(GD&TĐ) - Chiều nay (25/3), Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, QH khóa XII, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, QH thảo luận ở Hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011. Tại buổi làm việc, phần lớn các ĐB đều bày tỏ sự đồng tình với báo cáo đánh giá công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Hầu hết các ý kiến đều đánh giá các báo cáo đã được chuẩn bị công phu kỹ lưỡng, sâu sắc, đánh giá khá toàn diện những mặt được, chưa được cũng như nguyên nhân và nêu ra bài học kinh nghiệm, phương hướng khắc phục.-2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
ĐB Trần Hoàng Thám, TP Hồ Chí Minh nêu, cử tri Thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi tôi có điều kiện tiếp xúc, nhìn chung phấn khởi, đồng bào rất vui mừng về những thành tựu trong những năm gần đây, nhất là trong 4 năm qua phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trong công tác đối ngoại.
“Tôi có một niềm tin, đà này trên cơ sở tổng kết của QH, của các cơ quan Nhà nước Trung ương mình sẽ rút ra những điều cần thiết, sắp tới công việc của đất nước mình có phát triển tích cực hơn, nhanh hơn”, ĐB Thám nói.
ĐB Nguyễn Đăng Trừng ( TP Hồ Chí Minh ), đánh giá cao nhiệm kỳ của Thủ tướng, trong đó có 2 ưu điểm rất nổi bật.
Theo ĐB Trừng, ưu điểm thứ nhất, là hoạt động đối ngoại của Thủ tướng rất thắng lợi, đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập quốc tế của đất nước với khu vực thế giới. Việt Nam đã thực sự hội nhập quốc tế về kinh tế, có 25 nước công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường, phấn đấu để cộng đồng quốc tế công nhận Việt Nam có nền kinh tế hoàn chỉnh là một nỗ lực rất phù hợp xu thế phát triển hiện nay trên thế giới.
“Tôi cho rằng hoạt động đối ngoại thắng lợi của Thủ tướng đã góp phần quan trọng tạo ra những điều kiện, cơ hội rất thuận lợi cho quá trình phát triển của đất nước, nhất là về mặt kinh tế”, ĐB Trừng nói.
Về ưu điểm thứ 2, ĐB Trừng cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, tình hình kinh tế trong nước rất ngổn ngang, Thủ tướng và Chính phủ phải đối mặt với những thử thách rất khắc nghiệt, năm 2008 lạm phát, năm 2009 suy thoái, năm 2010 lạm phát trở lại đang kéo dài đến nay, lạm phát lần này coi như "nhồi máu cơ tim" lần thứ hai nhưng Thủ tướng và Chính phủ đã xoay xở tập trung mọi nỗ lực, mọi biện pháp đối phó đã vượt qua các thử thách tưởng như không vượt qua nổi, giữ được mức tăng trưởng trung bình mỗi năm là 7% trong nhiệm kỳ, đây là một quyết tâm rất lớn của Thủ tướng Chính phủ phải được ghi nhận.
ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nhấn mạnh, có nhiều điểm sáng trong nhiệm kỳ vừa qua, cử tri phấn khởi. Vừa qua cử tri hoan nghênh và đánh giá cao Chính phủ đã di tản hàng nghìn người trong một thời gian ngắn ra khỏi Libi. Điều này thể hiện, trách nhiệm của Chính phủ đối với nhân dân ở bất kể nơi nào trên thế giới. Điều này cũng chứng tỏ Chính phủ đã và đang thực hiện những việc vì dân, do dân”, ĐB Xuân nói.
ĐB Xuân đề nghị, cử tri mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ sẽ tiếp tục có những quan tâm sâu sắc hơn đến cuộc sống của người dân Việt Nam ở các nước khác trên thế giới. Ví dụ những cô dâu ở Hàn Quốc, Đài Loan, những trẻ em, phụ nữ bị lạm dụng tình dục ở Thái Lan và Campuchia…
ĐB Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) cho rằng, trong nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng có nhiều điểm nổi bật, trong đó đưa thu nhập bình quân đầu người lên trên 1000 USD, đưa nước ta thoát nghèo và bước vào giai đoạn đầu của nước phát triển.
