học tập và rèn luyện.

Duy tâm sự” “Năm em học lớp 6, bố em không may qua đời. Cuộc sống vất vả, khó khăn, có lúc em định nghỉ học để giảm bớt gánh nặng cho mẹ. Nhưng sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời của các chú biên phòng và thầy, cô giáo trong trường đã tiếp thêm động lực cho em tiếp tục đến trường.

Suốt những năm cuối cấp 2 và cấp 3, ngoài hỗ trợ tiền học hằng tháng và phương tiện đi lại để em đến trường, các chú còn thường xuyên quan tâm, động viên, cũng như bồi dưỡng kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống, giúp em đứng vững trước mọi khó khăn”.

Sự quan tâm, động viên từ thầy cô và những người lính Đồn Biên phòng Gành Hào đã tiếp thêm sức mạnh, động lực cho Duy vượt qua mọi khó khăn để đến trường, nỗ lực học tập. Nhờ đó mà học lực của Duy luôn đạt tiến bộ theo từng năm.

Năm 2019, Duy trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Công binh. Gia cảnh nghèo khó, nên khi Duy được học tập trong ngôi trường quân đội, người thân của em cũng đỡ vất vả, lo toan nhiều.

Duy bộc bạch: “Chính những tình cảm, sự quan tâm, hỗ trợ của các chú biên phòng đã tiếp thêm động lực, sức mạnh để em không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt trong quãng thời gian học tập tại Trường Sĩ quan Công binh”.

Nhắc đến Duy, Thượng úy Lê Nhật Tường, Phó Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Gành Hào, một trong những cán bộ đã luôn đồng hành cùng em suốt những năm tháng học phổ thông nhớ lại: “Nắm rõ hoàn cảnh gia đình nên ngay từ thời điểm nhận đỡ đầu, đơn vị đặc biệt quan tâm đến Duy.

Hàng tháng, ngoài số tiền hỗ trợ 500 nghìn đồng, chúng tôi còn trao tặng sách, vở và trao thêm kinh phí để em trang trải cuộc sống. Ngoài ra, mỗi khi có mạnh thường quân phối hợp với đơn vị để tặng quà cho người dân nghèo trên địa bàn, chúng tôi đều ưu tiên tặng Duy một suất”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