Qua cơn mê

GD&TĐ - Vợ tôi vừa trở về sau một cơn say nắng. Khỏi phải nói, tôi đau đớn như con thú dữ bị thương mà không thể nào chết hẳn đi cho bớt nhục nhã được. Có là một người đàn ông coi trọng mái ấm gia đình, luôn tin tưởng vợ, đùng một cái đối diện với việc bị cắm sừng, mới thấu hiểu cảm giác mất mát và thất vọng cùng cực của tôi lúc ấy…

Qua cơn mê

Cay đắng hơn, vợ tôi bảo, thật ra cũng chẳng yêu thương gì “người ta”, chỉ vì tôi vô tâm quá, bận rộn quá, ít dành thời gian cho vợ con quá, nên cô ấy lỡ lầm, vậy thôi.

Ừ thì tôi có lỗi. Cái lỗi của một người đàn ông đã nghĩ rằng, mình có bổn phận phải quần quật kiếm tiền để lo toan cho gia đình đầy đủ. Cuộc sống bây giờ vốn đâu phải dễ dàng gì, bao nhiêu áp lực, căng thẳng khổ cực cũng chỉ mong muốn hết ngày, cuối tuần, có một tổ ấm để trở về. Lỗi của tôi cũng là đã quá chủ quan “khinh địch” chưa từng một lần cầm điện thoại của vợ kiểm tra, không hề thắc mắc vì sao vợ len lén nhắn tin tối tối, cũng không căn vặn “ra ngoài” nghĩa là đi đâu, với ai mỗi khi vợ vắng nhà với lý do như vậy.

Tôi đã ngỡ rằng, hết lòng với gia đình, tôn trọng tự do cá nhân của vợ thì mình sẽ nhận lại được những điều tốt đẹp tương xứng. Những cái “lỗi” của tôi chắc không hiếm gặp ở nhiều người đàn ông thời buổi bây giờ. Vậy một người phụ nữ như vợ tôi, liệu có là trường hợp cá biệt?

Phụ nữ bây giờ đòi hỏi, cầu toàn đến mức nào thì mới biết đủ? Cứ ngỡ, khi bản thân mình đã cố gắng, hạn chế mọi nhu cầu bản thân, đã hy sinh cho vợ con đến vậy thì sẽ nhận lại được sự trân trọng biết điều, biết nghĩ, có đâu, đáp lại là việc vợ đi tìm một nơi có thể lắng nghe, cảm thông, chia sẻ… Những hoa lá phù phiếm đó, nếu rảnh rang và vô trách nhiệm, nếu không nặng gánh áo cơm, tôi nghĩ mình cũng có thể làm được, thậm chí làm tốt là đằng khác. Lẽ nào có thể ham vui bất chấp hậu quả, đạp đổ mọi thứ không mảy may đắn đo e sợ ư?

Vợ tôi có vẻ bề ngoài cũng như công việc ở mức độ bình thường. Tôi tự hỏi, người đàn ông kia là ai, tiếp cận vợ tôi chỉ vì ham của lạ hay vì những lý do gì khác nữa? Rau sạch chăng? Vì vợ tôi dễ dãi quá, chỉ vài chầu cà phê và cơm trưa là đã có thể lên giường? Vì một người đàn bà có gia đình thì an toàn hơn những cô gái tự do, họ không bao giờ bắt đền, đòi cưới, ghen ngược, và cũng có “phốt” để phải giữ gìn cho cả hai chăng?

 Tôi có thể bắt vợ “khai” ra kẻ kia là ai, nhưng tôi đã không làm việc đó. Người ta không thể sống bằng việc mang quá khứ ra dằn vặt mãi. Tôi biết, những lạnh lùng ghẻ lạnh của mình đối với vợ chẳng thể kéo dài mãi được, chỉ thêm làm khổ mình khổ người. Cuộc sống như thế có khác gì địa ngục trần gian đâu.