“Một trong những kết quả tôi quan tâm đó là Chính phủ đã tạo ra được hơn 8 triệu việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 18,1% năm 2006 xuống còn 9,45% năm 2011, dạy nghề cho 7,8 triệu người, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao”, ĐB Vang nói.
Về công tác đối ngoại, ĐB Vang đã lấy hình ảnh hình ảnh nguyên thủ quốc gia chạy bộ thể thao xung quanh hồ gươm hay hình ảnh một nguyên thủ quốc gia được bảo vệ hết sức cẩn mật mà họ hạ cửa ô tô xuống họ vẫy chào người dân Hà Nội.
“ Đó là thể hiện một xã hội ổn định, một xã hội phát triển kinh tế và đó là tạo lòng tin của thế giới đối với chúng ta”, ĐB Vang nói thêm.
Tuy nhiên, phát biểu tại hội trường, nhiều ý kiến ĐB cũng còn những trăn trở trong vấn đề quản lý vĩ mô, công tác quy hoạch, xây dựng dự án của các ngành, cũng như việc xây dựng hệ thống pháp luật và thể chế còn bất cập; kinh tế phát triển chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển; đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học công nghệ còn chậm, bảo vệ tài nguyên môi trường chưa tốt; công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và chăm sóc sức khỏe nhân dân có mặt kết quả chưa cao, …
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã dành trọn thời gian phát biểu của mình để nêu lên những bất cập, hạn chế trong đời sống văn hóa hiện nay và cho rằng mảng về văn hóa – xã hội trong báo cáo của Chính phủ đã chưa đánh giá đúng mức.
“Bên cạnh mối quan tâm đối với vấn đề kinh tế, Chính phủ không phải không đề cập nhưng không đề cập, không đầu tư đúng mức đối với vấn đề văn hóa, xã hội và đời sống. Khi chúng ta gặp khủng hoảng về kinh tế chúng ta có thể đầu tư để kích cầu về kinh tế nhưng tôi chưa thấy bao giờ Chính phủ kích cầu về tâm thế dân tộc, về đời sống xã hội, văn hóa”, ĐB Quốc nêu.
ĐB Phạm Quốc Anh (Đồng Nai ) nêu những vấn đề tồn tại liên quan đến tình trạng giải quyết khiếu nại, tố cáo mặc dù có tiến bộ nhưng chưa có chuyển biến thật rõ rệt, nhất là những khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nêu một thực trạng hiện nay là: nhận thức của một bộ phận cán bộ trong bộ máy hành chính, hành pháp về trách nhiệm công tác dân vận chưa đầy đủ, chưa đúng, dẫn đến hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhiều khi không cao, đôi khi làm cho khoảng cách giữa chính quyền và người dân xa thêm.
“Tôi đề nghị phải nhận diện cho rõ, chấn chỉnh xu hướng này, nếu không sẽ làm giảm hiệu quả, hiệu lực của bộ máy, vừa làm cho chính chính quyền thêm xa dân”, ĐB Hùng nói.
ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) quan tâm đi sâu vào phân tích tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước và cho rằng nguy cơ lạm phát cao hai con số sẽ làm tổn thương đến lợi ích của đại đa số dân cư và cả những doanh nhân.
ĐB Việt đề nghị trong điều hành kinh tế, Chính phủ cần phải xóa bao cấp dần các mặt hàng thiết yếu như giá điện, than, xăng, dầu v.v... để phù hợp với giá cả thế giới trong hội nhập quốc tế và dân chúng sẽ dần dần thích nghi.
“Dân chúng mong mỏi Chính phủ quản lý, điều hành như thế nào để chỉ số giá tiêu dùng trong nước tăng hợp lý không vượt quá mức trung bình so với các nước trong khu vực, đây là một trong những chính sách căn cơ tạo niềm tin trong dân chúng”, ĐB Việt nêu.
Cũng trong buổi thảo luận, một số ý kiến đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng dự án của các ngành, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển; đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học công nghệ còn chậm, bảo vệ tài nguyên môi trường chưa tốt; công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và chăm sóc sức khỏe nhân dân có mặt kết quả chưa cao…
Trước đó, sáng nay các ĐB thảo luận tại tổ về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC. Các ĐB nhất trí với báo cáo hoạt động cả nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) trên 3 phương diện: Giải quyết các vụ việc lớn về hình sự, dân sự, góp phần ổn định an ninh, chính trị, phát triển KT-XH; Số lượng, chất lượng công chức đều được nâng lên; Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của ngành tư pháp cũng được cải thiện đáng kể. Đặc biệt là đã giảm đáng kể các vụ án oan sai, thực hiện đúng chức năng công tố.
Về chất lượng của việc kiểm sát công tác thi hành án; tình hình thực hiện cải cách tư pháp theo Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, cũng như công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ của hai ngành Toà án và Viện Kiểm sát.
ĐB Ngô Văn Quyền (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng: “Trong nhiệm kỳ vừa qua, ngành Kiểm sát thực tốt chức năng, còn ngành Tòa án đã giảm thiểu số vụ án oan sai. Hai ngành đã làm rất tốt, nhất là chủ trương tăng thẩm quyền cấp huyện. Trong 5 năm, cả hai ngành tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng”.
Đánh giá về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chánh án TANDTC nhiệm kỳ 2007- 2011, các ĐB tán thành và cho rằng; toàn ngành triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn cho các thẩm phán, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc bức xúc kéo dài… Công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng chống tham nhũng; xây dựng pháp luật; thi hành án hình sự, xét miễn giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước; thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp… toàn ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Về những hạn chế của hai ngành trong nhiệm kỳ vừa qua, các ĐB cho rằng, trước yêu cầu của tình hình mới thì hoạt động của Tòa án và Viện Kiểm sát đã bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này thể hiện ở công tác xét xử chất lượng chưa cao, tỷ lệ án sơ thẩm, phúc thẩm bị tuyên bác và phải sửa ở các cấp rất cao.
ĐB Đặng Văn Khanh (đoàn Hà Nội) cho rằng, tình hình tội phạm hiện nay có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhất là loại hình tội phạm công nghệ cao, tội phạm trên thị trường chứng khoán… Để điều tra, xét xử những vụ án này rất khó và mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, theo tinh thần cải cách tư pháp, nhiều vụ án bị cáo sử dụng luật sư ngay từ đầu, ngày càng nhiều Kiểm sát viên phải tranh tụng với luật sư tại phiên toà. Nếu không được nâng cao trình độ sẽ dễ bị luật sư “quay” tại toà…
Ngoài ra, có ý kiến ĐB cho rằng, đội ngũ cán bộ tư pháp phải chuyên nghiệp hơn, phẩm chất đạo đức cao hơn và ngành Tư pháp cần đưa ra những tiêu chí cụ thể trong việc đào tạo, xây dựng lực lượng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trong thời gian tới. ĐB Phan Trung Lý (đoàn Nghệ An) cho rằng: Những vấn đề liên quan đến cải cách tư pháp, 2 ngành thực hiện rất nhiều, nhưng những mục tiêu chính còn lúng túng trong vấn đề thực hiện.
Thảo luận về việc thực hiện nhiệm vụ củaViện trưởng Viện KSNDTC, các ĐB đánh giá cao nỗ lực phấn đấu và tạo được sự chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả trên tất các cả các mặt công tác. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Chất lượng truy tố, tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ các vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng giảm. Số trường hợp đình chỉ do không phạm tội và Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội giảm hàng năm…
Bên cạnh việc phân tích hoạt động của ngành Toà án và Viện Kiểm sát, nhiều ĐB cũng đề xuất QH cần sớm ban hành những văn bản luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành Toà án như Luật Đất đai. ĐB Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, phần lớn các vụ án tồn đọng hiện nay đều có liên quan đến việc khiếu kiện, tranh chấp về đất đai. Nếu QH không sớm có biện pháp tháo gỡ thì ngành Toà án và Viện Kiểm sát cũng sẽ bất lực với hàng núi đơn thư khiếu kiện về vấn đề này.
Ngày mai (26/3), các ĐB QH tiếp tục làm việc thảo luận ở hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2011.
Nam Khánh