Tôi càng không phải thần thánh để nói một câu tha thứ là xong hết. Mỗi khi nhìn thấy vợ, tôi lại hình dung đến những điều xấu xa, dơ bẩn cô ấy đã làm khi phản bội chồng. Làm sao tiếp tục chung sống với cảm giác khinh khi, coi thường trong lòng? Tôi không biết. Sự bao dung, kiên nhẫn của một người đàn ông cũng có giới hạn nhất định.

Điều quan trọng nhất, đó là dường như vợ tôi nhìn nhận lỗi lầm của mình cũng ở mức “bình thường thôi”, đâu có gì mà ầm ĩ. Dĩ nhiên, cô ấy không dám bày tỏ suy nghĩ đó với tôi, nhưng nhìn vào thái độ của vợ, tôi tin rằng, cô ấy nắm được điểm yếu của tôi: không dám đề nghị ly hôn vì vướng con cái và vô số những hệ lụy khác liên quan đến tài sản, gia đình hai bên, và nhất là cái vỏ bọc xã hội của cả hai.

Ly hôn chắc chắn không phải là giải pháp hay lúc này. Thế nhưng, tôi bỗng dưng thấy cuộc đời sao mà đầy xấu xa lừa dối và phản trắc đến thế. Người ta có thể dễ dàng phản bội nhau đến như vậy ư? Tôi thật không tin được.

Khi vợ tôi thú nhận và hứa sẽ không “tái phạm”, dưng không tôi tự hỏi, bao nhiêu người phụ nữ tôi vẫn tiếp xúc hàng ngày đã và đang “cải thiện” cuộc sống bằng cách tìm thêm một mối quan hệ bên ngoài để giải khuây kiểu này? Nghĩ đến thật đáng sợ. Bình đẳng là như thế sao, người đàn ông vốn đã nhọc nhằn kiếm sống nay còn phải lo “hoàn thiện bản thân” để giữ người đàn bà tưởng biết an phận, biết trân trọng hạnh phúc gia đình mà dễ lạc lòng đến vậy?

Thấy vẻ bàng hoàng tuyệt vọng của tôi, chị bạn kể tôi nghe về một cách “hành xử như đàn ông thông thường”. Quan trọng là tôi có đủ “trình” và nhẫn tâm để thực hiện hay không thôi. Đó là kiểm soát vợ, từ thu chi cho tới mọi mối quan hệ cá nhân. Chỉ giới hạn mọi thứ ở mức tối thiểu, để vợ phải hối tiếc dài lâu về sai lầm của mình. Đe dọa tung hê lên cho một số người thân biết nhằm uy hiếp vợ.

Tìm hiểu về tình địch kỹ càng thì mới “trăm trận trăm thắng” được. Cấm vận hoặc bạo hành tình dục, nếu hứng thú. Song song đó, hãy tự cho phép mình được sống tự do, thoải mái mà bù đắp lại những thiệt thòi đã phải vô lý gánh chịu. Tại sao bấy lâu không có một ai làm “bạn” để có thể cân bằng đời sống vật chất và tinh thần kia chứ? Mất mát gì đâu, thấy không, một phụ nữ như vợ tôi mà còn nghĩ và làm được như thế kia mà…

Những lời bộc trực của chị bạn thân làm tôi đau thêm, nhưng cảm giác nặng nề nhất vẫn là ghê sợ. Quả đúng như chị nói, bây giờ, nhà nghỉ, khách sạn mọc lên khắp nơi, kín đáo, rẻ bèo. Thi thoảng tôi cũng nhận được ở đâu đó ánh mắt là lạ gọi mời, vài cử chỉ thân thiện chăm sóc mà giờ nghĩ lại, tôi biết, chỉ cần mình bật đèn xanh là mọi thứ chẳng đến nỗi khó khăn gì.

Đã qua rồi cái thời đàn ông phải “đi săn”, họ có khi trở thành con mồi nếu vừa mắt một ai đó. Tôi lâu nay ngu ngốc khờ khạo không biết hưởng thụ thật sao? Tôi lạc hậu quá so với chuẩn đàn ông thông thường rồi, như chị phụ nữ kia đã chê cười? Hay thời buổi này, phải biết toan tính cho mình, phải đặt bản thân lên trên hết, thì mới là đúng điệu?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...